VÌ SAO CÁC ĐỘI MUỐN TĂNG SUẤT NGOẠI BINH ?
Theo quy định hiện tại, các đội V-League được quyền đăng ký 4 ngoại binh, trong đó chỉ được sử dụng cùng lúc 3 ngoại binh trên sân (1 ngoại binh ngồi dự bị). Tuy nhiên, có ít nhất 7 đội bóng V-League muốn thay đổi điều lệ này. CLB Hà Nội, CLB Công an Hà Nội (CAHN), Nam Định, Thể Công Viettel, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đà Nẵng là những đội đã gửi văn bản lên Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), đề xuất cho phép các đội dùng 4 ngoại binh cùng lúc trên sân ở V-League 2025 - 2026. VPF sẽ tổng hợp các đề xuất trình lên VFF xin ý kiến, trước khi quyết định trước ngày bốc thăm mùa giải mới (14.7).
Ngoại binh Alan Grafite làm lu mờ các nội binh tấn công ở CLB CAHN
Ảnh: MINH TÚ
Tại sao một số đội V-League muốn tăng số ngoại binh? Trước tiên, hãy nhìn 7 đội bóng gửi đề xuất. 4 trong số này (Hà Nội, Thể Công Viettel, CLB CAHN và Nam Định) thường xuyên chi đậm cho các ngoại binh. CLB CAHN và Nam Định mùa trước đã chiêu mộ tới 6 - 8 ngoại binh để phục vụ sân chơi ASEAN Club Championship và AFC Champions League 2. Mùa 2023, CLB Hà Nội thuê 6 "Tây" với mục tiêu gây bất ngờ tại AFC Champions League Elite. Thể Công Viettel đã 4 năm không dự sân chơi quốc tế, nhưng cũng là đội giàu tham vọng và muốn chi đậm cho ngoại binh để đội quân của HLV Velizar Popov đua vô địch mùa tới.
Do số ngoại binh được sử dụng ở cùng thời điểm trên sân (3 cầu thủ) luôn ít hơn số ngoại binh các đội đăng ký, đặc biệt với các đội đá giải quốc tế, nên các đội bóng chịu chi thường rơi vào tình trạng thừa ngoại binh, phải trả tiền cho những "ông Tây" chỉ thuộc diện thay ra thay vào. Đơn cử, mùa 2023, CLB Hà Nội trả hàng chục tỉ đồng tiền lương, thưởng và phí hợp đồng cho 6 ngoại binh (trong đó 1 ngôi sao có giá 600.000 USD) để phục vụ AFC Champions League Elite, nhưng chỉ được dùng 3 trong số này ở V-League, dẫn đến 3 ngoại binh còn lại hiếm khi được ra sân.
Hậu quả là các ngoại binh này xuống phong độ và nhanh chóng bị thanh lý khi hết giải châu Á, gây lãng phí tiền bạc. Đồng thời, khác biệt về số lượng ngoại binh giữa V-League và các giải quốc tế khiến HLV phải xoay chiến thuật liên tục, khiến phong độ không đảm bảo. Mùa trước, CLB Nam Định bị loại ở vòng 16 đội AFC Champions League 2 dù tung ra 8 ngoại binh, bởi chỉ 3 - 4 người trong số này được ra sân ở V-League, số còn lại ở trạng thái "tập chay" mỗi tuần dẫn đến thi đấu rời rạc, kém hiệu quả.
Nâng suất ngoại binh để tối đa hiệu quả chi tiêu, tránh lãng phí cho 1 suất ngoại binh dự bị là quan điểm chung của 7 đội bóng gửi đề xuất.
MẶT TRÁI
Tuy nhiên, tăng số suất ngoại binh là đề xuất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Giai đoạn 2000 - 2010, V-League cho phép các đội đăng ký và sử dụng từ 5 - 7 ngoại binh. Về sau, số lượng ngoại binh giảm dần xuống còn 4 (2011 - 2012), rồi còn 3 ở giai đoạn từ năm 2013 đến nay. Lý do giảm ngoại binh là để tăng cơ hội cho nội binh (đặc biệt là cầu thủ trẻ) có cơ hội thi đấu. Thành quả của sự chuyển dịch này là sự xuất hiện của lứa cầu thủ tài năng đồng thời ở nhiều CLB như HAGL, Thể Công Viettel, Hà Nội, Bình Dương… Các cầu thủ được đặt niềm tin, tỏa sáng và mang về giai đoạn thành công rực rỡ 2018 - 2022 cho bóng đá VN.
Do các cầu thủ VN không xuất ngoại, mà chỉ thi đấu ở V-League và hạng nhất, nên mọi quy định liên quan đến ngoại binh đều cần tính toán kỹ. Thêm một ngoại binh đồng nghĩa cắt 1 suất của nội binh. Chất lượng giải đấu có tăng không vẫn còn là dấu hỏi lớn, nhưng chắc chắn, nhiều đội VN lúc này chỉ tập trung dồn bóng cho "Tây" làm hết, từ dẫn dắt lối chơi, kiến tạo đến ghi bàn. Rất ít cầu thủ nội đóng vai trò nòng cốt ở CLB. BLV Vũ Quang Huy chia sẻ: "Một số đội V-League muốn theo đuổi phong cách thực dụng, lối đá dựa vào tiền đạo ngoại đã mang lại hiệu quả trong nhiều năm".
Mà hiện tại, nền chất lượng cầu thủ VN đã tụt dốc do chỉ có một bộ khung được xây từ thời HLV Park Hang-seo để trông đợi. Đội tuyển VN đã vô địch AFF Cup 2024 nhờ cảm hứng từ một ngoại binh nhập tịch (Nguyễn Xuân Son). Còn khi không có Xuân Son và phải gặp những đối thủ đã chuyển mình sau khi nhập tịch hàng loạt, đội tuyển VN thua 0-3 trước Indonesia và 0-4 trước Malaysia.
HLV Kim Sang-sik từng đề cập cầu thủ trẻ VN có rất ít cơ hội thể hiện tại V-League. Trong danh sách 28 gương mặt U.23 VN, chỉ có 5 cầu thủ được ra sân thường xuyên và có dấu ấn, như Văn Khang, Văn Trường, Thái Sơn, Lê Viktor và Trung Kiên. Phần đông cầu thủ trẻ chịu cảnh dự bị ở V-League, hoặc đá ở sân chơi hạng nhất vốn chất lượng chưa cao. Do đó, song song với đầu tư cho cầu thủ ngoại, các đội bóng cần được khuyến khích phát triển nội binh, tập trung đào tạo trẻ nhiều hơn, thay vì phụ thuộc vào ngoại binh như món "mì ăn liền" để có thành tích như lối mòn suốt 20 năm qua.
Nguồn: https://thanhnien.vn/anh-huong-co-hoi-ra-san-cua-cau-thu-tre-185250710224159232.htm
Bình luận (0)