Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng chiến lược mới cho ngành hàng trái cây

Sáu tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam giảm mạnh sau 2 năm liên tục tăng trưởng cao. Ngành hàng này cần có chiến lược để nâng lợi thế cạnh tranh, trong đó chú trọng các mặt hàng tiềm năng đang trên đà tăng trưởng, tiệm cận đạt và vượt mốc tỷ USD như: chuối, dứa, dừa và chanh leo.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai19/07/2025

xk-trai-cay-5488.jpg
Sơ chế chanh leo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cả nước hiện có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn/năm. Trong đó, chuối chiếm diện tích 161.000ha; dứa hơn 52.000ha; dừa gần 202.000ha và chanh leo hơn 12.000ha.

Tiềm năng lớn, giá trị thấp

Theo Phó Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Như Cường, nhóm cây ăn quả đang khẳng định vai trò động lực tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp quan trọng vào kim ngạch .

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có mặt hàng sầu riêng lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”; chanh leo, chuối, dứa và dừa là những trái cây hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu nhưng lại chưa đạt kim ngạch như mong muốn.

Cụ thể, năm 2024, giá trị xuất khẩu chuối của Việt Nam đạt 380 triệu USD, tương đương 2,5% tổng giá trị thương mại ngành chuối toàn cầu (15,3 tỷ USD). Hiện, Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu chuối trên thế giới.

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) cho rằng, từ tổng kim ngạch xuất khẩu chuối và diện tích chuối hiện có, mặt hàng này có thể tính giá trị bình quân khoảng 2.400 USD/ha/năm, mức thấp so với tiềm năng.

“Chúng tôi kỳ vọng ngành hàng chuối Việt Nam có thể đạt giá trị lên đến 4 tỷ USD trong tương lai, vươn lên dẫn dắt ngành chuối toàn cầu. Mục tiêu này không dễ nhưng hoàn toàn khả thi nếu có sự đồng hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và duy trì chất lượng đồng đều của sản phẩm”, ông Liêm khẳng định.

Về chanh dây (chanh leo), Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới. Khoảng 70-80% sản lượng chanh leo tươi và chế biến được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2024, xuất khẩu chanh dây đạt 172 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu các sản phẩm chanh dây thu về 89,5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Đây cũng là mặt hàng được kỳ vọng sớm gia nhập vào nhóm xuất khẩu tỷ USD. Đặc biệt là giống chanh dây tím của Việt Nam đang được thế giới đón nhận mạnh mẽ dưới dạng quả tươi nhờ sự khác biệt với giống chanh leo vàng của Nam Mỹ.

Tiềm năng không kém chanh leo chính là cây dứa với dự kiến sản lượng sẽ đạt 807.000 tấn vào năm 2026. Các sản phẩm từ dứa của Việt Nam đã xuất sang các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia…

Theo dự báo, thị trường dứa toàn cầu có thể đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2028. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2025 thị trường xuất khẩu dứa lớn nhất của Việt Nam là châu Âu với giá trị xuất khẩu đạt 16,56 triệu USD, tiếp theo là thị trường Mỹ với kim ngạch 7,2 triệu USD.

Đầu tư vào giống và công nghệ

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng, nhu cầu thị trường thế giới đối với các mặt hàng chanh leo, dứa, dừa và chuối ngày càng lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phản ánh không đủ nguồn cung để đáp ứng. Nhưng để đưa các mặt hàng đạt đến kim ngạch tỷ USD rất cần một “cuộc cách mạng công nghệ”, trong đó giống đóng vai trò quan trọng.

Nếu không chủ động tổ chức lại ngành hàng ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ đánh mất lợi thế và tụt hậu so với các quốc gia cùng vùng địa lý. Do đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu giống mới, như: chanh leo sạch bệnh, phục vụ nhu cầu ăn tươi; chuối chống chịu sâu bệnh (đặc biệt là bệnh héo vàng panama); dứa năng suất cao phù hợp chế biến; dừa tươi năng suất cao phục vụ xuất khẩu...

“Vùng lõi sản xuất” cần được xác lập rõ, có sự kiểm soát chất lượng và tích hợp công nghệ làm nền tảng cho đăng ký mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trích lợi nhuận để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ; các chính sách cụ thể đối với việc nhập khẩu công nghệ. Như việc ghép giống chanh leo, cần nhập khẩu giống từ nhiều nước, rồi nhập khẩu giá thể, phân bón, băng keo, dao cắt…

Vì vậy, doanh nghiệp rất mong có quy định rõ ràng để việc nhập khẩu diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Nếu chính sách thuận lợi sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực giống.

Ngoài công nghệ chọn tạo giống, các loại trái cây như chanh leo, chuối, dứa đều dễ hư hỏng sau thu hoạch cho nên cần công nghệ bảo quản phù hợp.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nhiều công nghệ nổi bật đã được Viện nghiên cứu, làm chủ và chuyển giao thành công: công nghệ bảo quản trái cây tươi bằng chế phẩm tạo màng; công nghệ sấy bơm nhiệt giúp giữ màu, mùi, dưỡng chất sản phẩm; sấy thăng hoa bảo toàn tối đa chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản; cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng giúp rút ngắn thời gian cấp đông xuống chỉ còn 18-20 phút, giảm chi phí điện năng 50% so với công nghệ IQF, giá đầu tư công nghệ chỉ bằng 30% so với nhập khẩu của Nhật Bản.

nhandan.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/xay-dung-chien-luoc-moi-cho-nganh-hang-trai-cay-post649162.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm