Mở rộng không gian, gia tăng thế mạnh
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM Lý Đại Nghĩa nhìn nhận: “Thể thao TPHCM từ lâu đã đóng vai trò đầu tàu trong cả nước, không chỉ bởi thành tích thi đấu vượt trội mà còn bởi sự năng động trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện. Tuy nhiên, thể thao thành phố vẫn còn những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển, đó là quỹ đất ngày càng eo hẹp, nhiều công trình, cơ sở vật chất đã xuống cấp và hệ thống phát hiện - đào tạo tài năng trẻ gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn lực kế cận. Hệ thống cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện của người dân và nhu cầu tập luyện nâng cao trình độ cho lực lượng vận động viên (VĐV) cũng là một vấn đề rất cần được quan tâm”.
Những điểm nghẽn ấy tưởng chừng rất lâu mới có thể giải quyết, thì nay sẽ có hướng ra. Tại Hội nghị thảo luận dự thảo đề án sắp xếp Sở VH-TT TPHCM và Sở VH-TT-DL 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, diễn ra trước thời điểm lịch sử 1-7, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận khẳng định: Không có tư duy sáp nhập đơn vị này vào đơn vị kia, mà là hợp nhất để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, bổ sung và bổ khuyết cho nhau, hình thành một siêu trung tâm văn hóa - thể thao hàng đầu quốc gia.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM Lý Đại Nghĩa cho rằng, sau sáp nhập giữa 3 địa phương, thể thao TPHCM sẽ hình thành một tam giác phát triển bền vững. TPHCM (cũ) sẽ là trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao, điều phối hệ thống đào tạo thể thao toàn thành phố, là nơi nghiên cứu khoa học thể thao và kiến tạo thị trường kinh tế thể thao thông minh.
Tỉnh Bình Dương (cũ) với tốc độ công nghiệp hóa nhanh và hệ thống khu đô thị vệ tinh, có lực lượng thanh thiếu niên đông đảo, được xem là “mỏ vàng” để tuyển chọn VĐV năng khiếu, từ đó đào tạo chuyên sâu để trở thành lớp kế thừa tài năng. Trong khi đó, với lợi thế biển xanh, khí hậu ôn hòa và cơ sở hạ tầng hiện đại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có tiềm năng lớn để tổ chức các giải đấu thể thao biển tầm cỡ, thu hút VĐV và du khách từ khắp nơi.
“Sự hợp nhất sẽ mang lại làn gió mới đối với ngành thể thao. Ở chuyên môn, chúng ta có sự giao thoa, bổ trợ giữa các huấn luyện viên, VĐV đẳng cấp, cùng nhau cọ xát tập luyện nâng cao thành tích. Về mặt cơ sở vật chất, TPHCM mới có thể tận dụng tối đa nguồn lực từ Bà Rịa - Vũng Tàu để nâng cao điều kiện tập luyện của các đội tuyển, có thể là những chuyến tập huấn dã ngoại ngay trong thành phố. Đây còn là điều kiện thuận lợi để TPHCM mới đăng cai tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ quốc gia, quốc tế sau này”, ông Phùng Nguyên Tường Minh, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở VH-TT-DL Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) chia sẻ.
Nhiều thành tích nổi bật
Tại SEA Games 32 năm 2023, TPHCM đã đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam dự đại hội với 179/1.003 thành viên, giành được 31 HCV, 24 HCB, 20 HCĐ. Trong khi đó, thể thao Bình Dương đã tham dự giải với 17 thành viên, đóng góp vào thành tích chung với 1 HCV, 2 HCB và 6 HCĐ. Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp 6 thành viên, góp công vào thành tích 2 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ.
Theo báo cáo công tác hoạt động chuyên môn của phòng TDTT (Sở VH-TT TPHCM), trong 6 tháng đầu năm 2025, thể thao TPHCM đã thực hiện công tác rà soát và tuyển sinh các đội thể thao trong năm với số lượng 2.850 huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV). Đơn vị đã cử hơn 300 lượt đội tuyển thể thao tham gia các giải thi đấu trong nước và quốc tế, đoạt tổng cộng 1.014 huy chương (361 HCV, 331 HCB, 322 HCĐ).
Trong khi đó, thể thao Bình Dương hiện đang đầu tư 29 môn thể thao, với 828 VĐV, 145 HLV, tham gia các giải thể thao quốc gia, quốc tế đoạt 454 huy chương. Đối với thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đăng cai 23 giải thể thao cấp quốc gia và tổ chức thành công giải vô địch vật U17 và U23 châu Á. Đơn vị đã cử 76 đội tuyển tham gia các giải đấu trong nước và quốc tế, đoạt tổng cộng 411 huy chương (107 HCV, 110 HCB, 194 HCĐ).
Hợp sức đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc
Việc hợp nhất các đơn vị thể thao không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là một bước tiến lớn trong chiến lược phát triển thể thao TPHCM, đảm bảo bộ máy vận hành hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân trải lòng: “2 năm trước, TPHCM được trao trọng trách đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10 vào năm 2026 với quy mô 12.000 VĐV. Nhưng hiện trạng lúc đó là lời cảnh tỉnh cho những người làm chuyên môn khi cơ sở vật chất thể thao đã xuống cấp, suốt hơn 20 năm không được tu bổ lớn, càng không có công trình mới”.
Cuộc chạy đua chuẩn bị cho đại hội bắt đầu, từ thủ tục đầu tư đến công tác thi công cơ sở vật chất đều được thúc đẩy mạnh mẽ. Tính đến nay, 4 công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đã động thổ gồm: Trung tâm TDTT Hoa Lư, Câu lạc bộ bơi lặn Phú Thọ, Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ. Riêng dự án xây mới Trung tâm đào tạo VĐV năng khiếu đặt tại Hoa Lư và dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động Thống Nhất dự kiến lần lượt triển khai trong quý 3 và 4-2025.
Cuộc đua ấy sẽ chẳng còn đơn độc khi thể thao TPHCM đã được tiếp thêm sức mạnh từ thể thao Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian qua, các đơn vị đã chủ động kết nối, phối hợp trong công tác sáp nhập ngành, đồng thời chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng là tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026, sự kiện thể thao lớn nhất Việt Nam có chu kỳ tổ chức 4 năm/lần.
Trưởng phòng Quản lý TDTT Phùng Nguyên Tường Minh cho hay, hàng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đăng cai khoảng 30 giải quốc gia từ nền tảng cơ sở vật chất hiện có, và đó cũng được xem là sự kiểm tra tất cả các điều kiện yêu cầu cho Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. Với thế mạnh về bãi biển và hệ thống khách sạn lưu trú, Bà Rịa - Vũng Tàu nhận trọng trách đăng cai 10 môn thể thao ở Đại hội Thể thao toàn quốc 2026.
Trong khi đó, Bình Dương (cũ) sẽ tổ chức 5 môn thi đấu chính thức tại đại hội: quyền Anh, Jujitsu, bi sắt, khiêu vũ thể thao và xe đạp. Đáng chú ý ở nội dung thi đấu xe đạp đường trường, với những cung đường đẹp, bảo đảm chất lượng và an toàn, trải dài qua nhiều khu vực: Bàu Bàng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên hay Thuận An, ban tổ chức đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe nhất cho các tay đua về tranh tài. Ngoài ra trong thời điểm 6 tháng cuối năm, nhà thi đấu môn bi sắt sẽ sớm được hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cao nhất của một giải tầm cỡ quốc gia.
“Đại hội Thể thao toàn quốc 2026 được kỳ vọng không chỉ là một sự kiện, mà còn là mở đầu của ngành thể thao TPHCM mới - nơi năng lực tổ chức, cơ sở vật chất và tinh thần chinh phục đều cùng bước lên một tầm cao mới”, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân:
Việc hình thành thành phố mới gồm TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thể thao thành phố sẽ có thêm nguồn lực, thêm thiết chế, thêm sức mạnh nội sinh. Đó sẽ là cú hích lớn để xây dựng một trung tâm thể thao hiện đại, giàu bản sắc, có sức lan tỏa toàn quốc.
Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Cao Văn Chóng:
Với việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng ta cần kế thừa, tích hợp có chọn lọc các chính sách hiệu quả từ 3 địa phương trước đây, hướng đến hình thành một hệ sinh thái cấp vùng có cấu trúc đa trung tâm, được vận hành theo tư duy hiện đại, thông suốt, khoa học, chuyên nghiệp. Lĩnh vực thể thao không đứng ngoài xu thế đó. Ngành thể thao TPHCM mới tiếp tục tiến lên, củng cố vị trí dẫn đầu cả nước, từ thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/them-nguon-luc-them-suc-manh-post802219.html
Bình luận (0)