Tự chủ tài chính giúp cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong quyết định mức học phí, gia tăng nguồn thu từ các hoạt động khác, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Với cơ chế tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, cơ sở giáo dục đại học nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí và quản lý tài chính minh bạch theo quy định của pháp luật; quản lý, khai thác tài sản hiệu quả hơn, gia tăng nguồn thu hợp pháp phục vụ đào tạo, tái đầu tư cho phát triển.
Mặc dù vậy, trong 3 năm 2020 - 2022, do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết cơ sở không tăng học phí theo chủ trương của Chính phủ. Việc làm nhân văn này giảm gánh nặng tài chính cho người học và gia đình; tuy nhiên cũng tạo ra thách thức trong duy trì, bảo đảm chất lượng đào tạo.
Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục thấp, đồng thời giảm liên tục, nhưng mức học phí không được tăng theo lộ trình phù hợp dẫn tới nguồn thu của các trường rất hạn hẹp, khó cân đối thu chi để duy trì, nâng cao chất lượng.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học giảm 24,6% so với năm 2019. Kinh phí thực chi từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học năm 2022 chỉ đạt tương đương 0,11% GDP và 0,6% tổng ngân sách Nhà nước, thấp hơn nhiều lần so với mức phổ biến của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tính trên tổng chi phí cho giáo dục đại học, phần ngân sách Nhà nước chỉ chiếm chưa tới 20%, thấp hơn nhiều so với mức phổ biến của các quốc gia khác. Điều này tạo áp lực lớn lên các trường trong việc tăng quy mô đào tạo và học phí để cân đối thu chi.
Trong khi nguồn thu hạn hẹp, cơ sở giáo dục đại học vẫn phải thực hiện một số quy định cứng trong trích lập các khoản kinh phí, như: Quỹ học bổng khuyến khích học tập tối thiểu 8%, kinh phí đầu tư khoa học công nghệ tối thiểu 5% tổng nguồn thu học phí… Việc sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, nhất là tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu... gặp nhiều khó khăn bởi các quy định của pháp luật có liên quan.
Thiếu nguồn lực đầu tư kéo theo đó là khó khăn hỗ trợ phát triển giảng viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Thực tế, hiện nay hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, công nghệ của phần nhiều cơ sở giáo dục đại học nước ta còn yếu kém, có khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu bị hạn chế do thiếu cơ chế hỗ trợ, thiếu nguồn lực, cơ sở vật chất, tài chính, đội ngũ chuyên môn để hỗ trợ...
Những hạn chế, rào cản nói trên đã được Bộ GD&ĐT nhận diện rõ và mong muốn được tháo gỡ khi xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Trong đó, để tăng cường nguồn lực đầu tư, cần xây dựng, triển khai chương trình đầu tư công cho giáo dục đại học; bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được giao trong các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, cần từng bước tăng tỷ trọng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học… Quy định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục đại học; bổ sung các chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa giáo dục đại học, cơ chế huy động các nguồn lực từ xã hội cho phát triển lĩnh vực này…
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giai-bai-toan-nguon-luc-tai-chinh-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-post739296.html
Bình luận (0)