Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) tại Lạng Sơn đang có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây, trở thành một vấn đề được xã hội rất quan tâm. Chăm sóc và can thiệp sớm không chỉ là hy vọng, mà còn là “chìa khóa vàng” giúp trẻ RLPTK cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng và có một tương lai tươi sáng hơn.
Theo số liệu thống kê tính đến tháng 5/2025, toàn tỉnh Lạng Sơn có trên 188.000 trẻ em, trên 1.800 trẻ mắc các dạng tật. Trong đó, số lượng trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ chậm phát triển chiếm khoảng 20%.
Nhận biết dấu hiệu trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ
RLPTK là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, tương tác xã hội và hành vi. Mỗi trẻ tự kỷ có đặc điểm và mức độ biểu hiện của rối loạn khác nhau. Một số trẻ có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp, phát âm, trong khi có trẻ lại gặp trở ngại trong việc hiểu tương tác xã hội như ánh mắt hay cử chỉ, hành động, lời nói lặp đi lặp lại, hay quá tập trung vào một sở thích đặc biệt cũng là những dấu hiệu thường thấy ở trẻ RLPTK. Dù nguyên nhân chính xác chưa được xác định rõ ràng, nhưng nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy yếu tố di truyền và môi trường là hai yếu tố chính dẫn tới RLPTK ở trẻ.
Trẻ em có thể có nguy cơ mắc chứng RLPTK ở bất kỳ giai đoạn nào, nhưng các triệu chứng thường bắt đầu biểu hiện rõ ràng trong khoảng 2-3 năm đầu đời, đặc biệt là từ 12 đến 24 tháng tuổi. Vì vậy, việc cha mẹ phát hiện sớm các dấu hiệu RLPTK ở trẻ trong giai đoạn này rất quan trọng để giúp con được can thiệp kịp thời, từ đó mau có sự tiến bộ, hỗ trợ con hòa nhập tốt hơn.
Can thiệp, điều trị sớm
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, bên cạnh Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh còn có các trung tâm giáo dục đặc biệt tích cực tiếp nhận, đánh giá và thực hiện can thiệp cho trẻ như: Trung tâm Ánh Sao Lạng Sơn (phường Tam Thanh); Trung tâm Giáo dục đặc biệt và trị liệu ngôn ngữ Phúc Tâm An (phường Đông Kinh); Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Kazuo (phường Đông Kinh)... Qua đó, mang đến môi trường học tập chuyên biệt, phù hợp với nhu cầu và tình trạng của từng trẻ mắc chứng RLPTK.
Được thành lập từ năm 2017, là một trong những trung tâm đầu tiên về giáo dục đặc biệt tại tỉnh, Trung tâm Ánh Sao Lạng Sơn (thuộc Công ty TNHH Giáo dục đặc biệt Ánh Sao) đang can thiệp cho hơn 70 trẻ từ độ tuổi 2 - 14 tuổi. Công ty hiện có 8 nhân viên và 20 giáo viên đang làm việc ở 3 cơ sở tại phường Tam Thanh, xã Đồng Đăng, xã Văn Quan.
Bà Nông Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục đặc biệt Ánh Sao cho biết: Để làm tốt công giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh, công ty đã chuẩn bị tốt về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cụ thể, đội ngũ giáo viên đều được đào tạo bài bản về giáo dục đặc biệt, tâm lý và kỹ năng về can thiệp sớm nên có chuyên môn vững vàng. Tại công ty có đầy đủ các phòng chức năng như: phòng vận động, phòng tư vấn đánh giá, phòng can thiệp cá nhân/nhóm cùng phần mềm hỗ trợ trẻ khuyết tật, thiết bị, đồ dùng học tập chuyên biệt phù hợp với từng dạng rối loạn, nhu cầu của trẻ. Ngoài ra, công ty phối hợp với các chuyên gia về tâm lý, giáo dục đặc biệt và đội ngũ y bác sĩ khoa tâm bệnh của tuyến trung ương nhằm nâng cao chất lượng can thiệp, giúp trẻ mau tiến bộ.
Không riêng Trung tâm Ánh Sao Lạng Sơn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Kazuo (phường Đông Kinh) cũng là địa chỉ được nhiều phụ huynh tin tưởng. Được thành lập năm 2020, trung tâm hiện có 32 quản lý, giáo viên, nhân viên, thực hiện tiếp nhận, chăm sóc, giáo dục cho hơn 80 trẻ RLPTK theo hình thức bán trú và can thiệp cá nhân, ở độ tuổi từ 18 tháng đến 15 tuổi. Trong 3 năm trở lại đây, đã có hơn 200 trẻ can thiệp thành công tại trung tâm, tỷ lệ can thiệp thành công theo năng lực từng cá nhân đạt trên 80%.
Đằng sau mỗi bước tiến nhỏ của trẻ là sự tận tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của các giáo viên giáo dục đặc biệt. Cô Hoàng Hữu Văn, giáo viên đã có 5 năm gắn bó tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Kazuo bày tỏ: Trong quá trình chăm sóc và can thiệp cho trẻ RLPTK, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như một nội dung can thiệp phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần trẻ mới có thể ghi nhớ hay phải kết hợp quản lý hành vi vì nhiều trẻ chưa hợp tác, có hành động chống đối... Tuy nhiên, với tôi, làm giáo viên trong lĩnh giáo dục đặc biệt là hành trình của trái tim, sự kiên nhẫn, yêu thương trẻ và tâm huyết với nghề. Khi thấy trẻ có sự tiến bộ, mỗi giáo viên như được tiếp thêm động lực để thêm yêu và gắn bó với nghề, thêm tâm huyết trên hành trình cùng trẻ hoà nhập với cộng đồng.
Bên cạnh với việc cho trẻ can thiệp tại các cơ sở, trung tâm chuyên biệt, gia đình đóng vai trò then chốt trong hành trình hỗ trợ trẻ RLPTK. Đáng mừng, nhiều bậc phụ huynh tại Lạng Sơn đã nâng cao nhận thức, gạt bỏ sự chủ động tìm hiểu thông tin và đưa trẻ đi can thiệp ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong quá trình phát triển của con em mình. Bà N.T.H (xã Đình Lập) có cháu nội gần 5 tuổi được chẩn đoán mắc RLPTK cho biết: Khi cháu đã 2 tuổi mà chưa biết nói gia đình đã đưa cháu đi khám và can thiệp tại Trung tâm Ánh Sao Lạng Sơn. Sau 3 năm can thiệp, với sự tận tâm của các cô giáo, cháu đã nói được từ đơn hoặc cụm 4 từ, diễn đạt được mong muốn, suy nghĩ bằng hành động.
Cùng đó, việc chăm sóc con tại nhà cũng góp phần giúp trẻ mau tiến bộ. Chị L.T.Đ (phường Tam Thanh), có con đang can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Kazuo vì mắc chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý, bộc bạch: Tại nhà, tôi dành thời gian củng cố kiến thức cho con theo kế hoạch, video bài giảng do trung tâm cung cấp, kiên nhẫn dạy và sửa lỗi cho con nhiều lần. Nhờ đó, cháu có sự tiến bộ rõ rệt.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm trở lại đây, đã có hơn 600 trẻ RLPTK trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận, can thiệp và có tiến triển, hoà nhập tốt. Đây là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự kiên trì, tình yêu thương của gia đình cùng với sự nỗ lực, yêu nghề của đội người quản lý, giáo viên trực tiếp can thiệp cho trẻ RLPTK.
Tin rằng, với sự chung tay của gia đình, các cơ sở, trung tâm giáo dục đặc biệt, các cơ quan chức năng cùng toàn xã hội, trẻ RLPTK sẽ có một môi trường sống, môi trường giáo dục tốt đẹp, giúp các em phát triển tối đa tiềm năng và sớm hòa nhập cộng đồng. Sự quan tâm, chăm sóc và những hành động thiết thực của bậc cha mẹ sẽ là chìa khóa để mở ra những cánh cửa hy vọng cho những "mầm non" đặc biệt này.
Nguồn: https://baolangson.vn/tre-roi-loan-pho-tu-ky-can-cham-soc-va-can-thiep-som-5052710.html
Bình luận (0)