Câu chuyện VĐV VN vất vả tìm kế sinh nhai sau khi giải nghệ từng khiến người hâm mộ xót xa. Hậu sự nghiệp thi đấu, không phải ai cũng có thể trở thành HLV, nhà quản lý để có thể tiếp tục làm đúng chuyên môn mà mình đã gắn bó suốt thời thanh xuân. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, các VĐV có thể tìm thêm nguồn thu mới để cải thiện cuộc sống.
KHO BÁU BỊ LÃNG QUÊN
Năm 2018, khi U.23 VN trở về sau chiến công giành ngôi á quân U.23 châu Á (mà sau này người hâm mộ nhớ đến với cái tên kỳ tích Thường Châu), mạng xã hội từng xôn xao trước thông tin các cầu thủ ngôi sao, cũng như HLV Park Hang-seo nhận thù lao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để đăng tải thông tin sản phẩm của nhãn hàng, doanh nghiệp lên mạng xã hội, đi dự sự kiện, hay đóng quảng cáo…
Xuân Trường gọi vốn 7 tỉ đồng cho IRC (trung tâm phục hồi chấn thương thể thao do anh cùng cộng sự xây dựng)
Ảnh: IRC
Chuyện cầu thủ nói riêng và VĐV VN nói chung bắt tay với nhãn hàng, sử dụng hình ảnh cá nhân để kinh doanh không còn mới. Từ hơn 2 thập niên trước, chân sút nổi tiếng Lê Huỳnh Đức đã hợp tác với những thương hiệu hàng đầu như Pepsi, Philips… Sau đó, nhiều hậu bối đã nối gót Huỳnh Đức khi lấn từ sân cỏ sang "sân" thương mại, vì mục đích chính đáng: kiếm thêm thu nhập từ chính hình ảnh mà họ đã xây dựng bằng máu, mồ hôi và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên, đó thuần túy là những thương vụ hợp tác lẻ tẻ. VN lâu nay chưa đẩy mạnh kinh tế thể thao, hay nói cách khác là chưa thể biến thể thao thành "cỗ máy" giải trí có khả năng kiếm tiền, làm thương hiệu bài bản dựa trên danh tiếng của VĐV. Trong khi trên thế giới, chuyện VĐV xây dựng và kinh doanh thương hiệu cá nhân đã trở nên rất phổ biến. Với sức ảnh hưởng lớn cùng lực lượng người hâm mộ đông đảo trên khắp nền tảng mạng xã hội, VĐV thường được hướng đến như đối tượng ưu tiên hàng đầu để các thương hiệu, doanh nghiệp, nhãn hàng hợp tác, nhằm lan tỏa hình ảnh đến với công chúng.
VĐV THẾ GIỚI KIẾM TIỀN TỪ QUẢNG CÁO RA SAO?
Theo The Sun, Cristiano Ronaldo kiếm được 3,3 triệu USD (khoảng 86,7 tỉ đồng) cho mỗi bài đăng có quảng cáo sản phẩm trên Instagram, theo sau là Lionel Messi với 2,6 triệu USD (khoảng 67,9 tỉ đồng)/bài. Các ngôi sao thể thao cũng được trả từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD cho mỗi bài đăng gán nhãn doanh nghiệp, quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội.
Ronaldo kiếm được rất nhiều tiền từ thương hiệu cá nhân
Ảnh: Chụp màn hình
Tại sao doanh nghiệp sẵn sàng chi đậm cho VĐV? Bởi những ngôi sao thể thao (cùng với giải trí) luôn có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa cùng cộng đồng khán giả trung thành. Một cú click chuột đăng tải thông tin của Ronaldo, Messi, Stephen Curry, LeBron James hay Tiger Woods có thể khiến cả thế giới phát cuồng, đưa thông điệp tiếp cận với hàng chục triệu, thậm chí hàng tỉ người (đơn cử Ronaldo có hơn 1 tỉ người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội).
Theo Forbes, dự kiến Ronaldo có thể kiếm được 275 triệu USD mỗi năm, trong đó riêng nguồn thu từ mạng xã hội là 50 triệu USD. Với Messi là 135 triệu USD, trong đó 75 triệu USD đến từ các hợp đồng thương mại, quảng cáo… Với các ngôi sao hàng đầu, nguồn tiền kiếm được từ thương hiệu cá nhân luôn chiếm từ 40 - 50% tổng thu nhập. Đó đều là những cú bắt tay mang lại lợi ích cho cả hai (win-win). VĐV có tiền, còn nhãn hiệu có thể tận dụng hình ảnh siêu sao của VĐV để marketing hiệu quả, tăng doanh số bán hàng, mở rộng thị trường và in đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ.
THỂ THAO VN NHẬP CUỘC
Vì sao lâu nay việc xây dựng thương hiệu hình ảnh cá nhân vẫn tương đối xa lạ với thể thao VN? Bởi phần lớn các VĐV VN thường kiệm lời, chỉ tập trung vào tập luyện, thi đấu. Các VĐV chỉ được dạy kỹ năng chuyên môn phục vụ thi đấu để đổi lấy thành tích, nên không nhiều VĐV hoạt ngôn, giỏi giao tiếp, cởi mở với truyền thông và người hâm mộ.
Tập trung vào chuyên môn là tốt, vì đây là con đường độc đạo để nâng cao đẳng cấp và gặt hái thành tích. Song nếu bỏ qua chuyện tìm kiếm các kênh thu nhập khác bằng những nỗ lực chân chính của mình, đó sẽ là nuối tiếc lớn với VĐV. Bởi suy cho cùng, thu nhập từ thi đấu chỉ đảm bảo cho VĐV cuộc sống ổn định ở mức tương đối trong khoảng 10 - 12 năm sự nghiệp. Khi VĐV giải nghệ, nguồn thu ấy sẽ không còn.
Nếu có thể tận dụng hình ảnh để kinh doanh trực tiếp (trở thành đại sứ thương hiệu, hợp tác quảng cáo) hoặc gián tiếp (tận dụng thương hiệu cá nhân để kinh doanh riêng), VĐV VN sẽ có thêm "cần câu cơm".
Lương Xuân Trường là ví dụ. Tiền vệ sinh năm 1995 đã tận dụng danh tiếng để phát triển thương hiệu Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế (IRC) ngay từ khi còn thi đấu, với mong muốn hỗ trợ các cầu thủ điều trị và phục hồi chấn thương. Dàn sao cầu lông như Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát đều có những cú bắt tay chiến lược với thương hiệu lớn để lan tỏa hình ảnh và có thêm thu nhập phục vụ thi đấu. Hay Nguyễn Tiến Linh, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Quang Hải (bóng đá), Lý Hoàng Nam (tennis), Dương Thiên Quang (pickleball)... đều thuộc nhóm những VĐV phát triển thương hiệu tốt, bắt tay với nhãn hiệu lớn…
Tuy nhiên, để kinh tế thể thao và chuyện xây dựng thương hiệu cho VĐV VN hiệu quả hơn nữa, dừng lại ở một vài cá nhân đơn lẻ là chưa đủ. Đó là quá trình dài, đòi hỏi chiến lược bài bản của cả ngành thể thao. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/vdv-viet-nam-kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-mo-vang-185250713211801543.htm
Bình luận (0)