Sáng 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong danh sách thủ khoa, cái tên Trần Xuân Đam, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Ninh Bình, khiến nhiều người xúc động. Em là một trong hai thí sinh cả nước đạt 39/40 điểm ở bốn môn thi xét đại học: Toán 10, Vật lý 10, Hóa học 9,75 và Ngữ văn 9,25 điểm.

Thành tích ấn tượng này càng trở nên đặc biệt hơn khi biết hoàn cảnh gia đình Đam: cha mẹ đều làm phụ hồ, quanh năm bươn chải trên từng mét ruộng, vết tường để nuôi bốn người con ăn học.
Câu chuyện của em không chỉ là chiến thắng điểm số. Đó còn là chiến thắng của ý chí, của nghị lực, và cả sự biết ơn.
Mẹ mù chữ, cha từng phải từ bỏ giảng đường
Bà Bùi Thị Lừu (SN 1983), mẹ của Đam chia sẻ, bà sinh được bốn người con, Đam là thứ hai. Chồng bà làm phụ hồ, gia đình cấy hơn một mẫu ruộng để nuôi các con ăn học. Mùa nào việc nấy, họ tranh thủ làm thuê cấy lúa, phun thuốc, phụ hồ… bất kể nắng mưa.

Bản thân bà không biết chữ, do ngày nhỏ gia đình nghèo không được đi học. Đến giờ, đi viện bà vẫn không thể ký tên, chỉ biết điểm chỉ lăn tay. Cũng vì không biết chữ, cho nên, mọi việc học tập của Đam đều do Đam chủ động và cố gắng. Nhà nghèo, không có tiền cho con đi học thêm, ngoài việc học trên lớp, còn lại, đều do Đam tự học.
“Khi con đạt được kết quả như thế này, với chúng tôi, đó là niềm vui quá lớn”, bà Lừu xúc động.
Ông Trần Xuân Thiệm (SN 1982), bố của Đam cũng từng thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, nhưng vì gia cảnh quá khó khăn, ông đành bỏ học giữa chừng đi làm thuê, rồi theo nghề thợ xây suốt mấy chục năm qua.
“Sáng hôm đó, tôi đang làm ở công trình thì Đam gọi báo điểm. Tay chân tôi run cả lên. Nghe con được 39 điểm mà tôi mừng phát khóc. Bao vất vả đổ mồ hôi, cực nhọc dường như tan biến hết”, ông Thiệm kể lại.
Sau một lần ngã giàn giáo từ tầng 2, ông đang mang đinh cố định ở chân. Còn chân của bà Lừu cũng từng phải mổ. Dù sức khỏe yếu, hai vợ chồng vẫn không nghỉ ngày nào để gồng gánh bốn miệng ăn.
Kỷ luật thép, lối học thông minh
Không học thêm, không áp lực, Đam chọn con đường tự học với một kỷ luật nghiêm khắc. Mỗi ngày, em dậy từ 4h30 sáng, học bài trước khi ăn sáng và đến lớp. Buổi chiều sau giờ học, Đam phụ việc nhà rồi lại ngồi vào bàn đến 11h đêm.

“Khi mệt quá, em cho phép mình ngủ sớm, hôm sau bù lại. Nhưng mỗi ngày đều đặt mục tiêu rõ ràng: mỗi môn mấy đề, kiến thức nào cần ôn sâu. Em không quá dồn ép mình, nhưng cũng không cho phép bản thân buông lỏng khỏi kỷ luật đã đặt ra”, Đam chia sẻ về phương pháp học.
Đam không học thêm ở trung tâm nào, kiến thức của Đam chủ yếu đến từ sự lắng nghe trên lớp và hỏi ngay thầy cô khi có điều chưa hiểu. Không học theo kiểu vắt kiệt sức, Đam chú trọng học chắc, hiểu sâu. Mỗi đề thi sau khi làm đều được em rà soát kỹ lỗi sai, ghi chép vào sổ tay để tránh mắc lại. Với các môn tự nhiên, em làm đề liên tục để rèn tốc độ và phản xạ.
Còn Văn, môn tự luận được em coi là “nghệ thuật viết”, học bằng cách đọc kỹ đề, luyện cách biểu đạt tự nhiên. Vì yêu thích môn Văn, nên mỗi giờ học Văn em cảm thấy thư giãn, giúp cải thiện tư duy viết và trình bày. Tuy nhiên, khi nhận được điểm Văn 9,25, em bất ngờ, vì cứ nghĩ chỉ đạt điểm 8.
Cô Trần Thị Hồng Dơn, giáo viên môn Hóa và cũng là cô chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ, Đam là học sinh kỷ luật cao. Em ấy luôn biết mình cần gì, đặt ra mục tiêu rõ ràng, và kiên trì thực hiện.
Theo cô Dơn, điều khiến Đam nổi bật không chỉ là điểm số mà là tinh thần chủ động: giúp bạn, tham gia các hoạt động lớp, sẵn sàng hỗ trợ thầy cô khi cần. “Khi biết em là thủ khoa, tôi không quá bất ngờ. Vì đó là mục tiêu em âm thầm theo đuổi từ rất lâu rồi”, cô Dơn cho hay.
Thầy Trần Nam Chung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Lộc cho biết, năm học 2024–2025 Trường đã có nhiều học sinh đạt thành tích tốt. Trong đó, Đam là một trong những gương mặt tiêu biểu: giành giải Nhì học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh, điểm thi đứng đầu nhiều môn, có tới 4/5 môn trong lớp của em xếp nhất toàn trường.”
“Thành công không phải là đích đến, mà là hành trình”
Với kết quả xuất sắc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trần Xuân Đam dự định theo học ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngôi trường mà em ấp ủ từ nhiều năm trước. Đây không chỉ là lựa chọn về nghề nghiệp, mà còn là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa đam mê mà em đã nuôi dưỡng từ thuở nhỏ.

“Với em, thành công không phải là đích đến, mà là hành trình”, Đam chia sẻ và cho biết sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu. Em đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định lên Hà Nội học. Biết gánh nặng kinh tế sẽ đè lên vai bố mẹ, nên em phải tìm hướng đi vừa giúp bố mẹ đỡ vất vả, vừa không từ bỏ ước mơ của mình.
Ngay từ khi xác định nguyện vọng, Đam đã chủ động tìm hiểu kỹ các chương trình học bổng và chính sách hỗ trợ sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Em dự định, học kỳ đầu tiên, em sẽ nhờ bố mẹ lo học phí. Từ kỳ sau, em đặt mục tiêu đạt học bổng để giảm áp lực tài chính cho gia đình. Đồng thời, em cũng dự định đi làm gia sư vừa trang trải sinh hoạt phí, vừa trau dồi kỹ năng giảng dạy.
Thành tích đạt được qua các năm học của Thủ khoa Trần Xuân Đam:
Năm học 2022- 2023:
Giải Ba - Quốc phòng an ninh cấp Quốc gia.
Giải Xuất sắc cuộc khi STEM cấp tỉnh.
Giải Nhất môn Tin học bằng tiếng Amh cấp tỉnh.
Giải Ba ý tưởng khởi nghiệp dành cho học sinh THPT.
Giải KK cuộc thi IOE cấp tỉnh.
Đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Kết quả năm học: Danh hiệu học sinh xuất sắc.
Năm học 2023- 2024:
Giải Xuất sắc cuộc khi STEM cấp tỉnh.
Đạt danh hiệu học sinh 3 Tốt cấp Quốc gia.
Giải Nhì Cuộc thi Tin bằng tiếng Anh cấp Tỉnh.
Giải Ba HSG môn Tin Cấp Tỉnh.
Giải Ba IOE cấp tỉnh.
Giải KK sáng tạo thanh thiêu niên nhi đồng cấp tỉnh.
Giải KK cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh.
Kết quả năm học: Danh hiệu học sinh xuất sắc.
Năm học 2024- 2025:
Giải Nhì HSG tỉnh môn Hóa học.
Kỳ thi TSA: 77,03/100.
Giải KK cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.
Kết quả năm học: Danh hiệu học sinh xuất sắc.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/cach-hoc-cua-thu-khoa-co-cha-lam-phu-ho-me-khong-biet-chu-post1556457.html
Bình luận (0)