Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỳ vọng phát triển giáo dục toàn diện ở vùng cao Lai Châu

GD&TĐ - Với những mục tiêu đổi mới và chiến lược phát triển mang tính đột phá, ngành GD&ĐT Lai Châu kỳ vọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại11/07/2025

Đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ

Sau quá trình thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, toàn cảnh giáo dục của tỉnh Lai Châu vẫn giữ được sự ổn định về quy mô và chất lượng. Quy mô mạng lưới trường lớp, số lượng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và học sinh được duy trì ở mức cao, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư đảm bảo cho các hoạt động giáo dục.

Ngành giáo dục tiếp tục rà soát, sắp xếp trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người học và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tính đến hết năm học 2024 – 2025, tỉnh Lai Châu hiện có 336 trường, gần 5.200 lớp với khoảng 150 nghìn học sinh. Trong đó, bậc mầm non có 113 trường (1 trường tư thục) với hơn 36.000 trẻ. Toàn tỉnh có 82 trường tiểu học và 30 trường liên cấp tiểu học và THCS với hơn gần 55.000 học sinh. Bậc THCS có 80 trường với 1.151 lớp, hơn 44.000 học sinh. Bậc THPT có 23 trường, 298 lớp với gần 12.300 học sinh. Có 8 Trung tâm GDNN – GDTX với 44 lớp và hơn 1.600 học viên.

Ngành GD&DT phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo đội ngũ đáp ứng yêu cầu dạy học. Tính đến nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành là 11.390 người. Trong đó, cán bộ quản lý 915 và 8.618 giáo viên.

lc-4.jpg
Ông Mạc Quang Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ được quan tâm chỉ đạo, chất lượng đội ngũ tiếp tục được củng cố. Địa phương đã rà soát, sắp xếp, bố trí giáo viên cơ bản đủ cơ cấu số lượng theo quy định và để đảm bảo cho việc dạy học các môn học theo Chương trình GDPT 2018.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu và các cơ sở giáo dục đã chỉ đạo thực hiện tốt việc đổi mới quản lý nhà nước về GD&ĐT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới công tác quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch.

Ông Mạc Quang Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: “Toàn ngành đã triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đúng lộ trình. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Công tác giáo dục dân tộc được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Địa phương tổ chức tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú. Hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho học sinh được chú trọng”.

Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc Chương trình Giáo dục mầm non. Thường xuyên quan tâm đổi mới, đa dạng hình thức tổ chức hoạt động giáo dục như phát triển năng lực đặc biệt của trẻ; giáo dục tích hợp. Ứng dụng phương pháp dạy học tiên tiến Montessorri, giáo dục STEAM đối với các lớp mẫu giáo trong tổ chức hoạt động giáo dục gắn với chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

lc-6.jpg
Cô trò Trường Mầm non Nùng Nàng, phường Tân Phong, Lai Châu.

Nhờ đó, 100% trẻ đến trường được ăn bán trú, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ phát triển bình thường về cân nặng, chiều cao đạt trên 92%. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đánh giá hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 100%.

Bà Phạm Thị Thao, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sin Suối Hồ, xã Thèn Sin cho biết: “Nhà trường đã quán triệt để giáo viên tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm. Cùng với đó, phát triển chương trình giáo dục mầm non trên cơ sở ứng dụng một số phương pháp dạy học tiên tiến, mô hình dạy học sáng tạo. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh”.

Các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục linh hoạt, đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị.

lc-5.jpg
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Toàn ngành tập trung đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tổ chức hiệu quả việc sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học trong các nhà trường và theo cụm trường; nội dung tập trung vào những vấn đề khó và mới.

Công tác chuyển đổi số ngành giáo dục được chú trọng. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (Vnedu) và báo cáo thống kê, cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT. Các phân hệ quản lý học sinh, cán bộ giáo viên, điểm danh, sổ điểm điện tử, học bạ số, quản lý cơ sở vật chất, y tế học đường, tài chính – kế toán được triển khai. Tính đến 31/5, ngành đã chỉ đạo triển khai học bạ số áp dụng chính thức cho 100% học sinh tiểu học và đang thí điểm triển khai cho học sinh cấp THCS, THPT.

“Những thành tựu đạt được là minh chứng cho nỗ lực vượt khó, đổi mới của địa phương và ngành GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, ông Dũng khẳng định.

Kỳ vọng từ mục tiêu đổi mới

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, ngành giáo dục Lai Châu hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, phục vụ học tập suốt đời. Hệ thống giáo dục hướng tới chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế.

lc-3.jpg
Dạy học hướng tới phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh.

“Mục tiêu của ngành là phát triển con người toàn diện, chú trọng đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng. Qua đó, gắn kết giữa giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội địa phương” – ông Dũng cho biết.

Tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu duy trì, giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS từ mức độ 2 trở lên. Phấn đấu trên 80% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cấp tiểu học đạt 99,9%; cấp THCS đạt 97 %; cấp THPT đạt 60%.

Với mục tiêu trên, Sở GD&ĐT Lai Châu xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhất là mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thông qua bồi dưỡng về chuyên môn, năng lực chuyển đổi số và kỹ năng sư phạm.

lc-2.jpg
Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục toàn diện.

Ông Bùi Văn Nhiệt, Hiệu Trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì, xã Lê Lợi chia sẻ: “Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và học tập. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục thể chất để phát triển toàn diện cho học sinh”.

Còn ông Nguyễn Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi khẳng định: “Khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, xã được giao quản lý các cơ sở giáo dục từ mầm non tới THCS và được phân quyền để có thể phát triển giáo dục ở địa phương. Chúng tôi sẽ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục học sinh”.

“Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu kỳ vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành trong công tác định hướng phát triển giáo dục và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện vùng khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, mong muốn sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay, đồng hành của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua việc huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi học sinh trên địa bàn” - ông Mạc Quang Dũng bày tỏ.

Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu tính đến 10/7/2025:

Giám đốc: ông Mạc Quang Dũng.

Phó Giám đốc gồm các ông, bà: Vũ Tiến Hóa, Nghiêm Thị Kim Huê, Hoàng Thu Phương.

Trụ Sở: Tầng 4, nhà E, Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Lai Châu.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ky-vong-phat-trien-giao-duc-toan-dien-o-vung-cao-lai-chau-post739253.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm