Học bơi không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, trang bị kỹ năng sống cần thiết để phòng, chống các tai nạn rủi ro do đuối nước mà còn đem lại cho các em những ngày hè bổ ích.
SỰ CẦN THIẾT KHI CHO TRẺ HỌC BƠI
Vào buổi sáng sớm, khu vực hồ bơi tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Đồng Tháp rộn rã tiếng cười đùa của hàng chục trẻ đang tập bơi. Từng tốp nhỏ được huấn luyện viên hướng dẫn kỹ thuật bơi sải, bơi ếch… Hay nhiều em còn chập chững làm quen với nước, khua tay, khua chân tập nổi dưới nước. Nhằm giúp cho con thư giãn, vui chơi, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (ở phường Đạo Thạnh) cho biết: “Con gái tôi vừa học xong lớp 4, đang vào thời gian nghỉ hè nên tôi cho bé học bơi để thư giãn, vận động cho khỏe. Bé rất hào hứng với những giờ học bơi”.
|
Trẻ học bơi tại Hồ bơi - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Đồng Tháp. |
Đa số trẻ đều rất hào hứng khi được bơi trong làn nước mát, cười đùa cùng bạn bè, giảm bớt áp lực học tập và xa rời các thiết bị điện tử - điều mà nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn ở con em mình. Vận động nhịp nhàng theo từng động tác bơi sẽ giúp trẻ giải phóng năng lượng tiêu cực, điều hòa tâm lý sau những tháng ngày học tập căng thẳng.
Em Nguyễn Thành Đạt (7 tuổi) chia sẻ: “Lúc đầu con sợ nước lắm. Đến hồ bơi, con chỉ đứng ở mép hồ. Nhưng đến hồ bơi mấy lần sau, con thấy các bạn bơi được, nên cũng cố gắng tập bơi theo. Con thích cảm giác được lặn xuống nước, mát mẻ và dễ chịu nên rất thích”. Còn mẹ em Đạt - chị Lê Thị Thanh Thúy cho biết: “Con trai tôi vốn nhút nhát, khi đi học bơi thì trở nên tự tin hơn khi luôn khoe bơi được 20 m và được học thêm kiểu bơi mới”.
Còn chị Nguyễn Trần Mai Anh (ở phường Trung An) cho biết, gia đình chị quyết định đăng ký cho con trai 6 tuổi học bơi tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Đồng Tháp, với chi phí bằng với các cơ sở dạy bơi khác nhưng chất lượng dạy bơi tại đây thực sự vượt trội. Hồ bơi tại trung tâm hiện đại, đạt chuẩn Quốc gia, đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên dạy bơi chuyên nghiệp, có lực lượng làm công tác cứu hộ ngay tại hồ bơi. Điều này giúp gia đình chị rất yên tâm, hơn nữa đây là sân chơi ngoại khóa rất bổ ích, ý nghĩa giúp con chị rèn luyện thể chất, có sức khỏe tốt và điều quan trọng nhất là biết bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước.
Thầy Lê Phước Hải, giáo viên dạy bơi tại Hồ bơi - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hè năm nay, số lượng trẻ được phụ huynh đăng ký học bơi tăng nhiều hơn so với các năm trước. Hiện tôi đang hướng dẫn học bơi cho hơn 100 em/ngày tại hồ bơi. Mỗi ngày các em bơi bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 17 giờ 30 phút chiều (mỗi suất bơi khoảng gần 1 giờ). Đến với lớp học bơi, các em được giáo viên hỗ trợ làm quen với môi trường nước, hướng dẫn các kỹ năng bơi cơ bản như: Bơi sải, bơi ếch, kỹ năng tự nổi dưới nước và phòng, chống đuối nước. Ban đầu, nhiều em gặp khó khăn vì bản thân chưa biết bơi và còn sợ nước. Tuy nhiên, qua thời gian, tất cả các em dần hào hứng với bơi lội. Trung bình sau hai tuần học bơi, các em sẽ biết bơi”.
Theo thầy Lê Phước Hải, khi học bơi, trẻ sẽ được vui chơi giải trí cùng bạn bè và quen biết thêm nhiều bạn mới. Điều thuận lợi trong việc dạy bơi là trẻ tiếp thu rất nhanh, hiếu động nên học dễ biết bơi. Với một số trẻ sợ nước, người dạy bơi thường xuyên trò chuyện cùng trẻ, giải thích cho trẻ hiểu, để trẻ quên đi nỗi sợ và dần làm quen với nước.
GÓP PHẦN PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC
Những năm gần đây, các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang trước đây (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, học sinh tham gia tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước. Qua đó, nâng cao nhận thức của toàn dân về vai trò, ý nghĩa và tác dụng của việc tập luyện môn bơi, trang bị các kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước trong đời sống hằng ngày.
|
Trẻ khởi động trước khi xuống hồ bơi. |
Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tập luyện môn bơi; tổ chức các lớp dạy bơi, phòng, chống đuối nước và các lớp thể dục thể thao cho trẻ em trong dịp hè. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước; tổ chức nhiều lớp dạy bơi, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Hiện nay, nhiều trường học đã đầu tư xây dựng hồ bơi, bố trí giáo viên, người hướng dẫn tập luyện bơi lội, thu hút nhiều học sinh tham gia tập luyện môn thể thao này. Thầy Lê Quốc Buốt, giáo viên dạy bơi tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Việc dạy bơi tại trường học được triển khai theo Chương trình Giáo dục bơi an toàn cho học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh được trang bị kiến thức cơ bản trên cạn, kiến thức thực hành dưới nước; kỹ năng sơ cấp cứu và kiến thức an toàn dưới nước, cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm khi bơi”.
Bơi lội không chỉ đơn thuần là môn thể thao giúp trẻ vui chơi trong mùa hè, mà còn là một trong những kỹ năng sống quan trọng bậc nhất đối với trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh tai nạn đuối nước vẫn là nỗi lo của toàn xã hội. Mỗi nhịp bơi của trẻ học được là một bước trưởng thành về thể chất, tinh thần và nhận thức. Để trẻ em có một mùa hè bổ ích, an toàn, khỏe mạnh, rất cần sự quan tâm từ gia đình, nhà trường, cộng đồng và chính quyền.
BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ
Trong những năm gần đây, mặc dù các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đã quan tâm tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ em đuối nước. Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan cũng như việc giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ còn mang nặng hình thức, chưa thực tế nên tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra.
Từ những vụ việc xảy ra thương tâm, thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên có sông, ao, hồ… là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, bể chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước… có thể bị ngạt và chết đuối trong thời gian rất ngắn. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Theo báo cáo của ngành Y tế nước ta, trung bình mỗi ngày đều xảy ra các trường hợp trẻ em bị đuối nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Ngay trong thời gian nghỉ hè này, nếu các em học sinh không được thường xuyên giáo dục, nhắc nhở về bảo đảm an toàn thì rất có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc với các em. Vì vậy, mỗi chúng ta cần có những hiểu biết về việc phòng, chống tai nạn đuối nước. Đặc biệt là người lớn, các bậc phụ huynh hãy luôn nêu cao ý thức tuyên truyền, nhắc nhở, quản lý con em mình.
Theo đó, một số cách phòng ngừa đuối nước ở trẻ em cần chú ý là tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối… khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những nơi có ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm… trẻ em cần phải tránh xa. Luôn theo dõi con khi trẻ xuống nước hoặc chơi gần ao, hồ, bồn tắm… Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ. Nếu nhà có hồ bơi, nên lắp rào chắn xung quanh hồ bơi, không để con bơi một mình. Nên cho trẻ học bơi (trẻ trên 4 tuổi) ở các lớp học về an toàn dưới nước. Người lớn, trẻ nhỏ luôn đeo áo phao khi đi thuyền. Lưu ý khi trẻ đi tắm biển và hồ bơi là phải có phao bơi an toàn; không được cho trẻ tắm một mình xa tầm mắt người lớn…
SONG AN
Nguồn: https://baoapbac.vn/xa-hoi/202507/hoc-boi-an-toan-trang-bi-ky-nang-song-cho-tre-em-1046686/
Bình luận (0)