Cổng thành Nam Mỹ Tho. Ảnh: Tư liệu |
Năm 1679, một nhóm người Minh Hương do Dương Ngạn Địch chỉ huy, được sự cho phép của chúa Nguyễn, đã vào Mỹ Tho lập nghiệp. Ở vùng đất mới, được sự bảo trợ của chính quyền chúa Nguyễn và sự cưu mang, đùm bọc của người Việt, số người Minh Hương này chuyên về hoạt động thương mại.
Trên cơ sở đó, Mỹ Tho đại phố tức chợ phố lớn Mỹ Tho được thành lập ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa . Lúc bấy giờ, Mỹ Tho đại phố là một trong hai trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất ở Nam bộ. Trịnh Hoài Đức trong quyển Gia Định thành thông chí mô tả sự phồn thịnh của Mỹ Tho đại phố như sau: “Mỹ Tho đại phố có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng.... ghe thuyền sông biển ở các ngả đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, phồn hoa huyên náo...” và “phàm thuyền buôn các nơi qua lại phải đậu nghỉ ở sông Mỹ Tho, hóng mát, xem trăng, đợi con nước lên, thuận dòng lên tây hay xuống đông”.
Sự sung thịnh của chợ Mỹ Tho chứng tỏ sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế hàng hóa ở đây đã có những bước phát triển đáng kể. Nông sản không chỉ đủ dùng cho nhu cầu của cư dân Mỹ Tho, mà còn dư ra với số lượng lớn, trở thành hàng hóa được buôn bán trên thị trường cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Như vậy, thế mạnh vượt trội của Mỹ Tho đại phố là thương mại và thương mại ở đây đã vươn ra tầm thế giới. Thế mạnh đó bắt nguồn từ sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo, cau khô và thủy sản.
Trên cơ sở đó, năm 1781, lỵ sở của dinh Trấn Định từ giồng Kiến Định (trước ngày 1-7-2025 là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được dời về thôn Mỹ Chánh - chợ Mỹ Tho (phường 2, TP. Mỹ Tho cũ, nay là phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp). Từ đó, Mỹ Tho trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả một vùng.
Năm 1792, cũng ngay tại lỵ sở của dinh Trấn Định, vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Ánh (Vua Gia Long sau này), Trần Văn Học vẽ họa đồ thành Mỹ Tho. Sách Đại Nam liệt truyện, phần chính biên chép: “Học dâng bản đồ (thành Mỹ Tho), cách thức, Học vẽ giỏi, phàm làm đồn lũy, đo đường sá, vẽ bản đồ, nêu dấu, đều do tay Học làm”.
Người vẽ thiết kế thành Mỹ Tho năm 1792 là Trần Văn Học. Ông chưa rõ năm sinh, người huyện Bình Dương, trấn Phiên An (trước ngày 1-7-2025 thuộc quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Có thể nói, ông Trần Văn Học vừa là võ tướng của nhà Nguyễn, vừa là người có tài vẽ địa đồ, họa đồ kỹ thuật, được xem là người Việt đầu tiên vẽ bản đồ, thiết kế thành lũy có tham khảo phương pháp xây dựng thành lũy tiên tiến của phương Tây. |
Trịnh Hoài Đức mô tả thành Mỹ Tho trong Gia Định thành thông chí như sau: “Thành có dạng hình vuông, chu vi 998 tầm (khoảng 2.000 m), có mở hai cửa ở phía tả và phía hữu, nơi cửa có xây cầu bắc qua hào, hào rộng 8 tầm (khoảng 16 m), sâu 1 tầm (khoảng 2 m), dưới cầu có cửa cống nhỏ để lưu thông với sông lớn (sông Tiền), ngoài hào có đắp lũy đất, có cạnh góc lồi ra lõm vào như hình hoa mai, chân lũy mặt tiền 30 tầm (khoảng 60 m) thì đến sông lớn. Trong thành có những kho gạo, kho thuốc đạn, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ, nghiêm chỉnh”.
Thành Mỹ Tho có 3 mặt giáp sông, rạch, kinh, được xem như những hào lũy tự nhiên: Phía Nam giáp sông Tiền (tường thành nay là đường Đinh Bộ Lĩnh), nơi đây có một địa điểm để tắm ngựa, nay còn địa danh bến Tắm Ngựa; phía Đông giáp kinh Bảo Định (tường thành nay là đường Thái Sanh Hạnh); phía Tây giáp một con rạch tự nhiên (đường Nguyễn Huỳnh Đức ngày nay lúc đó là con rạch nối sông Tiền với kinh Bảo Định tại cầu Vỹ; con rạch này được lấp khoảng năm 1934 - 1935 theo kế hoạch chỉnh trang đô thị của chính quyền thực dân Pháp).
Lúc bấy giờ, cả Nam bộ chỉ có hai thành được xây dựng với quy mô lớn là thành Mỹ Tho và thành Gia Định (xây dựng năm 1790 cũng do Trần Văn Học vẽ thiết kế). Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, do đã có phố chợ buôn bán náo nhiệt (Mỹ Tho đại phố); đã có hệ thống hành chánh hoàn chỉnh (dinh Trấn Định) và đã có ngôi thành kiên cố (thành Mỹ Tho) với đội quân thường trực bảo vệ thì Mỹ Tho đã trở thành một đô thị đích thực.
Là một võ tướng, ông từng theo giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh nhiều việc, trong đó quan trọng nhất là việc giao thiệp với các nước Xiêm La (Thái Lan), Bồ Đào Nha, Pháp... Do được đi đến nhiều nước, trong đó có một số nước châu Âu nên ông có kiến thức về khoa học kỹ thuật của phương Tây.
Đặc biệt, ông còn giỏi ngoại ngữ nên luôn là trợ tá đắc lực của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong công việc thông ngôn, dịch sách và kiêm cả việc chế tạo hỏa xa (một thứ chiến cụ), địa lôi và các loại binh khí.
Năm 1790, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho xây dựng thành Gia Định (còn gọi là thành Bát Quái hay thành Quy). Biết ông là người có kiến thức về kỹ thuật đồ họa phương Tây, ông được giao nhiệm vụ “đo phận đất và các ngã đường”, tức là vẽ đường sá và phân khu phố phường ở bên trong thành. Sau đó, ông còn học cách đóng tàu bọc đồng theo kiểu mới của người Pháp và cùng với Vannier (sử nhà Nguyễn chép là Nguyễn Văn Chấn) chỉ huy các thuyền lớn bọc đồng trong đội thủy quân của chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Năm 1792, ông vẽ họa đồ thành Mỹ Tho. Thành này (kể cả thành Gia Định năm 1790) được thiết kế có tham khảo phong cách thành Vauban của nước Pháp. Được biết, Vauban là tên của kiến trúc sư người pháp dưới thời Louis XIV với tên đầy đủ là Sébastien Le Prestre de Vauban (1633 - 1707). Thành Vauban là cả một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan mật thiết với nhau và mang tính phòng thủ toàn diện từ tường thành, pháo đài, đài giác bảo, pháo môn, tường bắn… cho đến hào thành và đường bao ngoài hào. Khi được tính toán kỹ về mặt sắp đặt và kích thước, khối công trình đồ sộ đó hoàn toàn có thể tạo ra những “đô thị bất khả xâm phạm”.
Năm 1803, ông được phong chức Cai cơ; sau đó được thăng Giám thành sứ Khâm sai Chưởng cơ. Năm 1815, ông vẽ bản đồ thành Gia Định lần thứ hai. Năm 1821, mặc dù đã già yếu, nhưng ông vẫn được Vua Minh Mạng tin tưởng, cấp cho 100 quan tiền đến 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, An Giang thuộc Gia Định thành và biên giới giữa nước ta với Chân Lạp (Campuchia) để vẽ địa đồ núi sông, đường sá. Tuy nhiên, công việc còn trong giai đoạn chuẩn bị thì ông bị bệnh mất.
NGUYỄN PHÚC NGHIỆP
Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202507/chuyen-ve-nguoi-ve-hoa-do-thanh-my-tho-1046801/
Bình luận (0)