Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chàng trai đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây bảo tàng dừa sáp

Mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa và lan tỏa giá trị của dừa sáp, anh Trần Duy Linh (38 tuổi, ngụ xã Tam Ngãi, Vĩnh Long - trước đây là xã Thạnh Phú, H.Cầu Kè, Trà Vinh) xây dựng bảo tàng với kinh phí hơn 20 tỉ đồng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên22/07/2025

Tri ân người mang dừa sáp về Việt Nam

Tọa lạc tại xã Tam Ngãi, Vĩnh Long, bảo tàng dừa sáp khánh thành ngày 13.12.2024 sau gần 2 năm xây dựng, với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 1.500 m2, gồm 1 trệt và 2 lầu.

Nơi đây tái hiện sinh động câu chuyện về cây dừa sáp, từ sự xuất hiện đầu tiên đến hành trình gắn bó với đời sống của người dân bản địa. Không gian trưng bày tôn vinh sự giao thoa văn hóa độc đáo giữa 3 cộng đồng Kinh, Khmer và Hoa, những cư dân đã chung tay tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho vùng đất này.

Chàng trai đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây bảo tàng dừa sáp - Ảnh 1.

Bảo tàng dừa sáp do anh Trần Duy Linh đầu tư xây dựng là bảo tàng tư nhân đầu tiên của Vĩnh Long. ẢNH: DUY TÂN

Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong bảo tàng là khu vực tưởng niệm Hòa thượng Thạch Sô, người có công mang giống dừa sáp về VN vào năm 1924. Bức tượng sáp sống động cùng gốc cây dừa sáp nguyên thủy 100 năm tuổi được bảo tồn ngay trong khuôn viên bảo tàng là những hiện vật quý giá, gợi nhắc về cội nguồn và hành trình lan tỏa của cây dừa sáp.

Nhiều bức tranh được vẽ tay bởi nghệ nhân nhân dân Lý Lếch cũng góp phần làm phong phú không gian trưng bày, khắc họa chuyến du hành lịch sử của cây dừa sáp, gắn với những lát cắt đời sống mộc mạc nhưng giàu bản sắc của người dân Vĩnh Long.

Chàng trai đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây bảo tàng dừa sáp - Ảnh 2.

Hai trái dừa sáp dát vàng được trưng bày tại bảo tàng. ẢNH: DUY TÂN

Hành trình đi tìm di sản

Ít ai biết rằng để bảo tàng hình thành, đã có một hành trình dài âm thầm nhưng đầy nghị lực của anh Linh, người sáng lập Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè. Anh đã dành nhiều năm rong ruổi, tiếp cận người dân, các vị sư, cao niên trong vùng và chuyên gia thực vật để lần theo dấu vết lịch sử của dừa sáp.

Anh tìm đến chùa Botumsakor (chùa Chợ, ở H.Cầu Kè, Trà Vinh cũ), nơi lưu giữ gốc dừa sáp đầu tiên do Hòa thượng Thạch Sô trồng. Qua lời kể của các vị sư trụ trì, câu chuyện về 2 trái dừa sáp giống đầu tiên mang từ Campuchia về VN đã dần hé lộ. Gốc cây dừa sáp đầu tiên 100 năm tuổi vẫn còn được lưu giữ trong khuôn viên chùa và còn rất nhiều cây dừa sáp được lấy giống từ cây dừa sáp đầu tiên đang sinh trưởng tốt và cho trái quanh năm.

Theo anh Linh, đây là những cây dừa sáp nguyên bản (không có sự can thiệp của khoa học - PV) cho chất lượng sáp tốt nhất được người dân trong vùng đem về trồng và đến ngày nay trở thành sinh kế chính của đa phần bà con địa phương.

Không dừng lại ở đó, anh Linh tiếp tục sưu tầm hiện vật, hình ảnh, dụng cụ canh tác và câu chuyện dân gian liên quan đến dừa sáp để phục dựng lại một phần ký ức cộng đồng. Đây không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn là hành động mang tính di sản, bảo tồn những điều có nguy cơ mai một.

"Tôi đã cất công đi khắp Vĩnh Long, từ các làng quê, đến những khu vực trồng dừa, nhằm tìm ra những vật phẩm gắn liền với cây dừa sáp và truyền thống của vùng đất này. Tôi mong muốn khôi phục lại những mảng lịch sử bị lãng quên", anh Linh cho biết.

Con đường hiện thực hóa bảo tàng không hề bằng phẳng. Thiếu hụt tài liệu khoa học, hiện vật thất lạc, khó khăn tài chính và sự thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng, du lịch là những rào cản mà anh Linh và cộng sự phải đối mặt.

Tuy nhiên, bằng đam mê và tinh thần bền bỉ, anh đã từng bước vượt qua. Nhiều hộ dân đã hiến tặng cổ vật, nông cụ trồng dừa cho bảo tàng. Bên cạnh đó, các vị chức sắc Phật giáo, cao niên nhiệt tình hỗ trợ tư liệu và chính quyền địa phương luôn đồng hành, giúp anh hoàn thành ước mơ bảo tồn giá trị văn hóa và lan tỏa giá trị của dừa sáp đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Chàng trai đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây bảo tàng dừa sáp - Ảnh 3.

Những hình ảnh tái hiện câu chuyện về cây dừa sáp, từ sự xuất hiện đầu tiên đến hành trình gắn bó với đời sống của người dân bản địa. ẢNH: DUY TÂN

Chàng trai đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây bảo tàng dừa sáp - Ảnh 4.

Khách tham quan bảo tàng dừa sáp. ẢNH: DUY TÂN

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn

Bảo tàng dừa sáp không chỉ là một công trình văn hóa, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. Theo anh Linh, mục tiêu không đơn thuần là lợi nhuận, mà là tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng, bảo tồn giống dừa sáp quý hiếm, nâng cao nhận thức văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Trong tương lai, anh Linh sẽ đẩy mạnh các sản phẩm du lịch trải nghiệm, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp; đồng thời kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để đưa hình ảnh dừa sáp quê hương vươn xa.

Bên cạnh đó, anh Linh còn là chủ biên quyển sách Dừa sáp macapuno - 100 năm hạnh nguyện, tôn vinh công lao người có công đưa cây dừa sáp đầu tiên về trồng tại vùng này. Lịch sử 100 năm của cây dừa sáp được gói gọn trong 220 trang, gồm 4 chương khắc họa dòng chảy lịch sử, khát vọng thay đổi sinh kế của người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. 

Nguồn:https://thanhnien.vn/chang-trai-dau-tu-hon-20-ti-dong-xay-bao-tang-dua-sap-185250721182249413.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm