Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đà Nẵng: Khởi sắc hoạt động du lịch bảo tàng

Sau hợp nhất, thành phố Đà Nẵng đang sở hữu mạng lưới bảo tàng chuyên sâu, đặc sắc và ngày càng cuốn hút du khách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch18/07/2025

Đà Nẵng: Khởi sắc hoạt động du lịch bảo tàng - Ảnh 1.

Bảo tàng Đà Nẵng (cơ sở 42 đường Bạch Đằng) tạo ra một "cơn sốt" với công chúng trong thời gian đầu mở cửa.

Những giá trị độc đáo

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam (cũ) và thành phố Đà Nẵng nổi lên là một điểm đến đặc sắc về du lịch bảo tàng dù đây là loại hình khá “kén” khách.

Nét đặc trưng khiến nhiều bảo tàng ở xứ Quảng tạo dấu ấn với du khách là định vị chủ đề riêng với các hoạt động trưng bày, trải nghiệm chuyên sâu giúp công chúng vừa thưởng lãm vừa khám phá được giá trị của vùng đất.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm (phường Hải Châu) từ lâu được giới chuyên môn đánh giá là bảo tàng quy mô nhất trên toàn quốc về văn hóa Chămpa.

Trong khi đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chuyên về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản mỹ thuật của địa phương cũng như khu vực miền Trung.

Tại Hội An, hầu hết bảo tàng có quy mô nhỏ nhưng mỗi bảo tàng lại ẩn chứa tri thức đặc sắc trong từng lĩnh vực khiến các điểm đến này hiếm khi nào thưa vắng khách. Đó là Bảo tàng nghề y truyền thống, Bảo tàng văn hóa dân gian, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng gốm sứ Mậu dịch, Bảo tàng thổ sản Hội An… (đều thuộc phường Hội An).

Nhắc đến xứ Quảng cũng gợi nhớ ngay trong du khách về hình ảnh một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Bảo tàng Đà Nẵng (phường Hải Châu) và Bảo tàng Quảng Nam (phường Bàn Thạch) là hai điểm đến chuyển tải sâu sắc được chủ điểm này đến công chúng.

Ngoài ra, một số bảo tàng nằm trong các điểm đến du lịch cũng thu hút đông đảo khách tham quan, chiêm ngưỡng như: Bảo tàng Mỹ Sơn (Khu đền tháp Mỹ Sơn), Bảo tàng tượng sáp (Khu du lịch Bà Nà Hills)…

Khởi sắc thu hút khách

Trong nửa đầu năm nay, hoạt động du lịch bảo tàng của thành phố Đà Nẵng tiếp tục tạo ra những dấu ấn mới.

Mở cửa đón khách ở cơ sở mới (số 42 đường Bạch Đằng) từ ngày 01/4, Bảo tàng Đà Nẵng đã tạo ra một “cơn sốt” trong công chúng với thiết kế bắt mắt cùng cách dẫn dắt câu chuyện cuốn hút khi kết hợp được công nghệ hiện đại và bài trí truyền thống.

Đà Nẵng: Khởi sắc hoạt động du lịch bảo tàng - Ảnh 2.

Du khách thưởng lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định, Bảo tàng Đà Nẵng là một trong số các bảo tàng ở Việt Nam đã triển khai Al rất tốt để phục vụ du khách. Đây có thể xem là một trong những bảo tàng lớn nhất ở khu vực miền Trung không chỉ về quy mô đầu tư, không gian hay hiện vật mà còn về việc ứng dụng công nghệ rất phù hợp, hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm, bảo tàng này đã đón gần 130 nghìn lượt khách (tăng 122% so với cùng kỳ). Các bảo tàng khác ở địa bàn thành phố Đà Nẵng cũ cũng có đà tăng trưởng tốt. Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón gần 115 nghìn lượt (tăng 10% so với cùng kỳ), còn Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đón hơn 25 nghìn lượt (tăng 68% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, nét mới của hệ thống bảo tàng chuyên đề tại Hội An là đưa vào vận hành Bảo tàng thổ sản Hội An (tháng 12/2024). Bằng việc chuyển tải tri thức phong phú của kho tàng dược liệu xứ Quảng cũng như con đường thương mại dược liệu sầm uất trong quá khứ, bảo tàng này nhanh chóng lôi cuốn khách tham quan, nhất là khách nước ngoài.

Đà Nẵng: Khởi sắc hoạt động du lịch bảo tàng - Ảnh 3.

Các bảo tàng chuyên đề ở Hội An được khách quốc tế rất yêu thích. Trong ảnh: Du khách tham quan Bảo tàng thổ sản Hội An.

Qua 6 tháng đầu năm, các điểm bảo tàng, di tích trong Khu phố cổ Hội An do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An trực tiếp quản lý đã đón hơn 867 nghìn lượt khách tham quan (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có đến hơn 810 nghìn lượt khách quốc tế.

Ông Phạm Phú Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, để các bảo tàng luôn mới mẻ, nhất là với cộng đồng địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm để học sinh hiểu hơn về nét đẹp lịch sử, văn hóa địa phương. Bao gồm: “Phiên chợ tết”; giới thiệu quy trình chế biến các loại mứt truyền thống như mứt dừa, mứt gừng; hoạt động vẽ và trang trí lồng đèn giấy, hoạt động dập tranh giấy dó… Qua đó, đã góp thêm sinh khí tại các điểm bảo tàng.

Còn bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thông tin, từ đầu năm bảo tàng đã thực hiện 8 cuộc triển lãm với đa dạng hình thức cả trưng bày trực tiếp tại bảo tàng, lẫn triển lãm trực tuyến và lưu động. Ngoài ra, bảo tàng cũng đã ra mắt không gian trưng bày trực tuyến “DNFAM ONLINE GALLERY”, đánh dấu bước tiến trong ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động bảo tàng nhằm phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu tiếp cận văn hóa của công chúng trong thời đại số.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/da-nang-khoi-sac-hoat-dong-du-lich-bao-tang-20250718141840928.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm