ĐTO - Sau sáp nhập, xã Mỹ An Hưng huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp. Xã sẽ tập trung xây dựng, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn mang tính đồng bộ, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai áp dụng... Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, xã Mỹ An Hưng tập trung phát huy thế mạnh các diện tích trồng khoai môn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân
Phát huy nội lực nông nghiệp
Xã Mỹ An Hưng có tổng số 12.530 hộ với 54.810 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, xã Mỹ An Hưng đang tập trung phát huy các thế mạnh nông nghiệp. Trong đó, phát triển vùng màu (cây khoai môn có diện tích sản xuất khoảng 1.000ha/năm, cây bắp non có diện tích sản xuất khoảng 230ha, vùng cây ăn trái (trên 1.000ha xoài, mít, cam, nhãn...) theo hướng tập trung, an toàn, bền vững là nhiệm vụ quan trọng.
Hiện trên địa bàn xã có 4 hợp tác xã hoạt động ổn định bao gồm: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Tân Mỹ; HTX DVNN Mỹ An Hưng A; HTX DVNN Hội An Đông; Hợp tác xã Sản xuất giống tôm càng xanh Đồng Tháp. Đồng thời có 4 Hội quán sinh hoạt định kỳ gồm: Nhơn Tâm Hội quán; An Hưng Hội quán; Tân Hưng Hội quán; Tân Hoa Hội quán. Trong đó, nổi bật là HTX DVNN Mỹ An Hưng A tham gia thực hiện vùng sản xuất màu trọng điểm của tỉnh (126ha); HTX DVNN Hội An Đông thực hiện sản xuất khoai môn, kiệu, ớt theo hướng an toàn, đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...
Bà Lê Thanh Nga - nông dân ngụ xã Mỹ An Hưng sản xuất hơn 5 công khoai môn vụ thu đông theo hướng hạn chế sử dụng phân bón hóa học cho biết: “Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư, nông dân có thể chủ động nguồn nước tưới tiêu, kiểm soát lũ lụt, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, đảm bảo sản xuất ổn định”.
Ông Lê Minh Trung - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng cho biết: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác trên địa bàn xã đang phát triển, đặc biệt là các HTX nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị để tăng năng suất, sản lượng, nhất là khâu tiêu thụ và xây dựng thương hiệu hàng hóa, nhãn mác và giảm chi phí đầu vào. Các HTX còn linh hoạt mở thêm các dịch vụ mới phục vụ nhu cầu đời sống hộ thành viên, phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương”.
Nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp
Theo UBND xã Mỹ An Hưng, thời gian tới, để nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Cùng với đó, triển khai những nội dung cốt lõi của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện của xã đến các ban, ngành, đoàn thể xã, các ấp và Nhân dân với phương pháp và hình thức phù hợp.
Bên cạnh đó, xã tập trung đầu tư nạo vét thủy lợi kết hợp đường giao thông thành đê bao vững chắc đảm bảo cho vùng sản xuất chuyên canh đáp ứng yêu cầu phục vụ canh tác (tưới, tiêu, cơ giới hóa) và vận chuyển sản phẩm hàng hóa khi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp; huy động đối tác công - tư để phát triển giao thông nông thôn, hệ thống điện phục vụ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp; tăng cường công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật về quy trình sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; tập trung sản xuất theo quy trình an toàn, bền vững đối với các loại nông sản: xoài, cam, khoai môn, rau. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất sẽ chuyển giao các biện pháp quản lý sản xuất phù hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Phú Nhuận - Giám đốc HTX DVNN Hội An Đông cho biết: “Thời gian tới, để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, đơn vị ưu tiên sản xuất chế biến nông sản theo hướng an toàn cho sản phẩm kiệu, khoai môn, ớt. Trong đó, tập trung đầu tư thiết bị máy móc sản xuất, chế biến nông sản. Qua thời gian phấn đấu, sản phẩm dưa kiệu, khoai môn của đơn vị đạt chuẩn OCOP. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu thị trường cho nông sản; tập trung hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm...”.
Ông Lê Minh Trung - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng chia sẻ: “Địa phương sẽ tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết, tiêu thụ, chế biến nông sản về đầu tư thực hiện mô hình liên kết trên các loại nông sản như: lúa, bắp, khoai môn, cây ăn trái; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu nông sản lâu dài trên địa bàn và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn đến các thị trường trong và ngoài nước để tìm đầu ra ổn định. Hỗ trợ kinh phí để các HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tham gia các kỳ hội chợ, tham gia hội thi...
Khánh Phan
Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/tap-trung-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung-133232.aspx
Bình luận (0)