Nỗ lực đồng hành, hỗ trợ
Nằm ở địa bàn cách xa trung tâm của TP Hà Nội, ông Nguyễn Danh Cường - công tác tại Phòng Văn hóa - Xã hội thuộc UBND xã Yên Bài chia sẻ, sau khi thực hiện sáp nhập và kiện toàn bộ máy mới cấp xã, phòng gồm 9 nhân sự.
Vốn là Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì trước đây, ông Cường là người duy nhất xuất thân và có chuyên môn về giáo dục. Điều này đặt ra những thách thức đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể mới thành lập.
Theo đó, Phòng Văn hóa - Xã hội sẽ tham mưu cho UBND xã về các kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển giáo dục trên địa bàn; quản lý, giám sát các hoạt động của 12 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã.
Phối hợp với các trường học, phụ huynh và cộng đồng để nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện công tác thống kê, báo cáo về tình hình giáo dục tại địa phương…
“Giai đoạn mới sáp nhập, chúng tôi phải tích cực hướng dẫn các thành viên khác về chuyên môn liên quan đến lĩnh vực giáo dục, nội vụ để mọi người dần quen việc. Các công việc như phổ cập giáo dục, tuyển sinh đầu cấp… chúng tôi làm theo hướng dẫn trước ngày 1/7. Thời gian tới, phòng sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục bám sát chỉ đạo từ UBND xã để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Cường nói.
Gắn bó hơn 30 năm trong ngành Giáo dục, NGƯT Lê Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường (Phù Đổng, Hà Nội) bày tỏ, điều quan trọng hiện nay để các hoạt động thông suốt là việc phân cấp, phân quyền của UBND cấp xã cần rõ ràng để các nhà trường thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, các trường sẽ biết nội dung nào thì liên hệ với bộ phận nào để được chỉ đạo cụ thể.
NGƯT Lê Thị Hà cũng cho rằng, trong công tác giáo dục, cán bộ cấp xã cần có kiến thức tổng hợp về quản lý giáo dục, nắm vững các quy định, chính sách giáo dục mới; đồng thời có khả năng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động giáo dục trên địa bàn phụ trách. Sự thay đổi về cơ cấu tổ chức đòi hỏi người cán bộ phải nhanh chóng thích nghi môi trường làm việc, cách thức phối hợp và quy trình xử lý công việc mới.
Phường Thành Sen (Hà Tĩnh) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 8 phường: Bắc Hà, Thạch Quý, Tân Giang, Thạch Hưng, Nam Hà, Trần Phú, Hà Huy Tập, Văn Yên và một phần diện tích, dân số của phường Đại Nài thuộc TP Hà Tĩnh cũ. Ngay sau khi thành lập, chính quyền phường đã tổ chức họp và phân công cán bộ phụ trách các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Theo bà Trần Thị Thủy Nga - Phó Chủ tịch UBND phường Thành Sen (nguyên Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh), địa bàn phường đang quản lý 39 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS. Phụ trách giáo dục gồm 5 cán bộ là chuyên viên từ phòng giáo dục cũ của thành phố, đây là thuận lợi lớn giúp phường triển khai công việc hiệu quả, không gặp khó khăn đáng kể.
Phần lớn các đơn vị hành chính mới của phường từng thuộc TP Hà Tĩnh cũ - nơi đã triển khai nhiều mô hình giáo dục tiên tiến như: Lớp học thông minh, lớp học chất lượng cao, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, xây dựng hệ sinh thái giáo dục... Trong nhiệm kỳ mới, phường Thành Sen tiếp tục xác định mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng trường học thông minh. Địa phương đang nghiên cứu lộ trình để phát triển mô hình “Phường giáo dục thông minh” trong thời gian tới.
“Dự kiến, cuối tháng 7 chúng tôi sẽ tổ chức họp với hiệu trưởng các trường nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bàn giao từ thành phố về cho phường. Phường đang tiến hành rà soát điều kiện cơ sở vật chất và tổ chức khảo sát thực tế tại các trường, từ đó xây dựng kế hoạch chuẩn bị năm học mới một cách cụ thể, bài bản”, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Sen Trần Thị Thủy Nga thông tin.
Tuy nhiên, theo bà Nga, trong quá trình triển khai còn một số vướng mắc. Cụ thể, hiện nay các văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục còn có sự chưa thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tạo ra một số khoảng trống pháp lý.
Ví dụ, theo quy định cũ, hiệu trưởng công tác liên tục 10 năm tại một trường cần được điều chuyển. Trước đây, do địa phương cân đối, điều chỉnh nhưng theo hướng dẫn mới thì quy trình lại do sở GD&ĐT đảm nhận. Điều này gây khó khăn cho phường xã trong triển khai và chờ các hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Phát huy nguồn lực có sẵn
Sau khi sắp xếp, TPHCM có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu; trong đó có 112 phường, 50 xã, 1 đặc khu hình thành sau sắp xếp và 5 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp. Trong tổ chức phường, xã đều có phòng Văn hóa Xã hội với từng bộ phận phụ trách lĩnh vực riêng.
Ông Dương Văn Dân - Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Hưng (TPHCM) cho biết, phường có phòng Văn hóa - Xã hội gồm các bộ phận chuyên môn như: Văn hóa, Y tế, Giáo dục… tham mưu cho phòng thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có công tác giáo dục. Hiện, bộ phận phụ trách công tác giáo dục của phường có 6 cán bộ, những nhân sự này từ Phòng GD&ĐT Quận 8 (cũ) và những người từng công tác tại các phường trước khi sáp.
Tuy nhiên, các phường có phòng Văn hóa - Xã hội với bộ phận chuyên môn về giáo dục giúp tham mưu cho phòng và UBND phường để thực hiện công tác lãnh đạo. Nếu trước đây có phòng GD&ĐT, phường/xã vẫn phụ trách công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.


Việc thành lập chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giảm đầu mối. Phường muốn hoạt động tốt hơn phải phát huy vai trò của hội đồng chuyên môn, ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xóa mù chữ để quy tụ được nhiều nguồn lực. Hiện nay, nguồn lực con người ở phường/xã có giới hạn nên mọi hoạt động chuyên môn từ sở GD&ĐT, các trường phải chủ động, tích cực để thực hiện nhiệm vụ này.
“Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải nắm được các chủ trương từ cấp trên truyền tải về mình mới cụ thể hóa, tham mưu cho địa phương thực hiện. Có thể lúc đầu các trường chưa quen thuộc với mô hình chính quyền mới, tuy nhiên từng bước sẽ quen dần và hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn”, ông Dương Văn Dân - Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Hưng (TPHCM) cho hay.
Trước yêu cầu mới, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp xác định cần có cách tiếp cận tổng thể, linh hoạt hơn trong công tác điều hành và triển khai nhiệm vụ. Theo ông Nguyễn Như Hào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Thạnh Tây (Phong Thạnh Tây, Cà Mau), việc này thuận lợi vì cấp xã quản lý là phù hợp.
Xã sẽ theo sát tình hình hoạt động các trường, các trường cũng giảm bớt áp lực trong việc phải tham gia nhiều hội thi, hội diễn trong năm học, thay vào đó tập trung cho công tác chuyên môn.
Tuy nhiên, việc giao về xã quản lý, trách nhiệm của trường trong các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học… sẽ lớn hơn, bởi trường ít nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ về mặt chuyên môn từ cấp xã, so với trước đây chịu sự quản lý từ phòng GD&ĐT.
Bà Phạm Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Viên An (An Viên, Cà Mau) bày tỏ: “Trường có 3 điểm lẻ, cơ sở vật chất đang xuống cấp, đội ngũ giáo viên còn thiếu, khó thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Hy vọng sau sáp nhập tỉnh, và thực hiện chính quyền 2 cấp, những ưu điểm từ mô hình này sẽ giúp nhà trường sớm được đầu tư kịp thời để bước vào năm học mới với khí thế mới và đảm bảo chất lượng dạy và học”.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/can-bo-cap-xa-lam-cong-tac-giao-duc-san-sang-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-moi-post740168.html
Bình luận (0)