Chuộng không gian xanh và thân thiện môi trường là xu hướng nghỉ dưỡng của du khách ngày nay. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Đây là một trong những nội dung chính của Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn, thực hiện theo điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô sửa đổi vừa được 100% đại biểu tham dự kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI biểu quyết thông qua vào ngày 10/7. Trong đó, Nghị quyết quy định hàng loạt biện pháp nhằm giảm rác thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt tại thành phố.
Kể từ 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học. Từ 1/1/2028, các cơ sở này phải dừng hoàn toàn việc lưu hành và sử dụng túi ni lông khó phân hủy (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ trường hợp đóng gói hàng hóa.
Các đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường.
Xe điện đưa du khách tham quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN)
Nghị quyết cũng nêu rõ, kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam).
Các đơn vị, cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền thành phố được yêu cầu không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy trong hoạt động thường ngày, đặc biệt là khi tiếp xúc, chứa đựng thực phẩm.
Có thể nói, Nghị quyết này đã chính thức đặt nền móng cho quyết tâm phát triển đô thị xanh bền vững của Hà Nội.
Dẫu vậy, để các doanh nghiệp thực sự “xanh,” điểm đến sạch bóng rác thải nhựa dùng một lần sẽ là thách thức không nhỏ. “Bài toán” thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành vi của người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó trên con đường tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn. Bởi để có được sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh, cuộc sống xanh đòi hỏi đầu tư chi phí và nguồn lực lớn.
“Một trong những rào cản rất lớn nhất đó là thiếu nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh trên hành trình tiến tới không rác thải nhựa. Bởi như chúng ta đều biết trong việc phục vụ khách du lịch phải sử dụng rất nhiều vật dụng, vật liệu, rất nhiều đồ dùng được sản xuất từ nhựa, và nếu chuyển đổi sẽ phải thay thế toàn bộ,” Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí nhận định.
Du khách trải nghiệm ở khu nghỉ dưỡng nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần ở Hà Nội. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Theo ông Trí, để có thể chuyển đổi: “Trước hết cần nguồn lực về tài chính. Mà trong bối cảnh này các doanh nghiệp du lịch đang hơi khó khăn. Bởi bản chất doanh nghiệp du lịch phần lớn là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ chỉ với vài nhân sự. Nhưng muốn tồn tại trên môi trường ngày càng cạnh tranh như hiện nay, để đầu tư mới quả thực là nan giải với họ.”
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng vấn đề chính sách, cơ chế quản lý trên một điểm đến làm sao công bằng và phải khuyến khích được những người thực hiện tốt chuyển đổi xanh cũng là khó khăn cần giải quyết./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ha-noi-tien-toi-xanh-ben-vung-cam-khach-san-dung-san-pham-nhua-mot-lan-254586.htm
Bình luận (0)