Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cơ cấu tổ chức và hoạt động quản lý tỷ lệ an toàn vốn
Cơ cấu tổ chức và hoạt động quản lý tỷ lệ an toàn vốn được quy định như sau:
Hoạt động quản lý tỷ lệ an toàn vốn:
Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại) hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thực hiện: Ban hành quy định nội bộ về tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, mức độ rủi ro trong hoạt động, chu kỳ kinh doanh, khả năng thích ứng với rủi ro và chiến lược kinh doanh của ngân hàng; phù hợp với Thông tư này và quy định của pháp luật liên quan; giám sát đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) (đối với ngân hàng thương mại) trong việc thực hiện quản lý tỷ lệ an toàn vốn.
Tổng giám đốc (Giám đốc) thực hiện: Xây dựng và trình Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại) ban hành quy định nội bộ về tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; quản lý tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo tuân thủ quy định nội bộ; giám sát đối với các cá nhân, bộ phận thực hiện chức năng quản lý tỷ lệ an toàn vốn.
Có cá nhân, bộ phận thực hiện chức năng quản lý tỷ lệ an toàn vốn, trình Tổng giám đốc (Giám đốc) để báo cáo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại) hoặc trình Tổng giám đốc (Giám đốc) (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) theo quy định nội bộ về tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng phù hợp với Thông tư này và quy định của pháp luật liên quan.
Theo Thông tư, Ban Kiểm soát của ngân hàng thương mại phải giám sát việc chấp hành các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư này.
Kiểm toán nội bộ của ngân hàng thực hiện rà soát, đánh giá độc lập, khách quan về tính thích hợp và sự tuân thủ quy định nội bộ về quản lý tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng.
Tỷ lệ an toàn vốn
Các tỷ lệ an toàn vốn được xác định như sau:
Công thức xác định tỷ lệ vốn lõi cấp 1:
Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 |
= |
Vốn lõi cấp 1 |
RWA + 12,5 x (KOR + KMR) |
Công thức xác định tỷ lệ vốn cấp 1:
Tỷ lệ vốn cấp 1 |
= |
Vốn cấp 1 |
RWA + 12,5 x (KOR + KMR) |
Công thức xác định tỷ lệ an toàn vốn:
Tỷ lệ an toàn vốn |
= |
Vốn tự có |
RWA + 12,5 x (KOR + KMR) |
Thông tư nêu rõ, ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn như sau:
Ngân hàng thương mại không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ.
Ngân hàng thương mại có công ty con phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất: Trường hợp ngân hàng thương mại có công ty con là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng thương mại không hợp nhất công ty con này theo nguyên tắc hợp nhất của pháp luật về kế toán và báo cáo tài chính đối với tổ chức tín dụng. Tổng tài sản có rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường được tính trên cơ sở số liệu của ngân hàng thương mại và công ty con của ngân hàng thương mại đó theo quy định tại Thông tư này. Trong đó, ngân hàng thương mại phải áp dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính tài sản có rủi ro tín dụng của công ty con.
Ngân hàng thương mại không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ sau đây: Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.
Ngân hàng thương mại có công ty con phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất sau đây: Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.
Tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn
Ngoài các tỷ lệ bắt buộc phải thực hiện theo quy định trên, ngân hàng thực hiện tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (Capital conservation buffer - CCB) theo quy định như sau:
Tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (CCB) là phần tỷ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn).
Ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm như sau:
Thời điểm áp dụng từ Tỷ lệ |
Năm thứ nhất |
Năm thứ hai |
Năm thứ ba |
Năm thứ tư trở đi |
CCB |
0,625% |
1,25% |
1,875% |
2,5% |
Vốn lõi cấp 1 (bao gồm CCB) |
5,125% |
5,75% |
6,375% |
7% |
Vốn cấp 1 (bao gồm CCB) |
6,625% |
7,25% |
7,875% |
8,5% |
CAR (bao gồm CCB) |
8,625% |
9,25% |
9,875% |
10,5% |
Tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ
Ngoài các tỷ lệ theo quy định trên, ngân hàng thực hiện tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ (Countercyclical capital buffer - CCyB) theo quy định như sau:
Tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ là phần tỷ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1, tỷ lệ an toàn vốn và CCB (nếu có)).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng tỷ lệ CCyB cụ thể trong khoảng từ 0% đến 2,5% khi cần thiết trong từng thời kỳ.
Đối với các khoản mục bằng ngoại tệ và vàng, ngân hàng quy đổi sang đồng Việt Nam khi tính tỷ lệ an toàn vốn như sau:
Thực hiện hạch toán trên các tài khoản ngoại tệ theo quy định của pháp luật về hệ thống tài khoản kế toán.
Đối với rủi ro ngoại hối, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam được thực hiện như sau:
Trường hợp ngày tính tỷ lệ an toàn vốn không phải là ngày làm việc cuối tháng, cuối quý, cuối năm, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam là tỷ giá hạch toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng.
Trường hợp ngày tính tỷ lệ an toàn vốn là ngày làm việc cuối tháng, cuối quý, cuối năm: Đối với ngân hàng sử dụng đồng tiền hạch toán là đồng Việt Nam, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam là tỷ giá quy đổi khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán tháng, quý, năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng. Đối với ngân hàng sử dụng đồng tiền hạch toán là ngoại tệ, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam là tỷ giá áp dụng để chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng.
Đối với giá vàng được thực hiện như sau:
Đối với ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh vàng, ngân hàng sử dụng giá niêm yết bán ra của ngân hàng tại thời điểm cuối ngày của ngày báo cáo.
Đối với ngân hàng không kinh doanh vàng, ngân hàng sử dụng niêm yết bán ra của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sở hữu nhãn hiệu vàng tại thời điểm cuối ngày của ngày báo cáo.
Trường hợp ngày báo cáo không phải là ngày làm việc, ngân hàng áp dụng tỷ giá và giá vàng của ngày làm việc liền trước.
Thông tư nêu rõ, căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với ngân hàng, trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước xem xét: Yêu cầu ngân hàng duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với mức quy định tại Thông tư này; quyết định áp dụng tỷ lệ bộ đệm vốn đối với ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống trong từng thời kỳ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9/2025.
Tuệ Văn
Nguồn: https://baochinhphu.vn/ty-le-an-toan-von-voi-ngan-hang-thuong-mai-chi-nhanh-ngan-hang-nuoc-ngoai-102250718105551891.htm
Bình luận (0)