Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch Việt Nam tìm cách bứt phá

(NLĐO)- Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và trên 120 triệu lượt khách nội địa.

Người Lao ĐộngNgười Lao Động10/07/2025

Chiều 9-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025.

Du lịch Việt Nam tìm cách bứt phá- Ảnh 1.

Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và trên 120 triệu lượt khách nội địa trong năm 2025

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết báo cáo của Chính phủ tại phiên họp đầu tháng 7 vừa qua, khẳng định du lịch vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của 6 tháng đầu năm nay.

Nhưng điều mà Thủ tướng cũng như lãnh đạo ngành trăn trở, đó là khi vận hành chính quyền hai cấp, đặc biệt là khi cấp Sở không còn Sở Du lịch chuyên biệt nữa (chỉ một số tỉnh, thành phố đặc biệt còn Sở Du lịch), việc chỉ đạo hoạt động có bị đứt gãy?

Năm 2025, ngành du lịch phấn đấu thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 980 - 1.050 ngàn tỉ đồng.

"Phải làm sao để hoàn thành bằng được chỉ tiêu phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và trên 120 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu du lịch phải được đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng, khi mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra là phải đạt 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tới"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng đặt vấn đề phải làm gì để "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam". "Vẽ lại" không có nghĩa là phủ nhận cái đã có, mà phải tiếp cận nó với tư cách là ngành du lịch dựa trên bản sắc văn hóa. Sản phẩm du lịch Việt Nam phải mang đậm bản sắc văn hóa, đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các thị trường, đối tượng khác nhau.

""Vẽ lại bản đồ du lịch" là phải tạo ra được sự liên kết, phát huy được lợi thế, cơ hội phát triển mới và không gian rộng mở sau sáp nhập, thay vì không gian hẹp trước đây"- Bộ trưởng nói. Để làm được điều này, trước hết những người làm du lịch, từ Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các Sở quản lý du lịch phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền cao hơn về các chính sách thúc đẩy phát triển.

Nhấn mạnh đây là Hội nghị đầu tiên triển khai nhiệm vụ của ngành từ sau khi triển khai chính quyền hai cấp, có rất nhiều thay đổi, Bộ trưởng cho rằng, ngành Du lịch cần có những thích nghi với tình hình mới, bộ máy mới để du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà là một ngành kinh tế "truyền cảm hứng".

"Khi và chỉ khi chúng ta làm kinh tế bằng cả nhiệt huyết, bằng yếu tố văn hóa bền vững, truyền được cảm hứng, chạm đến được trái tim và cảm xúc của du khách. Khách du lịch ngày hôm nay không chỉ đến để ngắm nhìn, mà họ phải được trải nghiệm, phải có cảm xúc thì mới hy vọng khách sẽ quay lại lần thứ hai và những lần sau nữa"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra một số định hướng để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, sau khi sáp nhập, phải định vị lại tài nguyên du lịch của các địa phương, quy hoạch lại hệ thống du lịch Việt Nam. Chậm nhất hết quý III phải làm xong việc này, từ đó "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" như chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngành du lịch đã xác định thị trường trọng điểm từ tầm quốc gia tới địa phương với quan điểm "Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng". Trong đó, Bộ trưởng nêu rõ 10 thị trường trọng điểm, chiến lược: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, Nga.

Sản phẩm du lịch trong thời gian tới cũng phải có độ lớn và chiều sâu. Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương để xây dựng sản phẩm xứng tầm. Hoạt động xúc tiến cũng yêu cầu có sự đổi mới, hiệu quả cụ thể, có sự liên kết chặt chẽ.

Người đứng đầu Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh vào việc chú trọng về chất hơn về lượng. "Hiện nay, mỗi du khách quốc tế tới Việt Nam tiêu 1.500 USD, chúng tôi mong muốn tăng lên 2.000 USD/khách"- Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh du lịch là ngành tác động phát triển tới 18 ngành kinh tế khác nên có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế đất nước. Vì thế, du lịch còn là "ngành kinh tế truyền cảm hứng".

Nguồn: https://nld.com.vn/du-lich-viet-nam-tim-cach-but-pha-196250709211226235.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm