Mô hình nhà lưới giúp tôm phát triển ổn định
Nghề nuôi tôm lâu nay là thế mạnh của các địa phương ven biển Nghệ An. Tuy nhiên, vào mùa hè, nền nhiệt cao cùng với bức xạ mặt trời khiến môi trường nước trong ao nuôi dễ bị thay đổi đột ngột, gây hiện tượng sốc nhiệt ở tôm, làm tăng nguy cơ dịch bệnh và thiệt hại kinh tế. Không ít nông dân đã phải bỏ vụ hoặc đối mặt với thua lỗ nặng nề.
Để khắc phục điều này, nhiều hộ nuôi tôm tại Nghệ An đã mạnh dạn chuyển hướng sang mô hình nuôi tôm trong nhà lưới - một giải pháp có khả năng điều tiết nhiệt độ, hạn chế tác động xấu từ thời tiết, bảo vệ tôm nuôi ngay từ giai đoạn ương giống đến khi xuất bán.

Tiêu biểu là mô hình của ông Nguyễn Cường ở xóm 9, xã An Châu (huyện Diễn Châu cũ). Với tổng diện tích 3 ha mặt nước nuôi tôm, ông đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới bao phủ hơn 1 ha ao đầm để nuôi tôm giai đoạn đầu. Hệ thống này bao gồm khung thép chắc chắn, lưới polyethylene chống tia UV và bạt lót đáy chống thấm, đảm bảo môi trường sống ổn định cho tôm.
Theo ông Cường, việc sử dụng lưới chống nắng giúp giảm nhiệt độ nước ao từ 3 – 4 độ C so với ao ngoài trời, đồng thời hạn chế sự phát triển của tảo và vi sinh vật gây hại. Tôm sinh trưởng nhanh, ít bệnh, rút ngắn thời gian nuôi và tăng số vụ nuôi lên 3 – 4 vụ/năm thay vì 1 – 2 vụ như trước.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống nhà lưới không nhỏ, với hàng trăm triệu đồng/ha, song lợi ích kinh tế mang lại là rất rõ ràng. Mỗi năm, ông Cường xuất bán 4 - 5 lứa tôm, năng suất cao và ổn định hơn hẳn so với nuôi truyền thống.
“Nhiệt độ nước lý tưởng để nuôi tôm là khoảng 30 độ C, nên trong ao còn trang bị hệ thống quạt nước và sục khí để duy trì lượng ô xy trong ao. Kết hợp với nhiệt kế đo nước thường xuyên, người nuôi dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ và chất lượng nước ở mức phù hợp cho sự phát triển của tôm. Khi nhiệt độ trong nước được kiểm soát tốt, tôm tăng trưởng nhanh, giảm stress và hạn chế tối đa dịch bệnh. Tôm thương phẩm đạt kích cỡ đồng đều, màu sắc đẹp và chất lượng cao hơn. Nhà lưới không chỉ giúp chống nắng mùa Hè, mà còn giữ ấm vào mùa Đông, tạo điều kiện nuôi tôm quanh năm. Hiệu quả cao nhưng điều kiện đầu tư còn là rào cản với nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường cũng cho biết, đối với ao ngoài trời, phải luôn cung cấp đủ nước, đảm bảo độ sâu từ 1,2 – 1,4m và tăng cường quạt nước sục khí làm mát để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, cũng như cung cấp dưỡng khí cho tôm nuôi.

Không riêng gia đình ông Cường, trên địa bàn Nghệ An hiện đã có 105 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích hơn 202 ha, trong đó có 51 cơ sở nuôi trong lồng nổi và nhà lưới, đạt năng suất 15 – 20 tấn/ha/vụ.
Theo ông Lê Văn Hướng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh, đầu tư nuôi tôm trong nhà lưới là xu thế tất yếu để người nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quan sát cho thấy, nhà lưới nuôi tôm được thiết kế tương đối đơn giản, gồm khung thép hoặc nhôm bền chắc, lưới che nắng có khả năng lọc từ 30 – 50% ánh sáng mặt trời, giảm thiểu tác động bức xạ. Hệ thống lưới được neo cố định bằng dây cáp để chống gió lớn và mưa bão.

Thay đổi tư duy để phát triển thủy sản bền vững
Mô hình nuôi tôm trong nhà lưới không chỉ là bước đột phá về kỹ thuật mà còn là sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, người nuôi chủ động tạo dựng môi trường nuôi tối ưu, giảm thiểu rủi ro và hướng đến hiệu quả lâu dài.

Đây cũng là hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản bền vững của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới. Chính quyền các cấp đang tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật và mở rộng mô hình nhà lưới ở các địa phương có điều kiện phù hợp.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, những mô hình sáng tạo như nhà lưới nuôi tôm không chỉ giúp người dân “sống chung với thời tiết” mà còn nâng cao giá trị sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nuôi tôm trong nhà lưới đã được nông dân Nghệ An áp dụng từ nhiều năm trước, đã và đang chứng minh hiệu quả rõ nét, được nhiều địa phương vùng ven biển Nghệ An chú ý và từng bước áp dụng. Cùng với cơ chế hỗ trợ đồng bộ từ Nhà nước, mô hình này đang được lan tỏa ngày càng rộng hơn, thay đổi cục diện nuôi tôm ven biển, từ đó tạo nên chuỗi giá trị sản xuất ổn định, an toàn và bền vững./.
Nguồn: https://baonghean.vn/dau-tu-nha-luoi-nguoi-nuoi-tom-nghe-an-thich-ung-voi-thoi-tiet-nang-nong-10302239.html
Bình luận (0)