Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mở "cánh cửa" công nghệ cho doanh nghiệp

Thời gian qua, nhiều chương trình hỗ trợ chuyên sâu, thiết thực đã mở "cánh cửa" công nghệ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã nâng cao năng lực số, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hà Nội MớiHà Nội Mới21/07/2025

Đây không chỉ là động lực cho tăng trưởng, mà còn là mảnh ghép quan trọng trong hành trình nâng tầm thương mại điện tử, phát triển nền kinh tế số.

ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-thuong-mai-so.jpg
Lớp kỹ năng tham gia thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Ảnh: Phương Thảo
Nhiều hoạt động thiết thực
Những ngày đầu tháng 7 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật.

Theo đó, ba đơn vị tổ chức chuỗi tập huấn, cung cấp tài nguyên học tập và kết nối cộng đồng nhà sáng tạo, đồng thời hỗ trợ xây dựng kênh phân phối sản phẩm phù hợp thông qua các nền tảng TikTok shop, livestream bán hàng, tiếp thị liên kết… phù hợp với khả năng tiếp cận và điều kiện thực tế của người khuyết tật.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số Bùi Huy Hoàng cho biết, nền tảng công nghệ, hệ sinh thái thương mại điện tử và các chương trình đào tạo góp phần kết nối người khuyết tật với doanh nghiệp và thị trường. Mục tiêu sau cùng là giúp người khuyết tật có thêm động lực và ý chí để khởi nghiệp.

Đây là một trong số nhiều hoạt động được Bộ Công Thương tổ chức thời gian qua nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và chuyển đổi số tại các địa phương, đồng thời hỗ trợ khởi nghiệp mở “cánh cửa” công nghệ.

Từ đầu năm đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp tổ chức các hội nghị, chương trình đào tạo và các sự kiện liên kết vùng để nâng cao năng lực triển khai thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố.

Tiêu biểu như hội nghị "Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Miền Trung vươn xa cùng thương mại điện tử"; hội nghị Liên kết vùng tại Lai Châu cũng là một sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động "Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử Vùng trung du và miền núi phía Bắc".

Bên cạnh đó là nhiều chương trình tập huấn với các chủ đề "Tăng cường năng lực triển khai và giám sát hoạt động thương mại điện tử"; “Tăng cường kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và chiến lược livestream hiệu quả”; "Ứng dụng thương mại điện tử cho thanh niên khởi nghiệp"... cùng một số khóa đào tạo tại các tỉnh: Thái Nguyên, Hưng Yên, Gia Lai, Quảng Trị, Ninh Bình, Bắc Giang (cũ), Hậu Giang (cũ), Trà Vinh (cũ)…

Các chương trình tập huấn trang bị kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh trực tuyến, nền tảng pháp lý thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất phát triển thương hiệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua nền tảng số.

ho-tro-doanh-nghiep-ung-dung-thuong-mai-so-vao-kinh-doanh.jpg
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tại tỉnh Hưng Yên tham gia tập huấn số hóa hoạt động kinh doanh. Ảnh: Phương Thảo
Ứng dụng số hóa vào sản xuất, kinh doanh
Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh, chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử được xác định là một trong những đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cục sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, kỹ năng công nghệ mới; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thiết kế, vận hành và khai thác các hệ thống, nền tảng số hiện đại, phục vụ tiến trình phát triển.

Thông qua các sáng kiến đào tạo, liên kết vùng và hỗ trợ kỹ thuật số, Bộ Công Thương đặt mục tiêu hình thành một hệ sinh thái thương mại điện tử năng động, lan tỏa đến từng doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất nhỏ tại các địa phương. Đây được xem là nền tảng quan trọng để thương mại điện tử tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế số Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, với mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận và nâng cao kỹ năng trong thương mại điện tử cho mọi đối tượng, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, cung cấp các khóa học trực tuyến cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn.

Các khóa đào tạo chuyên sâu này tập trung vào bốn trụ cột gồm: GoOnline để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiện diện số và phát triển kỹ năng bán hàng trực tuyến; GoExport nhằm giúp kết nối và vận hành hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; GoAI trang bị cho doanh nghiệp năng lực ứng dụng AI trong marketing, tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng.

Đặc biệt, GoAI cũng hướng đến việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Và GoRight với mục tiêu cập nhật hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn hóa hoạt động, xây dựng thương hiệu.

“Các hoạt động này được kỳ vọng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ở địa phương”, ông Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/mo-canh-cua-cong-nghe-cho-doanh-nghiep-709834.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm