YÊU CẦU CẤP THIẾT CÓ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
Trái sầu riêng đã và đang trở thành một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân Việt Nam. Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sau khi ký Nghị định thư với Trung Quốc (năm 2022), xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam bùng nổ, đạt hơn 3 tỷ USD năm 2024. Nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu giảm đến 66,6% về kim ngạch so với cùng kỳ, riêng thị trường Trung Quốc giảm hơn 75%.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung khảo sát mô hình phân giải Cadimi trên cây sầu riêng tại huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trước đây (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: N.N.T cung cấp |
Nguyên nhân chính là do sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc suy giảm, sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Malaysia và Campuchia, cùng với yêu cầu kiểm soát chặt Cadimi và Vàng O. Trong khi Thái Lan đã giảm tần suất kiểm tra xuống 30%, thì sầu riêng Việt Nam vẫn phải bị phía Trung Quốc kiểm tra 100% lô hàng, đặt ra áp lực lớn cho nông dân và doanh nghiệp.
Báo cáo từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã chỉ rõ, ngay từ khi nhận được thông báo về sự việc Cadimi từ năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) sớm chủ động triển khai việc xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cho địa phương; trong đó, có việc triển khai các mô hình giảm Cadimi tại Tiền Giang.
Các giải pháp mà phía Bộ triển khai tập trung vào 3 nhóm chính: Nâng pH đất; dùng các chế phẩm sinh học, bochar để cố định Cadimi (chuyển từ dạng hòa tan sang dạng khó tiêu); áp dụng các giải pháp để giảm Cadimi trong đất (như việc trồng bạc hà). Ngoài ra, danh sách hơn 60 loại phân bón “an toàn” cũng được Bộ công bố.
Trước tình hình cấp bách này, ngành Nông nghiệp tỉnh, đặc biệt là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đã không ngừng nghiên cứu và đề xuất những giải pháp đột phá. Trong đó, giải pháp sử dụng chế phẩm VSV phối hợp với phân hữu cơ để phân giải Cadimi trong đất trồng cây ăn trái đã được Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành đề xuất giải pháp phân giải Cadimi trên trái sầu riêng và thí điểm điển hình trên cây sầu riêng tại huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy được thực hiện từ tháng 2-2025 đến tháng 6-2025, do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chủ trì.
2 huyện Cái Bè và Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang trước đây là những vùng trồng sầu riêng trọng điểm của tỉnh. Với địa hình và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây sầu riêng, đây là những nơi cần nhất một giải pháp bền vững để duy trì và phát triển loại cây ăn trái giá trị này.
HƯỚNG ĐẾN CANH TÁC AN TOÀN SINH HỌC
Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, giải pháp được ông tiến hành tại vườn sầu riêng của hộ ông Nguyễn Văn Linh (ấp 4, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè trước đây; nay thuộc xã Thanh Hưng, tỉnh Đồng Tháp) với diện tích 6.000 m2 (khoảng 90 cây 6 năm tuổi); vườn sầu riêng của hộ ông Trần Thế Bảy (ấp 16, xã Long Trung, huyện Cai Lậy trước đây; nay thuộc xã Long Tiên, tỉnh Đồng Tháp) với diện tích 5.000 m2 (mật độ trồng 15 cây/công đất 1.000 m2) và vườn sầu riêng của hộ ông Nguyễn Mạnh Tiến (ấp 3, xã An Thái Trung, huyện Cái Bè trước đây; nay thuộc xã Thanh Hưng) diện tích 4.000 m2 (mật độ trồng 16 cây/công đất 1.000 m2). Cả 3 hộ đều canh tác giống sầu riêng Ri6.
Thu hoạch sầu riêng. Ảnh: T.L |
Cụ thể, ông Thành sử dụng 4 kg chế phẩm VSV trộn với 100 kg phân cút (4 bao 25 kg) của Công ty RVAC để bón gốc; dùng 5 kg chế phẩm VSV ủ với 10 kg phân dơi và 100 lít nước trong bồn nhựa dung tích 200 lít.
Thời gian ủ 3 - 3,5 tháng, sau đó tưới vào gốc sầu riêng theo tỷ lệ: 1 lít chế phẩm pha với 20 lít nước, tưới gốc 15 ngày/lần, phun lên tán lá 10 ngày/lần (chỉ được pha chung với thuốc trừ sâu, rầy). Nguyên lý của giải pháp này dựa trên khả năng của các VSV có lợi trong việc chuyển hóa, cố định hoặc làm giảm tính di động của Cadimi trong đất, từ đó ngăn chặn sự hấp thu của cây trồng.
Với những kết quả đạt được từ giải pháp phân giải Cadimi trên trái sầu riêng và thí điểm điển hình trên cây sầu riêng thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Thành đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XVI và đoạt giải Ba Hội thi. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thành nói: “Tôi vừa nghỉ hưu theo Nghị định 178/2024 ngày 31-12-2024 của Chính phủ. Hiện tôi ở nhà nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học làm những việc giúp ích cho nông dân áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, đó là niềm đam mê trong sự nghiệp. Còn sức khỏe thì tôi còn cống hiến mãi không có điểm dừng”. |
Khi kết hợp với phân hữu cơ, môi trường đất sẽ trở nên màu mỡ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho VSV phát triển và hoạt động hiệu quả hơn. Phân hữu cơ không chỉ cải thiện cấu trúc đất, tăng cường khả năng giữ nước, giữ dinh dưỡng, mà còn cung cấp nguồn carbon và năng lượng cho VSV, giúp chúng phát huy tối đa vai trò phân giải các chất ô nhiễm. Đây là một bước tiến quan trọng, thay vì chỉ tập trung vào việc xử lý sản phẩm cuối cùng, thì giải pháp này giải quyết vấn đề từ gốc rễ, ngay tại vùng rễ cây trồng.
Qua kết quả triển khai các mô hình giảm Cadimi trên cho thấy, giải pháp có sử dụng chế phẩm VSV phối hợp với phân hữu cơ để phân giải Cadimium trong đất mang lại hiệu quả thiết thực và định hướng cho nông dân canh tác cây trồng theo hướng an toàn sinh học, bổ sung VSV có lợi cho đất, giảm sử dụng phân bón, thuốc hóa học, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, nhất là khi nông sản được sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng thu nhập của nông dân.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng giải pháp giúp môi trường đất trồng được tơi xốp, màu mỡ, kéo dài tuổi thọ đất, cây, phục hồi vườn cây bị thoái hóa, suy kiệt, giảm được ô nhiễm do sử dụng phân, thuốc hóa học, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn theo hướng bền vững; đặc biệt, việc phân giải hàm lượng Cadimium trong đất, cây ăn trái nói chung và cây sầu riêng nói riêng góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe cho người canh tác và người tiêu dùng, phòng chống bệnh.
Đặc biệt, theo ông Thành, giải pháp này dễ áp dụng do nguyên liệu để sản xuất dễ tìm mua trong nước; có khả năng áp dụng ở nhiều quy mô: Hộ gia đình, sản xuất theo trang trại. Kết quả nghiên cứu hiện đã được Viện Cây ăn quả miền Nam kiểm nghiệm và cấp giấy xác nhận; có thể nhân rộng, áp dụng cho các vườn cây ăn trái (cây sầu riêng) trong tỉnh và cả nước.
Sự thành công của giải pháp này ở những mô hình thí điểm trên không chỉ là tin vui cho nông dân Đồng Tháp, mà còn cho các tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Giải pháp phân giải Cadimi bằng VSV và phân hữu cơ không chỉ là một kỹ thuật canh tác, mà còn là một cam kết về chất lượng, an toàn thực phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Với những nỗ lực này, trái sầu riêng Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại vị thế, tự tin chinh phục các thị trường “khó tính” hướng đến phát triển bền vững cho cây sầu riêng nói riêng và cây ăn trái nói chung.
HOÀI THU
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/hieu-qua-buoc-dau-tu-giai-phap-phan-giai-cadimi-tren-trai-sau-rieng-1046681/
Bình luận (0)