Người dân lựa chọn sản phẩm OCOP Lạng Sơn.
Thực hiện Công điện số 65/CÐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Quyết liệt ngăn chặn gian lận thương mại
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 2.544 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm (bằng 70,51% so với cùng kỳ năm 2024); xử phạt vi phạm hành chính 2.350 vụ (bằng 83,45% so với cùng kỳ năm 2024). Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính hơn 73 tỷ đồng (bằng 324,65% so với cùng kỳ năm 2024).
Đặc biệt, trong đợt cao điểm từ ngày 15/5-15/6, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 591 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm (bằng 135,24% so với tháng 5/2025; bằng 105,91% so với cùng kỳ năm 2024); xử phạt vi phạm hành chính 565 vụ (bằng 138,48% so với tháng 5/2025; bằng 106,4% so với cùng kỳ năm 2024). Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính hơn 6,4 tỷ đồng (bằng 134,43% so với tháng 5/2025; bằng 153,21% so với cùng kỳ năm 2024).
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình thị trường nội địa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản ổn định, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, găm hàng, khan hiếm hàng hóa, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn ghi nhận không phát sinh các vụ việc vi phạm lớn, phức tạp liên quan đến an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa trên địa bàn; môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi; quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp tiếp tục được bảo vệ, góp phần ổn định sản xuất trong nước, bình ổn giá.
Đáng nói, trong số các trường hợp bị phát hiện và xử lý, có nhiều vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng với quy mô và số lượng lớn.
Gần đây, ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã phối hợp cùng phòng PC03 Công an tỉnh phát hiện xe ô-tô tải biển kiểm soát 12A-109.30 do ông Nguyễn Đình Sửu (cư trú tại huyện Cao Lộc cũ) điều khiển. Qua kiểm tra, khám xét, phát hiện trong khoang chứa hàng hóa của phương tiện có 1.500 kg chân gà được đựng trong 100 bao tải dứa, trên bao bì hàng hóa không có nhãn mác, chữ viết hay thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để căn cứ tiến hành thẩm tra, xác minh thông tin và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sản phẩm OCOP tạo niềm tin
Không chỉ đem lại môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm an ninh kinh tế, an toàn xã hội cho người dân, quan trọng hơn, những hành vi gian lận thương mại khi được phát hiện còn tạo nên những tín hiệu thay đổi tích cực trong nhận thức và xu hướng tiêu dùng của người dân.
Bà Hoàng Thị Huyền ở phường Đông Kinh, chia sẻ: Trước đây khi mua sắm, tôi thường ít để ý đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả bị phát hiện khiến tôi rất hoang mang, bức xúc. Tôi ưu tiên chọn mua sản phẩm OCOP của tỉnh, bởi sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận và ghi rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng.
Đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu và phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại đã tạo nên dư địa lớn, góp phần thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa; trong đó, các sản phẩm OCOP có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Điều này đã mở ra cơ hội để các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng cường tiếp thị, tăng doanh thu.
Bà Hoàng Thị Hạnh, chủ một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở phường Lương Văn Tri cho biết: Cửa hàng đang bày bán hơn 100 sản phẩm OCOP của tỉnh. Trước thực trạng thực phẩm giả, kém chất lượng tràn lan, cửa hàng ghi nhận lượng khách hàng đến mua sắm nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng đón tiếp khoảng 80-100 lượt khách, doanh thu cũng tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2024.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 214 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có 142 sản phẩm còn thời hạn công nhận 36 tháng theo quy định. Đây đều là những sản phẩm được công nhận về chất lượng, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lối vào Mẫu Sơn xanh: Tỉnh Lạng Sơn có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nông sản và cây dược liệu. Các doanh nghiệp nên tận dụng đợt cao điểm này, đẩy mạnh quy trình giám sát, kiểm định chất lượng, từ đó khẳng định tính minh bạch cho sản phẩm, thu hút hơn nữa sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Với mong muốn xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh, giữ vững thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra các sản phẩm OCOP. Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường chưa phát hiện vi phạm liên quan đến sản phẩm OCOP. “Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội thực hiện rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm để tạo sức răn đe”, đồng chí Đặng Văn Ngọc, Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP; phát triển sản phẩm OCOP mới song song với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được gắn sao và nâng hạng cho các sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành có liên quan chú trọng nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú ý đến yếu tố bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững bản sắc các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; làm tốt công tác hỗ trợ các chủ thể OCOP về vốn, hạ tầng, chuyển đổi số, mặt bằng để quảng bá và giới thiệu sản phẩm ■
Bài và ảnh: QUỐC ĐẠT
Nguồn: https://nhandan.vn/tao-dieu-kien-cho-san-pham-ocop-but-pha-post894706.html
Bình luận (0)