

Từ trung tâm hành chính tỉnh Lào Cai, chúng tôi ngược Suối Giàng, nay thuộc xã Văn Chấn với chặng đường hơn 80 km. Rời phố lúc trời còn mờ sương, đường đi dễ dàng, càng lên cao, cảnh sắc càng mở ra xanh biếc như một bức tranh. Đồi chè tầng tầng lớp lớp, mây trắng sà xuống có lúc như bao trọn cả bản làng trong sớm mai.

Suốt cả tuần trước, mưa dầm rả rích, thế mà ngày tôi lên Suối Giàng, trời như chiều lòng người. Mặt trời vừa nhô lên đã chiếu rực cả mái gỗ xám nâu, ánh sáng xuyên qua tán chè cổ thụ, chiếu lên những giọt sương còn đọng trên lá lấp lánh. Ấn tượng nhất là những mái nhà bằng gỗ rêu phong. Không gian ấy mang sự tĩnh lặng, an nhiên hiếm thấy ở những nơi du lịch đông đúc.

Suối Giàng nằm ở độ cao 1.371 mét so với mực nước biển, quanh năm mát lạnh. Anh Hải Sơn - bạn đồng hành với tôi trong chuyến đi này, người từng nhiều năm công tác tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Truyền thông huyện Văn Chấn (cũ) chia sẻ:
Ở Suối Giàng, một ngày có đủ cả 4 mùa. Sáng sớm sương mù bảng lảng, trưa nắng trong gió mát, chiều vàng như rót mật, đêm xuống se se lạnh. Không khí chẳng kém gì Sa Pa hay Đà Lạt.
Câu nói ấy càng khiến lòng tôi háo hức khám phá thiên nhiên và con người vùng đất này.
Suối Giàng không ồn ào, không tấp nập như Tả Van, Tả Phìn. Nơi đây chủ yếu đón khách trong nước, từng nhóm nhỏ, đôi ba bạn trẻ đi phượt hay các gia đình muốn tĩnh dưỡng. Giữa nhiều cơ sở lưu trú, chúng tôi dừng chân ở Suối Giàng Sky Gate, homestay nằm ở vị trí cao nhất vùng. Đây là tổ hợp lưu trú, ẩm thực, tổ chức các hoạt động ngoài trời, hướng đến trải nghiệm xanh và thân thiện với thiên nhiên.

Suối Giàng Sky Gate hiện có sức chứa gần 100 khách, gồm cả phòng riêng và nhà cộng đồng. Ông Trung chia sẻ thêm: “Khách chủ yếu lên vào cuối tuần và dịp lễ. Những ngày thường vắng hơn, có lẽ vì Suối Giàng vẫn còn là điểm đến mới mẻ với nhiều người”.

Hôm chúng tôi đến là ngày giữa tuần, chỉ có thêm 2 đoàn khách khác đang lưu trú. Anh Bùi Nhật Vinh, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi từng đi nhiều nơi nhưng Suối Giàng mang lại cảm giác đặc biệt. Cảnh đẹp, đường dễ đi, thiên nhiên còn nguyên sơ, chưa bị thương mại hóa. Mọi thứ ở đây khiến người ta thư thái”.

Nhắc đến Suối Giàng không thể không nhắc đến chè cổ thụ. Anh Sùng A Thông, cán bộ Phòng Văn hóa - Xã hội xã Văn Chấn đồng thời là người con của Suối Giàng dẫn tôi tới khu vườn có những gốc trà vài trăm năm tuổi, thân cây xù xì, phủ rêu mốc, sừng sững như chứng nhân thời gian giữa rừng xanh.

Anh Thông nói: Người dân nơi đây kể lại huyền tích rằng, có đôi vợ chồng người Mông lên nương, một lần, người vợ đau bụng giữa rừng. Người chồng bẻ lá cây có vị chát đun nước cho vợ uống và khỏi bệnh. Từ đó, người dân nhân rộng cây chè làm thuốc, làm nước uống. Cây chè gắn bó với Suối Giàng như vậy. Cây chè sống khỏe trong khí hậu se lạnh và đất núi đá, cho hương vị riêng biệt không nơi nào có được.

Sau khi dạo quanh khu vườn, chúng tôi ghé “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” để thưởng trà. Cô gái trẻ Bích Ngọc tự giới thiệu là trà chủ (người pha trà) cùng trà nương (hỗ trợ trà chủ đưa chén mời khách) đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp. Không gian phòng trà nhỏ, có bếp lửa cháy nhẹ, có 4 loại trà được trà chủ giới thiệu gồm: bạch trà, hoàng trà, lục trà, hồng trà. Các loại trà được phân loại nhờ cách lên men và thu hái.

Chúng tôi được thưởng thức hồng trà, loại trà được giới thiệu phù hợp với sức khỏe và vẻ đẹp của phụ nữ. Trà nương đưa chén gồm một dài, một ngắn, trong khi trà chủ thực hiện từng thao tác: làm nóng ấm, cho trà, rót nước hạ nhiệt… Mỗi công đoạn đều chỉn chu, chậm rãi.

“Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm” chủ trà nói, như một câu dẫn dắt trải nghiệm thưởng trà. “Nước pha được lấy từ suối đầu nguồn, đun sôi rồi làm nguội bằng “tống điều thủy” vậy nên sự kết hợp giữa trà Shan tuyết cổ thụ và nguồn nước sẽ mang đến hương vị riêng cho trà Suối Giàng”, chủ trà chia sẻ.
Chúng tôi thưởng trà theo cách mà chủ trà hướng dẫn. Hương trà nhẹ thoảng, vị đậm dần khi nhấp môi. Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận được trà không còn là nước, mà là sự chắt chiu, ôm ấp của núi rừng trong từng búp lá để mang đến một hương vị đặc biệt.

Thú vị hơn khi được lắng nghe chị Nguyễn Thu Hằng, quản lý “Không gian văn hóa trà” cho biết: “Trà Suối Giàng đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Gần như du khách tới đây cũng mang về vài hộp làm quà”.

Trong “Không gian văn hóa trà Suối Giàng”, anh Sùng A Thông chia sẻ: “Suối Giàng có hơn 10 hộ làm homestay, nhưng tiềm năng chưa được khai thác hết.

Không chỉ có chè cổ, Suối Giàng còn sở hữu nhiều điểm đến độc đáo như động Thiên Cung, Cốc Tình, các thác nước ẩn mình giữa rừng sâu, những triền núi xanh đầy mời gọi cho hành trình trekking, dã ngoại và khám phá thiên nhiên. Đặc biệt, khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện lý tưởng để Suối Giàng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành và du lịch cộng đồng bền vững.
Suối Giàng vẫn còn là viên ngọc thô. Điều quan trọng làm sao để phát triển đúng hướng, giữ được bản sắc, bảo tồn cây chè, gìn giữ nếp sống của đồng bào Mông.
Anh Thông nói thêm: “Chúng tôi mong muốn du khách đến đây không chỉ ngắm cảnh, uống trà, mà còn để hiểu và trân quý một vùng đất có nhiều nét văn hóa độc đáo”.
Giữa bối cảnh ngành du lịch đang hướng đến giá trị xanh và bảo vệ môi trường, Suối Giàng được xem như một lựa chọn lý tưởng, nơi mà du khách không tìm kiếm những điều hào nhoáng, chỉ cần đủ tĩnh để lắng nghe tiếng gió qua đồi chè và nhấp một ngụm trà để hiểu hơn về đất, về người.

Tôi rời Suối Giàng khi đã lặng ngắm, đã hít căng lồng ngực cái mát lành của chè cổ thụ, của gió. Vẫn còn đó mùi trà thơm lẫn trong gió, những mái nhà gỗ phủ rêu. Người ta vẫn gọi Suối Giàng là “Sa Pa thứ 2”, nhưng tôi tin rằng nơi đây là một Suối Giàng độc bản, với mây ngàn, chè cổ, khí hậu mát lành và những con người dung dị giữa đại ngàn. Tôi đã ghi thêm một chấm nhỏ trên hành trình trải nghiệm du lịch của mình để giới thiệu tới bạn bè gần xa - một Suối Giàng đẹp như bản tình ca giữa núi và trà.
Nguồn: https://baolaocai.vn/ban-tinh-ca-giua-nui-va-tra-post649856.html
Bình luận (0)