Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng Tháp: Du lịch - động lực mới cho phát triển kinh tế và văn hóa

Đồng Tháp - vùng đất ven sông Tiền với vị trí “cửa ngõ” kết nối TP. Hồ Chí Minh với miền Tây, đang từng bước khẳng định vai trò điểm nút trong mạng lưới liên kết kinh tế - văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang09/07/2025

Trong đó, các xã thuộc khu vực phía Đông của tỉnh Đồng Tháp (tỉnh Tiền Giang trước đây) có lợi thế lớn để gắn kết kinh tế - văn hóa thông qua bảo tồn di sản, phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa nhằm tạo nên giá trị bền vững từ chính bản sắc địa phương.

Du lịch của tỉnh Đồng Tháp khá đa dạng và phong phú (trong ảnh: Du khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, xã Tân Phước 2).
Du lịch của tỉnh Đồng Tháp khá đa dạng và phong phú (trong ảnh: Du khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, xã Tân Phước 2).

Tỉnh Đồng Tháp hiện sở hữu hệ sinh thái du lịch phong phú, từ cồn Thới Sơn, chợ nổi Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp, đến hệ thống vườn cây ăn trái, miệt vườn sông nước. Tỉnh đã có những thành quả trong việc tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bảo tồn di sản gồm các loại hình di tích, nghệ thuật, nghề truyền thống, từ đó giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với môi trường sinh thái. Tuy nhiên, nếu không chuyển đổi mạnh mẽ sang công nghiệp văn hóa và số hóa thì khó lòng cạnh tranh dài hạn.

Con số 1,65 triệu lượt khách năm 2024 và hơn 1.250 tỷ đồng doanh thu (chỉ tính ở khu vực tỉnh Tiền Giang trước đây) chỉ là bước đầu. Theo Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP. Hồ Chí Minh nhận định: Tỉnh cần tái định vị mình không chỉ là điểm đến, mà là trung tâm điều phối du lịch đường sông trong mạng lưới liên kết ĐBSCL.

Câu chuyện phát triển văn hóa ở tỉnh Tiền Giang trước đây không thể tách rời khỏi di sản, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, giảng viên Trường Đại học Trà Vinh cho rằng: “Di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là kết tinh của trí tuệ cộng đồng, mà còn là sợi dây kết nối giữa các thế hệ. Việc bảo tồn di sản không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà còn là nền tảng cho kinh tế sáng tạo phát triển. Tỉnh có hơn 1.250 câu ca dao, 1.000 câu đố, 900 câu tục ngữ và hàng trăm bài vè, truyện kể đang được lưu trữ - một kho tàng khổng lồ chưa được chuyển hóa thành sản phẩm văn hóa du lịch đúng tầm.

Ngoài ra, nghệ thuật diễn xướng dân gian như: Đờn ca tài tử, hát bội… là tài nguyên văn hóa đặc trưng của địa phương nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không có sự phối hợp giữa bảo tồn và sáng tạo.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên Trường Đại học Khoa học và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng chiến lược du lịch di sản gắn với công nghiệp văn hóa để tạo ra những sản phẩm độc đáo, ứng dụng công nghệ số và mở rộng không gian văn hóa - kinh tế địa phương.

Một thách thức lớn hiện nay được các chuyên gia nhấn mạnh là các sản phẩm du lịch hiện nay chủ yếu dừng lại ở mức tham quan - thưởng thức, chưa có chiều sâu trải nghiệm, công tác bảo tồn còn thụ động, thiếu kinh phí và nguồn lực, nhân lực chuyên môn thiếu.

Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, cần có các giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng, đưa di sản văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục, tổ chức các lớp học thực hành như: Dạy hóa trang hát bội, dạy đờn ca tài tử, tổ chức lễ hội... Ngoài ra, vai trò “phối hợp nhịp nhàng giữa Nhà nước - cộng đồng -giới nghiên cứu - doanh nghiệp văn hóa để di sản không bị “đóng khung” trong bảo tàng, mà phải được “sống” trong không gian đương đại.

Du lịch của tỉnh Đồng Tháp trong tương lai đang hướng đến mô hình phát triển gắn kết giữa du lịch sinh thái - du lịch di sản - công nghiệp văn hóa. Việc triển khai mô hình thí điểm như: “Du lịch cộng đồng kết hợp đờn ca tài tử tại phường Thới Sơn” đã mở ra nhiều triển vọng, nhưng vẫn cần nhân rộng và hoàn thiện từ thể chế đến công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Chiến lược Du lịch di sản - công nghiệp văn hóa phải gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ từ sản phẩm đến truyền thông, điều phối dữ liệu, quản lý du khách và kiểm soát tài nguyên.

Sự khác biệt đến từ chiều sâu văn hóa, bản sắc và tính trải nghiệm. Việc phát triển kinh tế - văn hóa không còn là hai lĩnh vực song song, mà đã trở thành hai mặt của một chiến lược tích hợp. Tỉnh cần phát huy vai trò điều phối vùng, kết nối di sản với sáng tạo và công nghệ, biến văn hóa thành động lực kinh tế; đồng thời, giữ gìn chiều sâu bản sắc địa phương.

C.THẮNG
 

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202507/dong-thap-du-lich-dong-luc-moi-cho-phat-trien-kinh-te-va-van-hoa-1046619/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm