Các sản phẩm khởi nghiệp của trí thức trẻ ở Huế vươn ra thị trường các thành phố lớn

Toàn diện trên các lĩnh vực

Qua 15 năm triển khai chương trình NTM, các mô hình thanh niên khởi nghiệp và thanh niên làm kinh tế giỏi tại TP. Huế đã có những đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng NTM và sự phát triển chung của thành phố. Có thể kể đến là các mô hình thanh niên tình nguyện, thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN), môi trường và cộng đồng. Trong đó, mô hình khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm như sản phẩm "Đậu phộng tỏi ớt Huenuts" của anh Ngô Minh Hiếu ở xã Đan Điền (*) là một điển hình. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thực phẩm và tu nghiệp ở Đan Mạch, cuối năm 2021, Hiếu trở về quê hương bắt tay khởi nghiệp với việc thành lập HTX Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú, gồm 8 thành viên.

Hiếu chia sẻ: “Tiếp cận với nhiều nhà hàng, tiệm ăn… em nhận thấy tiềm năng của thị trường về những món khai vị từ sản phẩm đậu phộng rất cao. Trong khi quê mình người dân trồng đậu với diện tích lớn, em chợt nghĩ phải làm gì đó cho hạt đậu phộng quê mình để chung sức xây dựng NTM” - Hiếu nhớ lại.

Đến nay, HTX Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú đã phát triển với quy mô nhà xưởng rộng 110m2, khu văn phòng và kho 150m2, diện tích trồng đậu phộng hơn 20ha theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết hơn 50ha với nông dân. Hiện, sản phẩm Huenuts có mặt ở 16 tỉnh, thành trên cả nước và đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Trung bình mỗi năm, HTX đạt doanh thu 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên, 4 lao động thời vụ.

Trong lĩnh vực KHCN, có thể kể đến mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Thiên Vũ ở phường Dương Nỗ, nhà sáng lập Công ty CP Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Đặc Sản Kinh Đô, người tiên phong đưa máy bay nông nghiệp vào canh tác tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở công nghệ drone, Nguyễn Văn Thiên Vũ còn hợp tác với Trung ương Đoàn cho ra mắt sàn thương mại ảo AgriVerse-y là nền tảng tiên phong ứng dụng Metaverse vào thương mại nông nghiệp, giúp thanh niên nông thôn kết nối sản phẩm khởi nghiệp với người tiêu dùng.

Theo Bí thư Thành đoàn Nguyễn Thanh Hoài, hiện trên địa bàn thành phố có hàng ngàn mô hình thanh niên khởi nghiệp toàn diện trên các lĩnh vực. Việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi không chỉ góp phần xây dựng thế hệ trẻ của Huế bản lĩnh, sáng tạo, góp phần triển khai hiệu quả chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng NTM”, mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, KHCN, văn hóa, giáo dục và xã hội.

Chiến lược dài hơi

Để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, trí thức trẻ tham gia xây dựng NTM, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung nhân rộng các mô hình thanh niên tiêu biểu, lan tỏa các giá trị tích cực đến cộng đồng. Ban Thường vụ Thành đoàn Huế còn chú trọng các hoạt động như triển khai các cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn, diễn đàn khởi nghiệp các vùng đồng bào dân tộc miền núi, các cuộc triển lãm sản phẩm khởi nhiệp tại các diễn đàn, hội nghị, các cuộc đối thoại với lãnh đạo, tạo được sự tham gia của nhiều trí thức trẻ đam mê khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ.

Từ năm 2021 đến nay, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố đã tổ chức 84 lớp tập huấn với 3.854 lượt người tham gia chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần giúp thanh niên tiếp cận KHCN và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành đoàn đã triển khai cho vay ưu đãi, lãi suất không đồng cho các mô hình đang khởi nghiệp, với nguồn vốn 50 triệu đồng/mô hình, nhằm tạo thêm động lực cho các mô hình tham gia khởi nghiệp tiêu biểu.

Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM thành phố khẳng định, thông qua các hoạt động của trí thức trẻ, nhiều địa phương đã có sự thay đổi rõ rệt về kinh tế - xã hội. Cụ thể, với sự giúp đỡ của lực lượng trí thức trẻ, các dự án xây dựng giao thông, hệ thống nước sạch, trường học, trạm y tế… tại các khu vực nông thôn được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Nhiều thanh niên tình nguyện là các kỹ sư nông nghiệp đã giúp bà con tiếp cận với những tiến bộ KHKT mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhờ các hoạt động hỗ trợ kinh tế và hướng dẫn khởi nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều địa phương đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các chương trình văn hóa, giáo dục cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.

Cũng theo ông Lê Thành Nam, việc thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp và thanh niên làm kinh tế, phát huy vai trò trí thức trẻ trong xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược dài hơi trong việc phát triển bền vững khu vực nông thôn. Do vậy, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao giai đoạn tiếp theo, đơn vị tăng cường hướng dẫn các địa phương phối hợp với các cấp bộ Đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội khác chủ động tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát huy tối đa sự tham gia của trí thức trẻ vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(*) Sáp nhập từ các xã Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/tri-thuc-tre-trong-xay-dung-nong-thon-moi-155497.html