Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

100% người dân được khám sức khỏe định kỳ vào năm 2026: Mục tiêu và thực tế còn cách xa

Mặc dù Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2026, 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ này ở nhiều địa phương hiện còn rất thấp, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi và nhóm lao động tự do - chỉ khoảng 25%. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại liệu mục tiêu này có khả thi, khi việc khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa trở thành thói quen của phần lớn người dân.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng21/07/2025

Bệnh nặng do chủ quan

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhân dân 115 thường xuyên tiếp nhận người bệnh nhập viện điều trị khi bệnh đã nặng do chủ quan với các triệu chứng cảnh báo trước và không đi khám, tầm soát định kỳ.

V1m.jpg
Nhân viên Phòng khám Đa khoa Hòa Hảo (TPHCM) lấy mẫu máu xét nghiệm cho người dân

Điển hình là một người bệnh nữ 59 tuổi đến khám vì nôn ói, đau thượng vị và chóng mặt. Người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, không có triệu chứng đau. Khi thực hiện siêu âm bụng, bác sĩ phát hiện một khối u kích thước 75x60mm ở thận phải, chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào thận. TS-BS Trương Hoàng Minh, Trưởng Khoa Ngoại niệu - Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, nhờ phát hiện kịp thời, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp phẫu thuật nội soi cắt khối u, bảo tồn phần nhu mô thận còn lại, giữ được chức năng thận tối ưu cho người bệnh.

“Không phải lúc nào ung thư thận cũng biểu hiện bằng các dấu hiệu đặc trưng. Việc khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là siêu âm bụng và kiểm tra chức năng thận có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi chưa có triệu chứng rõ ràng”, TS-BS Trương Hoàng Minh thông tin.

Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn hiện nay đã được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia. Theo dự thảo, mục tiêu đề ra là trong 5 năm 2025-2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. Từ năm 2026, mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm 1 lần; được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời.

Còn anh Nguyễn Trường Uy (34 tuổi, ngụ phường Cầu Ông Lãnh, TPHCM) luôn nghĩ mình khỏe mạnh bởi ít khi mắc bệnh vặt, các vấn đề sức khỏe khác cũng hiếm gặp. Hơn một năm trước, anh Uy thỉnh thoảng có cảm giác ngứa vùng da, mệt mỏi, buồn nôn. Do lịch công tác kéo dài và nghĩ mình bị đau dạ dày, chỉ cần ăn uống điều độ, đúng giờ sẽ khỏi nên anh Uy chủ quan, không thăm khám.

Thời gian gần đây, các cơn mệt mỏi xuất hiện thường xuyên hơn, kèm biểu hiện vàng da, vàng mắt, anh mới quyết định nghỉ phép để đi khám bệnh. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ kết luận anh Uy bị viêm gan mạn tính chuyển qua xơ gan mức độ nặng, phải nhập viện điều trị. Anh Uy tiếc nuối: “Tôi đã quá chủ quan với sức khỏe của mình, nếu đi khám bệnh sớm hơn thì có lẽ bây giờ không phải cực như thế này”.

Phát hiện sớm, giảm chi phí điều trị

Theo các chuyên gia y tế, việc “bỏ quên” khám sức khỏe định kỳ là tình trạng chung của nhiều người dân hiện nay. Bên cạnh những người có điều kiện kinh tế khá, thường xuyên kiểm tra định kỳ thì vẫn còn rất nhiều người chưa đủ điều kiện để khám sức khỏe.

V4c.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám cho người bệnh

Ngoài ra, với tâm lý ngại đi khám vì sợ “tìm ra bệnh”, nhiều người chờ đến lúc bệnh có biểu hiện nặng hoặc đau không chịu nổi mới đi khám thì đã không còn cơ hội điều trị. Đơn cử như việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh ung thư có ảnh hưởng quyết định rất lớn đến biện pháp can thiệp, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh. Còn với bệnh tiểu đường, nếu phát hiện bệnh sớm, người bệnh có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.

BS-CK2 Lê Trung Nhân, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường về sức khỏe trước khi cơ thể có biểu hiện bệnh, từ đó giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm tiền bạc. Thông qua khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi phù hợp với từng người. Quan trọng hơn, sau mỗi lần khám, các dữ liệu về sức khỏe của người bệnh được cập nhật liên tục trong phần mềm quản lý tại cơ sở khám chữa bệnh. Đây là những thông tin quan trọng, giúp các bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán về tình trạng bệnh trong những lần thăm khám tiếp theo.

“Khám sức khỏe định kỳ là khoản đầu tư cho sức khỏe lâu dài. Thay vì tốn hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, người dân chỉ cần chi một khoản nhỏ cho các gói khám tổng quát để kiểm tra định kỳ. Không những vậy, việc phát hiện bệnh sớm, nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân cũng giúp mỗi người tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bệnh”, BS-CK2 Lê Trung Nhân khuyến cáo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu mỗi người khám sức khỏe định kỳ đầy đủ theo khuyến cáo, có thể giúp giảm 25% tổng chi phí khám chữa bệnh so với việc phát hiện bệnh muộn; giảm nguy cơ đột quỵ từ 13%-16%; giảm tỷ lệ thiếu máu, rối loạn chuyển hóa, bệnh mạn tính khác ở nhóm dân số trung niên và cao tuổi…Người trưởng thành nên khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1-2 lần/năm, người có yếu tố nguy cơ cao như trên 40 tuổi, có bệnh nền, hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh mạn tính, tần suất khám nên thường xuyên hơn, kết hợp tầm soát chuyên sâu.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/100-nguoi-dan-duoc-kham-suc-khoe-dinh-ky-vao-nam-2026-muc-tieu-va-thuc-te-con-cach-xa-post804791.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm