Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng công nghệ số trong chống hàng giả

Tại hội nghị "Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới" do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 7-7, các đại biểu nhận định, trong tình hình mới, phương thức thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đáng quan ngại với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, bài bản; đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT). Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này không chỉ công việc của một ngành, một địa phương mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội…

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ22/07/2025

Lực lượng Quản lý thị trường TP Cần Thơ kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố.

Vi phạm tinh vi

Hiện nay, hàng giả xuất hiện trong hầu hết các ngành hàng từ dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu bia, thuốc lá, linh kiện điện tử, hàng thời trang, phân bón, vật tư nông nghiệp, linh phụ kiện, phụ tùng ô tô, xe máy... có thể nói, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả. Hàng giả không chỉ phổ biến tại các thành phố lớn mà còn lan rộng đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực hẻo lánh thông qua nhiều hình thức bán hàng. Với các phương thức thủ đoạn tinh vi từ bao bì, nhãn mác đến chất lượng, hàng giả thậm chí còn có cả tem chống giả khá tinh vi, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và qua mắt lực lượng chức năng; đặc biệt lợi dụng kinh doanh qua TMÐT, mạng xã hội, các sàn giao dịch điện tử để hoạt động mua bán.

Theo BCÐ 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng cao điểm thực hiện Công điện số 65/CÐ-TTg về đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (từ ngày 15-5 đến 15-6), lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỉ đồng, khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, BCÐ 389 TP Cần Thơ kiểm tra 6.022 vụ, trong đó có 405 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 5,3 tỉ đồng. Trong tháng cao điểm thực hiện Công điện số 65/CÐ-TTg về đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (từ ngày 15-5 đến 15-6-2025), có 795 vụ thanh tra, kiểm tra, trong đó có 81 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 1,2 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 19 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, đại diện Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie, nhu cầu tiêu dùng qua TMÐT tại Việt Nam ngày càng tăng, các hành vi buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên TMÐT cũng tăng theo. Theo ông, hiện nay có tới 90% hàng giả và hàng xâm phạm quyền được tiêu thụ và bán ở trên các nền tảng là TMÐT và trên các trang mạng xã hội. Trong khi đó, người tiêu dùng thông thường rất khó phân biệt được là đâu là hàng thật, hàng giả. Việc kiểm duyệt, truy vết hàng giả ở trên các nền tảng TMÐT rất khó khăn nếu không có sự hợp tác chặt chẽ của các nền tảng TMÐT.

Nhìn nhận sự phát triển mạnh mẽ của TMÐT, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), cho rằng sự phát triển này cũng có những hệ lụy nhất định, rõ nhất là vấn nạn là hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường TMÐT, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Ông Hoàng Ninh khẳng định, mạng xã hội là một sàn TMÐT không chính thức. Nhiều đối tượng đã lợi dụng tính ẩn danh, thiếu kiểm soát của nhà quản trị mạng để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực hiện hành vi gian lận thương mại. Phổ biến như tạo tài khoản bán hàng livestream, rao bán sản phẩm gắn mác hàng hiệu nhưng thực tế lại là hàng giả… sau đó, lợi dụng chính sách giao hàng thu hộ để giao hàng lậu, hàng vi phạm, rất khó cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những khó khăn của lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ đó là nhu cầu tiêu dùng thông qua TMÐT ngày càng cao trong khi ý thức của người dân về chống hàng giả trên môi trường này còn hạn chế; vẫn còn một ít bộ phận người tiêu dùng vẫn bị hấp dẫn bởi giá rẻ, mẫu mã đẹp mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, việc xử lý còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu về lực lượng, biện pháp, ứng dụng khoa học, công nghệ và quan hệ phối hợp để phát hiện, xử lý các loại vi phạm và tội phạm này.

Chung tay quản lý

Ông Trần Ðức Ðông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCÐ 389 quốc gia, nhận định, thời gian tới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các gian lận thương mại sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thậm chí có thể gia tăng về số lượng, quy mô và thủ đoạn tinh vi hơn. Ðáng quan ngại hơn, trong tình hình mới, phương thức thủ đoạn của các đối tượng sẽ tinh vi hơn, bài bản hơn do xã hội có nhiều tiến bộ về TMÐT, thương mại thời công nghệ số cũng như các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Do vậy, để đấu tranh có hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng thực thi, doanh nghiệp, người tiêu dùng một cách toàn diện, trách nhiệm, triệt để và đồng bộ các giải pháp.

Theo các chuyên gia, khi luật pháp đủ mạnh, thực thi nghiêm túc và người dân có ý thức, thì nạn hàng giả mới được đẩy lùi. Ðặc biệt, người tiêu dùng cần chọn cửa hàng chính hãng, các trung tâm thương mại uy tín, website chính thức, các đại lý ủy quyền của chủ thể quyền, đối với việc thực hiện mua sắm online trên các nền tảng cần có sự tham khảo, lựa chọn, so sánh và đánh giá kỹ cũng như kiểm tra hàng hóa, đặc biệt lựa chọn người bán, gian hàng uy tín, không thực hiện mua bán đối với các nền tảng xã hội không rõ xuất xứ chủ trang hàng và đặc biệt không mua hàng bằng cảm xúc, cảnh giác trước các chiêu trò hàng giá rẻ, giảm giá sốc, hàng thanh lý và các khuyến mại đi kèm.

Ðể nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong thời gian tới, nhất là vi phạm trong lĩnh vực TMÐT, đại diện nhiều cơ quan quản lý cho rằng phải ứng dụng được công nghệ số vào xử lý các vi phạm trên môi trường số. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, linh hoạt, liên địa bàn, liên tỉnh. Các công chức lực lượng thực thi trong ngành, lĩnh vực cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số thông qua các chương trình đào tạo tập huấn… 

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 6 tháng đầu năm 2025, các sàn TMĐT đã gỡ hơn 33.000 sản phẩm; đóng 11.000 cửa hàng có các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Nguồn: https://baocantho.com.vn/ung-dung-cong-nghe-so-trong-chong-hang-gia-a188722.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm