Giai đoạn 2020 - 2025, bằng nỗ lực vượt bậc của toàn ngành BHXH, đặc biệt là tại các địa phương gắn với các phong trào thi đua sôi nổi, sáng tạo, đã nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT, BHXH, đang tiến gần hơn đến mục tiêu bảo hiểm toàn dân.
SỨC LAN TỎA TỪ CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA
Giai đoạn 2020 - 2025 là thời gian đầy thử thách nhưng ghi dấu những kết quả ấn tượng của ngành BHXH tỉnh Tiền Giang và BHXH tỉnh Đồng Tháp trước đây (nay là BHXH khu vực XXXIII), trong đó phong trào thi đua đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT, BHXH.
Giám đốc BHXH khu vực XXXIII Huỳnh Nguyễn Phương Oanh trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025. |
Với tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, bứt phá, phát triển, ngay từ đầu giai đoạn, BHXH khu vực XXXIII đã phát động nhiều phong trào thi đua rộng khắp, gắn liền với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của ngành.
Cụ thể, các phong trào thi đua hưởng ứng các cuộc phát động của Chính phủ, tiêu biểu có các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”...
"Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tập thể BHXH khu vực XXXIII sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ của từng đơn vị, cá nhân, thi đua phải là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến, cách làm hay; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; đoàn kết, đồng lòng xây dựng ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH khu vực XXXIII nói riêng hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”. |
Ngành BHXH cũng phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề hằng năm, bám sát nhiệm vụ được giao như: Thi đua trong thực hiện phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thi đua cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số; thi đua thực hiện đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID... đã được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, được toàn thể viên chức, người lao động hưởng ứng, tự giác tham gia, tạo được không khí thi đua sôi nổi, gắn với kết quả phấn đấu của từng đơn vị, từng cá nhân.
Bên cạnh đó, qua các phong trào thi đua, có hàng trăm sáng kiến cấp cơ sở đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn hoạt động của ngành BHXH khu vực, góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến với đông đảo người lao động, nhân dân.
Phó Giám đốc BHXH khu vực XXXIII Võ Oanh Liệt cho biết, nhờ các phong trào thi đua và sự quyết tâm của cả hệ thống, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Theo đó, số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh qua các năm, hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch cấp trên giao, cụ thể: Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 31-5-2025 có 1.504.571 người tham gia BHYT, cao hơn 49.915 người so với năm 2020; có 108.183 người tham gia BHXH bắt buộc, cao hơn 10.269 người so với năm 2020; có 29.134 người tham gia BHXH tự nguyện, cao hơn 12.530 người so với năm 2020.
Tại tỉnh Tiền Giang: Tính đến ngày 31-5-2025 có 1.592.839 người tham gia BHYT, cao hơn 82.110 người so với năm 2020; có 211.959 người tham gia BHXH bắt buộc, cao hơn 21.278 người so với năm 2020 và 26.375 người tham gia BHXH tự nguyện, cao hơn 7.559 người so với năm 2020...
Nhiều địa phương đã tiệm cận và vượt mục tiêu 95% dân số tham gia BHYT, cho thấy BHYT thực sự đã trở thành lưới an sinh quan trọng, bảo vệ sức khỏe người dân từ thành thị đến nông thôn.
Năm 2020, BHXH tỉnh Đồng Tháp, BHXH tỉnh Tiền Giang được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm và được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tặng Bằng khen. Năm 2022, cả BHXH tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đều đạt Tập thể Lao động xuất sắc; tỉnh Đồng Tháp còn nhận thêm Cờ thi đua của BHXH Việt Nam…
Những con số và danh hiệu thi đua là minh chứng sống động cho nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức BHXH cùng sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp các phong trào thi đua thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thực chất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực.
NHIỀU GIẢI PHÁP NÂNG CAO TỶ LỆ NGƯỜI THAM GIA BHXH, BHYT
Thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy nhà nước tin gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, theo đó, BHXH khu vực XXXIII được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa BHXH 2 đơn vị: Tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2025. Tổng số viên chức và người lao động tính đến ngày 1-6-2025 là 408 người.
Phó Giám đốc BHXH khu vực XXXIII Võ Khánh Bình trao thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025. |
Theo BHXH khu vực XXXIII, đến nay, bộ máy mới đã cơ bản vận hành thông suốt, nhưng hành trình hướng tới mục tiêu bảo hiểm toàn dân vẫn còn nhiều thách thức. Giai đoạn 2025 - 2030 được xác định là giai đoạn bản lề, đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để đưa tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT đạt được các mục tiêu cao hơn nữa, tiến tới sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội.
Trong 5 năm tới, toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các mục tiêu cụ thể của từng địa phương. Tầm nhìn chiến lược là xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, đảm bảo mọi người dân đều được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, có cuộc sống ổn định khi về già hoặc gặp rủi ro.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngành BHXH đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) để lan tỏa thông điệp một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiếp cận được nhiều đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ và lao động tự do.
Xây dựng các nội dung và phương pháp tuyên truyền chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng như: Doanh nghiệp, người lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân, học sinh, sinh viên, người cao tuổi... Tổ chức tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ BHXH, cộng tác viên, tuyên truyền viên, giúp họ nắm vững chính sách, kỹ năng truyền thông, giải đáp thắc mắc của người dân một cách chuyên nghiệp và thuyết phục. Nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc.
Đồng thời, đa dạng hóa gói BHXH tự nguyện, nghiên cứu và triển khai các gói BHXH tự nguyện linh hoạt hơn về mức đóng, phương thức đóng, thời gian đóng để phù hợp với khả năng tài chính và điều kiện lao động của từng nhóm đối tượng.
Tăng cường liên kết, phối hợp, tiếp tục phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc chỉ đạo, vận động, hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT. Đẩy mạnh ký kết các quy chế phối hợp liên ngành để tạo sức mạnh tổng hợp.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện; tiếp tục đầu tư và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm quản lý, các dịch vụ công trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT một cách nhanh chóng, thuận tiện. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng nợ đọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, ngành BHXH đang vững bước trên con đường hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm toàn dân. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là sứ mệnh nhân văn, góp phần xây dựng một xã hội an lành, nơi mọi người dân đều được đảm bảo cuộc sống và quyền được chăm sóc sức khỏe.
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng với những bài học kinh nghiệm đã tích lũy và tinh thần đổi mới sáng tạo, tin rằng, mục tiêu bảo hiểm toàn dân sẽ trở thành hiện thực, mang lại an sinh bền vững cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
THU HOÀI
Nguồn: https://baoapbac.vn/xa-hoi/202507/bao-hiem-xa-hoi-khu-vuc-xxxiii-thi-dua-det-luoi-an-sinh-1046613/
Bình luận (0)