Nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại các trung tâm PVHCC xã, phường, đặc khu. Hệ thống này cho phép người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ tại mọi trung tâm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh mà không phụ thuộc địa giới hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng bắt đầu từ ngày 1/7/2025, các cơ quan, tổ chức chỉ được sử dụng tài khoản định danh điện tử để truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia và đây là Cổng duy nhất để tổ chức, công dân tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến trong toàn quốc. Hiện Quảng Ninh đã đóng cổng dịch vụ công của tỉnh, đồng thời đồng bộ 100% TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi nộp TTHC.
Hiện nay, tại các điểm tiếp nhận của Trung tâm PVHCC xã, phường, đặc khu có các điểm số hóa cho người dân, các điểm này được trang bị thiết bị đọc thẻ căn cước chuyên dụng gắn với sinh trắc học. Đồng thời, trang bị máy scan để các tổ chức, công dân có thể dễ dàng tự thực hiện số hóa hồ sơ tài liệu vào ví giấy tờ điện tử của chính mình. Trên cơ sở đó, tổ chức, cá nhân dễ dàng nộp hồ sơ, tra cứu và nhận kết quả giải quyết TTHC qua ví điện tử.
Đồng thời Trung tâm PVHCC tỉnh xây dựng quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thống nhất trong toàn tỉnh, để đảm bảo thống nhất, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong từng khâu, từng bước đảm bảo duy trì và nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC đúng và trước hạn.
Đặc biệt, các CBCCVC-NLĐ tại Trung tâm PVHCC xã, phường, đặc khu đa số là cán bộ trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm, có trình độ ứng dụng CNTT, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hiện nay, Trung tâm PVHCC tỉnh một cấp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được tổ chức lại theo hướng cơ bản giữ nguyên mô hình Trung tâm PVHCC một cấp được thí điểm trước đây, bỏ mạng lưới 13 chi nhánh, đồng thời mở rộng hoạt động đến cấp cơ sở thông qua thành lập mới hệ thống 54 Trung tâm PVHCC xã gồm 52 xã, 2 đặc khu. 54 Trung tâm PVHCC tại các xã, phường, đặc khu là tổ chức hành chính trực thuộc, tương đương cấp phòng của Trung tâm PVHCC tỉnh, có con dấu và tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác thu phí, lệ phí.
Với sự đổi mới, chủ động công việc đến thái độ tận tâm, chu đáo của CBCCVC-NLĐ tại các Trung tâm xã, phường, đặc khu; trong 10 ngày đầu tiên thực hiện tiếp nhận giải quyết TTHC theo chính quyền 2 cấp, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trên 10.000 hồ sơ. Thực hiện thu 100% phí, lệ phí giải quyết TTHC qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các hồ sơ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, hộ tịch, chứng thực... Các Trung tâm tiếp nhận và giải quyết TTHC đảm bảo an toàn, không bị tắc nghẽn, ổn định phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh, cho biết: Thời gian tới để đáp ứng trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác giải quyết TTHC, quản lý, điều hành hoạt động Trung tâm PVHCC; chuyển giao một phần nhiệm vụ cho các doanh nghiệp để thay thế CBCCVC hiện đang thực hiện nhiệm vụ, như thí điểm triển khai mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến, giao cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp bưu chính công ích hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, triển khai trợ lý ảo AI để hướng dẫn, nộp hồ sơ cho công dân.
Có thể nói việc đổi mới phù hợp, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC để phục vụ tốt nhất cho công dân trong giai đoạn mới, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo sự ổn định của bộ máy trong giai đoạn toàn tỉnh triển khai sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/diem-moi-trong-giai-quyet-tthc-khi-thuc-hien-chinh-quyen-2-cap-3366503.html
Bình luận (0)