Trước đây, quảng cáo và phát hành từng là 2 nguồn thu chủ lực của báo chí. Nhưng chỉ sau vài năm, doanh thu từ quảng cáo truyền thống ước tính giảm tới 70%-80%. Đây không chỉ ở một vài cơ quan mà là tình trạng chung của toàn ngành.
"Thời điểm kim cương"
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự lấn át của các nền tảng số xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube và TikTok. Không chỉ chiếm ưu thế về lượng người dùng, những nền tảng này còn can thiệp sâu vào cách sản xuất và phân phối nội dung, làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp cận thông tin của công chúng.
Kết quả là gần 80% doanh thu quảng cáo số thuộc về các nền tảng xuyên quốc gia này, theo TS Lương Đông Sơn, giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới là yêu cầu sống còn với báo chí.
Phiên livestream bán cà phê tại Chương trình “Tôn vinh Cà phê - trà Việt” lần 3 - năm 2025 do Báo Người Lao Động tổ chức .Ảnh: NGỌC ÁNH
Một trong những hướng đi chiến lược và đầy tiềm năng đang được quan tâm là tiếp thị liên kết (affiliate). Đây là mô hình phổ biến trong thương mại điện tử (TMĐT), cho phép các đơn vị giới thiệu sản phẩm (ở đây là các tòa soạn báo chí) nhận được hoa hồng khi người dùng nhấp vào liên kết và mua hàng. Tại Việt Nam, các nền tảng như Shopee, Lazada hay TikTok Shop đã triển khai mạnh hình thức này với mức hoa hồng dao động từ 5%-30%.
TS Sơn nhận định: "Đây là "thời điểm kim cương" của báo chí tham gia tiếp thị liên kết, khi thị trường của những người sáng tạo nội dung (KOL/KOC) đang trải qua một cuộc "khủng hoảng niềm tin" do các hành vi quảng cáo sai sự thật. Công chúng đang khao khát một sự bảo chứng, một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Đây chính là lúc báo chí có thể phát huy "tài sản" lớn nhất của mình, đó là uy tín".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cũng cho rằng tiếp thị liên kết là xu hướng tất yếu trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh. Với những tờ báo có lượng truy cập cao và tệp độc giả rộng như Báo Người Lao Động, mô hình này hoàn toàn có thể mang lại nguồn thu đáng kể.
Cơ hội dành cho báo chí càng rõ nét hơn khi TMĐT đang tăng trưởng mạnh mẽ. Báo cáo "E-Economy SEA 2024" mới công bố của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy quy mô thị trường TMĐT Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 22 tỉ USD theo tổng giá trị hàng hóa, đứng thứ 3 trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Báo cáo cũng đưa ra dự báo quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 63 tỉ USD, tương đương mức tăng gần gấp 3 lần so với hiện tại và sẽ vươn lên đứng thứ 2 khu vực vào năm 2030. Đáng chú ý, trong 6 nước có nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn 2024 - 2030 cao thứ hai (sau Philippines), ở mức 18,7%.
Làm sao tận dụng hiệu quả?
Tiếp thị liên kết đang mở ra một cơ hội mới về nguồn thu cho báo chí, nhưng đi kèm là những câu hỏi đầy thách thức. Vấn đề lớn nhất mà các tòa soạn phải giải được là: làm sao để "bán hàng" mà không "bán mình"?
Theo TS Lương Đông Sơn, câu trả lời nằm ở việc tuân thủ ba nguyên tắc sắt đá. Trước tiên, phải công khai rõ ràng đâu là nội dung báo chí, đâu là nội dung thương mại. Bất kỳ sự mập mờ nào cũng là hành vi phản bội niềm tin của độc giả. Tiếp theo tận dụng lợi thế khả năng kể chuyện để tạo ra những nội dung giá trị, hấp dẫn xoay quanh sản phẩm, thay vì chỉ gắn link sản phẩm một cách cơ học. Cuối cùng, cần phải có bộ phận chuyên trách để kiểm tra, lựa chọn đối tác và sản phẩm một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng và sự phù hợp để bảo vệ thương hiệu của tờ báo.
"Nếu làm được điều này, tiếp thị liên kết không chỉ mang lại nguồn thu mới, giúp báo chí tự chủ về tài chính, mà còn là một cách để củng cố vai trò dẫn dắt, định hướng tiêu dùng một cách văn minh cho xã hội" - TS Sơn tin tưởng.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số (Bộ Công Thương), cho rằng bản chất tiếp thị liên kết là một hình thức quảng cáo, rất phù hợp để báo chí tận dụng lực lượng làm nội dung sẵn có.
"Nếu chọn lọc được sản phẩm chất lượng, đây sẽ là một nguồn thu thụ động tiềm năng cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, mọi hoạt động cần được thực hiện trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình. Sắp tới, khi Luật TMĐT có hiệu lực, KOL/KOC sẽ bị kiểm soát chặt hơn, điều này sẽ mở ra cơ hội rõ ràng hơn cho báo chí gia nhập cuộc chơi tiếp thị liên kết" - ông Tuấn đánh giá.
Còn theo ThS Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), đối với việc cơ quan báo chí tham gia tiếp thị liên kết, đây là vấn đề không mới nếu nhìn nhận như một sản phẩm quảng cáo. Trước đây, các báo cũng có đơn giá khi hiển thị website, số điện thoại của khách hàng đăng quảng cáo, nay gắn thêm "giỏ hàng", tạo sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi mua sắm.
"Tuy nhiên, khi báo chí gắn thêm giỏ hàng thì gắn thêm trách nhiệm, cần phải kiểm chứng sản phẩm bảo đảm về pháp lý cũng như chất lượng thực tế của sản phẩm để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc" - thạc sĩ Tú nhấn mạnh.
Song song đó, ông Nguyễn Tấn Phong cho rằng cơ quan báo chí cần công khai rõ ràng khi sử dụng nội dung tiếp thị liên kết. Cụ thể, nên ghi chú hoặc gắn nhãn các bài viết có liên kết bán hàng, ví dụ: "Bài viết này có chứa liên kết affiliate, chúng tôi có thể nhận hoa hồng nếu bạn thực hiện mua hàng thông qua liên kết". Đồng thời, cần phân biệt rạch ròi giữa nội dung biên tập (như tin tức, xã luận) và nội dung thương mại (như bài giới thiệu sản phẩm, đánh giá có gắn link tiếp thị).
Tuy nhiên, nguồn thu từ tiếp thị liên kết chỉ thực sự bền vững nếu được tích hợp như một phần trong chiến lược đa dạng hóa doanh thu tổng thể, thay vì trở thành trụ cột tài chính.
"Nếu biến mọi nội dung thành quảng cáo, báo chí sẽ dễ đánh mất độc giả. Khi đó, không chỉ nguồn thu từ tiếp thị liên kết mất đi, mà cả các nguồn thu khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, báo chí nên lưu tâm vấn đề này" - ông Phong cảnh báo.
Xây dựng "chợ" trên báo điện tử
Ông Nguyễn Tấn Phong gợi ý báo chí có thể xây dựng trang TMĐT riêng (E-commerce Marketplace). Trong đó, tạo một mục "Cửa hàng" hoặc "Chợ" trên báo, tuyển chọn và bán các sản phẩm phù hợp với nội dung và độc giả là "Người Lao Động" (ví dụ: bài viết về lối sống thì bán đồ trang trí nhà cửa, thực phẩm hữu cơ).
Ngoài ra, báo chí có thể tích hợp trực tiếp nút "Mua ngay" vào các bài viết, video review sản phẩm, cho phép độc giả mua hàng mà không cần rời trang báo. Bên cạnh đó, phối hợp với các nhãn hàng để sản xuất nội dung được tài trợ, nhưng cần ghi chú rõ ràng là "Nội dung được tài trợ bởi..." để bảo đảm tính minh bạch.
Nguồn: https://nld.com.vn/tiep-thi-lien-ket-de-tang-nguon-thu-196250724205330589.htm
Bình luận (0)