Chiều 21-7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ Công thương.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài, cho biết, giai đoạn 2022 - 2024, tổng ngân sách sự nghiệp môi trường được giao cho Bộ chỉ đạt 36,85 tỷ đồng, tương đương hơn 12 tỷ đồng/năm. Với mức kinh phí này, bộ không thể triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao; nhiều nhiệm vụ bị kéo dài, thậm chí bị loại bỏ, gây lãng phí và giảm hiệu quả thực thi.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp do bộ quản lý như hóa chất, thép, nhiệt điện, khai khoáng… phát sinh lượng chất thải lớn và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Mặc dù bộ đã có nhiều nỗ lực kiểm soát rủi ro, đánh giá tác động môi trường tại các trung tâm điện lực và ngành công nghiệp trọng điểm, song Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP lại không quy định trách nhiệm kiểm tra việc bảo vệ môi trường của bộ đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Theo ông Trương Thanh Hoài, đây là một trong những hạn chế của hệ thống pháp luật đối với công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, làm giảm hiệu lực, hiệu quả và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này.
Các vấn đề đáng lo ngại khác là tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện còn rất thấp. Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động hiện mới đạt 31,5% (228/724 cụm).
Các vấn đề đáng lo ngại khác là tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện còn rất thấp. Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động hiện mới đạt 31,5% (228/724 cụm). Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính - một nhiệm vụ quan trọng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, dữ liệu quy mô lớn và kinh phí lớn. Tuy nhiên, hiện nay, cả nguồn kinh phí lẫn chất lượng nguồn nhân lực đều chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Lãnh đạo Bộ Công thương đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, sửa đổi toàn diện Nghị định 08/2022/NĐ-CP, bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng, gắn với nguồn lực và cơ chế phối hợp hiệu quả.
Nhấn mạnh ngành công thương đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế với phạm vi quản lý bao trùm các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp nặng, chế biến, lưu thông hàng hóa đến xuất nhập khẩu…, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã chỉ rõ một số điểm bất cập trong công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công thương một mặt tăng cường năng lực thực thi pháp luật, đảm bảo tuân thủ và tổ chức thực hiện đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mặt khác, chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật, nghị định để tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nghẽn” chính sách hiện nay.
Đặc biệt, bộ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong chuyển dịch năng lượng và kiểm soát ô nhiễm trong sản xuất điện. Việc triển khai Quy hoạch điện VIII phải gắn với phát triển điện tái tạo, điện sinh khối, điện rác, và giảm dần thực chất các nhà máy nhiệt điện than.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Thường trực đoàn giám sát đề nghị Bộ Công thương và các thành viên đoàn tiếp tục phối hợp hoàn thiện thông tin, số liệu, đánh giá về công tác bảo vệ môi trường; gửi báo cáo bổ sung đến đoàn giám sát trước ngày 2-8 tới đây, trong đó lưu ý thể hiện rõ ràng, cụ thể các kiến nghị về cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường cần rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bo-cong-thuong-thieu-kinh-phi-kho-hoan-thanh-trach-nhiem-bao-ve-moi-truong-post804764.html
Bình luận (0)