"Cơn sốt" này phản ánh một thực tế thú vị: Văn hóa không còn là khái niệm xa xôi, mà đang hiện diện sinh động trên từng khung hình Instagram, từng clip TikTok…, và cả những trào lưu thời thượng.
Không gian nối dài của văn hóa và di sản
Theo TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), nay là Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, điều đáng mừng là giới trẻ ngày càng quan tâm đến di sản một cách tự nhiên và chủ động. Chỉ cần một địa điểm được check-in, nơi đó nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Với giới trẻ, "đẹp là phải đáng để ghi lại và chia sẻ", và di sản đang dần trở thành một phần của xu hướng ấy.
TS Lê Thị Minh Lý cho rằng việc check-in không chỉ để chụp ảnh mà còn kéo theo nhu cầu tìm hiểu. Để viết một dòng giới thiệu hay, các bạn trẻ buộc phải gọi đúng tên địa danh, xác định đó là di tích, làng nghề hay công trình kiến trúc cổ. Quá trình ấy giúp nâng cao nhận thức và cảm thụ văn hóa một cách tự nhiên.
Helly Tống, nổi tiếng với phong cách sống xanh, thường xuyên "flex" sự thanh lịch và gần gũi với văn hóa qua những hình ảnh diện áo dài, áo bà ba tại các địa điểm cổ kính như Hội An, Hà Giang hoặc các làng nghề truyền thống...
ẢNH: FBNV
Chia sẻ di sản trên mạng xã hội, theo TS Lý, là hình thức lan tỏa hiệu quả, góp phần hình thành ý thức cộng đồng về giá trị cần gìn giữ. Tuy nhiên, cần tránh biến điều đó thành phong trào nhất thời.
"Điều quan trọng là xây dựng một trào lưu bền vững, có chiều sâu, giúp giới trẻ nhận ra di sản không chỉ là điểm đến văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo, tiềm năng phát triển tinh thần và kinh tế. Để làm được điều đó, cần sự đồng hành của Nhà nước, chuyên gia, cộng đồng và chính người trẻ - những chủ thể mới của di sản thời đại số", TS Lý nhấn mạnh.
"Flex" đúng - văn hóa sẽ lan tỏa mạnh mẽ
"Flex di sản" có sức sống mạnh mẽ nhờ sự giao thoa giữa truyền thống và công nghệ. Khi một bạn trẻ diện áo dài tại Kinh thành Huế hay váy của đồng bào thiểu số trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), thì đó không chỉ là "check-in" mà là hành động truyền tải văn hóa đến hàng ngàn người theo dõi trên mạng xã hội. Những bộ ảnh chỉn chu, clip ngắn gọn giàu thông tin về di tích, hay các trào lưu phục dựng cổ phục, phục chế nhạc cụ dân tộc đang truyền cảm hứng mạnh mẽ và bền vững cho cộng đồng trẻ. Chúng thổi luồng sinh khí mới vào các không gian văn hóa vốn bị lãng quên.
Trong gần 200 tiết mục của Liên hoan Nghệ thuật thanh thiếu nhi vừa diễn ra ở Đài truyền hình VN (ngày 10.7) có tới gần một nửa là các tác phẩm nghệ thuật, văn hóa truyền thống
ẢNH: BTC
Chị Lê Diệu Hạnh, Giám đốc điều hành Liên hoan Nghệ thuật thanh thiếu nhi 2025, cho biết chương trình thường ghi hình tại các di sản như phố cổ, đình Kim Ngân, hội quán Quảng Đông, với nghệ sĩ nhí mặc trang phục truyền thống. Chị Hạnh nhận định: "Video quay trong không gian di sản thường lan tỏa mạnh vì đẹp, phù hợp văn hóa và gợi cảm xúc".
Đạo diễn trẻ Nguyễn Như Khôi nhận định: "Việc nghệ sĩ chọn không gian di sản để sáng tạo là tín hiệu tích cực, vừa tôn vinh truyền thống vừa làm mới di sản bằng nghệ thuật đương đại". Anh cho rằng khi sản phẩm nghệ thuật gắn với đình, chùa, làng cổ được lan tỏa, di sản không còn nằm yên trong sách vở mà trở thành chất liệu sống, gần gũi và truyền cảm hứng cho giới trẻ.
TS Lê Thị Minh Lý nhận định giới trẻ có nhu cầu thể hiện cá tính và ngày càng chú trọng chọn văn hóa, di sản làm chất liệu sáng tạo. Nếu được định hướng đúng, họ sẽ là lực lượng lan tỏa mạnh mẽ nhất. Quan trọng là giúp các bạn hiểu rằng di sản không chỉ là bối cảnh đẹp, mà là lịch sử, tinh thần và hồn cốt dân tộc. "Flex" văn hóa là tích cực, nhưng cần "flex" với tri thức và trách nhiệm. Nhận định này càng đúng khi ngày càng nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia lấy văn hóa Việt làm cảm hứng sáng tạo bền vững.
Điều quan trọng là xây dựng một trào lưu bền vững, có chiều sâu, giúp giới trẻ nhận ra di sản không chỉ là điểm đến văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo, tiềm năng phát triển tinh thần và kinh tế.
TS Lê Thị Minh Lý (Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia)
Làm sao để "flex" văn hóa đúng cách ?
Mặt khác, sự phát triển của xu hướng "flex di sản" cũng đi kèm hệ lụy. Các vụ việc như diễu hành cổ phục tại Huế gây tranh cãi mới đây đã làm dấy lên câu hỏi về việc giới trẻ có thực sự hiểu văn hóa và di sản hay không, với những sai sót thường do thiếu hiểu biết hoặc hiểu lầm về trào lưu, dù không ác ý. Việc chụp ảnh tại di tích là quyền tự do, nhưng không đồng nghĩa với việc tạo dáng phản cảm hay dùng đạo cụ không phù hợp.
Kênh TikTok quảng bá văn hóa, di sản của Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa VN thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Theo chuyên gia, cần tăng cường giáo dục văn hóa và truyền thông giá trị di sản một cách sáng tạo, thân thiện với giới trẻ, bắt đầu từ nhà trường. Các trung tâm di sản nên kết nối với cộng đồng sáng tạo, nghệ sĩ, KOLs để xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh và tạo sân chơi văn hóa có định hướng. Đồng thời, nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm, bởi làm nghệ thuật với văn hóa truyền thống không chỉ là thẩm mỹ mà còn là cam kết tôn trọng lịch sử và cộng đồng.
Văn hóa là để sống cùng, không nên chỉ trưng bày. "Sống cùng di sản" - thông qua hình ảnh, video, thời trang, văn hóa sẽ thực sự đi vào lòng người, đặc biệt là thế hệ gen Z, Y... Với sự đồng hành của các nghệ sĩ trẻ, nhà nghiên cứu và cộng đồng mạng, VN hoàn toàn có thể biến các di sản không chỉ là niềm tự hào trong hồ sơ UNESCO, mà còn trở thành biểu tượng sống động trong đời sống hiện đại. Như TS Lý chia sẻ: "Hiểu văn hóa, di sản của mình, giới trẻ tự tin bước ra thế giới. Và khi người trẻ biết yêu đúng cách, di sản sẽ không lo bị lãng quên".
Nguồn: https://thanhnien.vn/flex-di-san-khi-van-hoa-truyen-thong-len-song-va-buoc-ra-doi-thuc-185250720211015017.htm
Bình luận (0)