Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vụ binh biến tại kinh thành Huế - 140 năm nhìn lại

Sau khi vua Tự Đức băng hà, triều Nguyễn rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về vấn đề kế vị, tạo nên tình trạng rối ren trong nội bộ triều chính. Nhận thấy thời cơ thuận lợi, thực dân Pháp lập tức phát động chiến dịch quân sự nhằm đánh chiếm kinh thành Huế.

Hà Nội MớiHà Nội Mới21/07/2025

Chúng nhanh chóng đưa quân tiến vào sông Hương, đánh chiếm các đồn phòng thủ then chốt, từ đó áp đặt những điều kiện nặng nề, buộc triều đình phải khuất phục. Biến cố ấy đã đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình xâm lược của Pháp và mở ra thời kỳ biến động của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

hue.jpg

Tàu Pháp tại cửa Thuận An ngày 18-8-1883, nguồn “Chiến tranh Bắc Kỳ” của tác giả L. Huard, Paris, 1887.

Từ hải chiến Thuận An đến vụ binh biến kinh thành Huế

Ngày 30-7-1883, tại Hải Phòng, kế hoạch tấn công Thuận An được quyết định giữa Thiếu tướng Bouet, chỉ huy lực lượng quân sự Pháp ở Bắc Kỳ và Phó Đề đốc Courbet, chỉ huy hải quân Pháp. Với lực lượng gồm nhiều pháo hạm và các đơn vị thủy quân lục chiến tinh nhuệ, Pháp quyết tâm mở cuộc tấn công nhằm nhanh chóng đánh chiếm Thuận An, tạo thế áp đảo buộc triều đình Huế phải khuất phục.

Đến ngày 21-8-1883, quân Pháp chiếm được và làm chủ cửa Thuận An. Khi hay tin phòng tuyến Thuận An thất thủ, vua Hiệp Hòa vô cùng lo sợ, vội vã sai người đến xin đình chiến. Đồng thời, ông ra lệnh cho phe chủ chiến phải rút khỏi các đồn binh và tháo dỡ các vật cản trên sông Hương. Quyết định nghị hòa này của nhà vua đã vấp phải sự bất mãn sâu sắc trong hàng ngũ quan quân chủ chiến, song họ vẫn buộc phải tuân theo. Tôn Thất Thuyết, một trong những thủ lĩnh chủ chiến, đã bày tỏ thái độ phản đối bằng cách đem cờ hiệu và Ngự bài binh sự trả lại cho triều đình.

Dưới áp lực quân sự ngày càng gia tăng của thực dân Pháp, ngày 25-8-1883, triều đình Huế buộc phải ký Hòa ước Harmand, chấp thuận sự bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ và giao quyền kiểm soát các pháo đài ở Thuận An cho Pháp. Tuy nhiên, sự phân hóa trong nội bộ triều đình lại mở ra cơ hội cho phe chủ chiến củng cố lực lượng.

Lợi dụng điểm sơ hở trong Hòa ước Harmand - không đề cập đến vấn đề quân sự nội bộ triều đình, Tôn Thất Thuyết âm thầm tuyển mộ binh lính, xây dựng và củng cố hệ thống sơn phòng dọc theo vùng núi, đặc biệt là sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Ngay tại kinh đô Huế, ông tổ chức, huấn luyện hai đội quân mang tên Phấn Nghĩa và Đoàn Kiệt, thể hiện tinh thần sẵn sàng đối đầu với thực dân Pháp.

Việc phe chủ chiến nắm giữ quyền lực và tích cực thực hiện các biện pháp chống Pháp khiến phía Pháp không hài lòng, từ đó gia tăng áp lực cả về quân sự lẫn ngoại giao đối với triều đình Huế. Trong bối cảnh đó, triều đình khẩn trương chuyển tài sản từ các kho ra Quảng Trị, chuẩn bị cho tình huống biến động, sẵn sàng đưa nhà vua và triều thần ra đây lập kinh đô thứ hai. Song song với việc cô lập, gạt bỏ phe chủ hòa đang ráo riết hoạt động dưới sự che chở của thực dân Pháp, phe chủ chiến cũng gấp rút tìm người có tinh thần chống Pháp để đưa lên ngôi. Sau nhiều lần thay đổi ngôi vị từ khi vua Tự Đức mất, cuối cùng họ đã đưa hoàng tử Ưng Lịch lên ngôi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống lại thực dân Pháp.

Đến cuối tháng 5-1885, tướng De Courcy được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân sự và Toàn quyền Pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Khi đặt chân đến Hạ Long vào tháng 6-1885, De Courcy tuyên bố rằng “nút thắt của vấn đề An Nam nằm ở Huế”. Ông ta cho rằng triều đình Huế không thực sự chấp nhận thân phận bị bảo hộ và xác định Tôn Thất Thuyết cùng Nguyễn Văn Tường là hai Phụ chính đại thần cốt lõi, quyết định thái độ chính trị của triều đình.

Ngày 2-7-1885, De Courcy cho quân đổ bộ vào cửa Thuận An và tiến vào Huế, thị uy bằng cách đưa binh lính và tàu chiến vào cửa biển, đồng thời yêu cầu giải tán đội quân cơ động của triều đình. Thái độ ngông nghênh của De Courcy hoàn toàn có cơ sở khi chúng đã bố trí lực lượng ngay tại Huế rất hùng hậu tới 1.387 lính, với 31 sĩ quan và 17 đại bác chia thành hai khu vực đóng quân.

Ngày 3-7-1885, De Courcy đề nghị tổ chức cuộc hội kiến với các Thượng thư và Cơ Mật viện để bàn về lễ chuyển giao Hòa ước Patenôtre - thực chất là âm mưu bắt giữ Tôn Thất Thuyết, loại bỏ nhân vật then chốt của phe chủ chiến. Tuy nhiên, âm mưu này không qua mắt được Tôn Thất Thuyết. Khi Pháp mời các quan lại cấp cao đến sứ quán để bàn về lễ triều yết vua Hàm Nghi, ông cố ý vắng mặt với lý do đang lâm bệnh. De Courcy tức giận, cử bác sĩ đến “chẩn bệnh” để dò xét tình hình, nhưng Thuyết vẫn từ chối khéo với lý do “không quen dùng thuốc Tây”.

Ngày 4-7-1885, De Courcy gửi tối hậu thư yêu cầu triều đình Huế trong vòng một ngày phải chấp nhận toàn bộ yêu sách. Sự việc đẩy căng thẳng giữa hai bên lên đến cực độ. Trước tình hình đó, phe chủ chiến quyết định hành động.

Đêm ngày 4 rạng sáng 5-7-1885, trong lúc De Courcy đang đãi tiệc quan chức Pháp ở bên kia sông Hương nhằm thảo luận chi tiết lễ yết kiến vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết phát lệnh tấn công. Khoảng 1h sáng ngày 5-7, đại bác rền vang, lửa bốc cháy dữ dội từ đồn Mang Cá và khu vực tòa Khâm sứ Trung Kỳ (nay là Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế). Cuộc tấn công chính thức mở màn cho phong trào Cần Vương chống Pháp trên phạm vi toàn quốc.

Ký ức không lãng quên

Cuộc binh biến giữa quân triều đình do Tôn Thất Thuyết chỉ huy và quân Pháp kết thúc trong thời gian ngắn với phần thắng nghiêng về phía quân Pháp. Ngay trong đêm 4 rạng sáng 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết đã hộ giá đưa vua Hàm Nghi cùng một số hoàng thân và đại thần trung thành rút theo đường sơn đạo ra Tân Sở (Quảng Trị) để tiếp tục kháng chiến và phát động phong trào Cần Vương trên toàn quốc.

Đến sáng ngày 5-7-1885, dưới sự chỉ huy của Đại tá Pernot, quân Pháp từ đồn Mang Cá tổ chức phản công và nhanh chóng kiểm soát toàn bộ kinh thành Huế. Ngay sau khi chiếm lĩnh được trung tâm đầu não của triều đình nhà Nguyễn, quân Pháp tiến hành một cuộc cướp phá quy mô lớn. Từ Hoàng cung, Thái Miếu, điện Cần Chánh đến các kho tàng, thư viện và nơi lưu giữ bảo vật quốc gia đều bị lục soát, tàn phá, cướp bóc không thương tiếc. Chúng đốt phá các bộ, viện, doanh trại, nhà cửa; giết hại cả thường dân lẫn quan lại, bất kể già trẻ, trai gái. Nhiều người chết vì đạn, vì lửa, hoặc bị giẫm đạp trong cảnh hỗn loạn. Tiếng la hét, tiếng kêu khóc xen lẫn tiếng đại bác và súng nổ vang động cả một vùng trời.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ biến cố tang thương ấy, nhưng ký ức bi tráng về biến cố năm Ất Dậu (1885) vẫn còn hằn sâu trong tâm thức người dân xứ Huế. Nhiều tài liệu, cổ vật quý giá bị thất tán, và không ít trong số đó hiện nay đang nằm trong các bảo tàng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hằng năm, vào những ngày cuối tháng 5 âm lịch, trên khắp các con phố xứ Huế, hương khói lại bảng lảng, tưởng niệm biến cố đau thương. Tại số 73 đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa - nơi đặt Đàn Âm Hồn, được triều đình dựng vào năm 1894 dưới thời vua Thành Thái, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trang trọng tổ chức lễ tế hằng năm. Đàn Âm Hồn là nơi tưởng niệm và thờ tự vong linh các quan viên, binh lính và thường dân đã ngã xuống trong thảm họa kinh thành Huế. Người dân Huế cũng lập bàn hương án, thắp nén nhang, dâng lễ vật để tưởng niệm những linh hồn oan khuất trong biến cố bi tráng ấy.

Ở vùng Thuận An - nơi từng diễn ra trận đánh giữ cửa biển vào năm 1883, nhân dân làng Thái Dương Hạ (phía Bắc cửa Thuận An xưa) đã chôn cất các nghĩa sĩ và người dân tử nạn, đồng thời dựng nên miếu Âm Linh để thờ phụng. Hằng năm, vào ngày 16 và 17 tháng 7 âm lịch, lễ cúng tế được tổ chức trang trọng nhằm tưởng niệm những người đã hy sinh trong trận hải chiến Thuận An năm Quý Mùi (1883).

Không phô trương, không ồn ào, những nghi lễ cúng âm hồn tại Huế trở thành biểu hiện lặng lẽ mà thiêng liêng của lòng tri ân, tưởng nhớ hai sự kiện bi tráng trong lịch sử dân tộc: Trận hải chiến Thuận An năm 1883 và biến cố kinh đô Huế năm 1885. Đó không chỉ là sự tưởng niệm quá khứ, mà còn là sự tiếp nối tinh thần yêu nước, kháng cường của một thời oanh liệt.


Nguồn: https://hanoimoi.vn/vu-binh-bien-tai-kinh-thanh-hue-140-nam-nhin-lai-709831.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm