Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khóm Tân Phước - Cần chuyển mình trên hành trình mới

Báo Đồng ThápBáo Đồng Tháp26/07/2025

 

ĐTO - Từ vùng đất chua phèn, hoang hóa của Đồng Tháp Mười, nhờ đôi bàn tay chịu thương chịu khó của người dân Tân Phước (huyện Tân Phước cũ) cùng sự đồng hành của chính quyền địa phương, vùng chuyên canh khóm chất lượng dần hình thành và phát triển mạnh mẽ. Khóm Tân Phước, đặc biệt là giống khóm Queen - không chỉ làm nên tên tuổi của vùng nông nghiệp từng bị xem là “không thể canh tác”, mà còn góp phần nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.


Lãnh đạo xã Tân Phước 3 (bên phải) khảo sát vùng chuyên canh khóm của địa phương, lắng nghe những đề xuất của nông dân về việc phát triển bền vững cho cây khóm

Thủ phủ khóm Miền Tây

Khu vực huyện Tân Phước cũ, vùng rìa phía Đông của Đồng Tháp Mười, vốn nổi tiếng là nơi đất chua phèn nặng, cây trồng khó thích nghi. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì khai hoang, cải tạo và bám đất của người dân, đặc biệt là tại xã Tân Phước 3 dần hình thành vùng chuyên canh khóm rộng lớn, được xem là “thủ phủ khóm” của tỉnh. Đây là minh chứng rõ nét cho ý chí kiên cường và khả năng biến khó khăn thành cơ hội của những người nông dân chân chất.

Ông Hồ Văn Huy - Bí thư chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Tân Hòa, xã Tân Phước 3, người đã chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất này, nhớ lại: “Khoảng 30 năm trước, đất ở đây nhiễm phèn nặng lắm, dưới ao nước phèn trong veo, còn có thể thấy được cá lội từng đàn. Hầu như không trồng được cây gì hết. Nhưng nhờ sự chịu thương chịu khó và sự đồng hành của chính quyền, nông dân bắt đầu thử nghiệm nhiều loại cây, cuối cùng chỉ có cây khóm là phát triển thuận lợi”.

Từ đó, vùng đất tưởng chừng như “khó” này lại hóa thành nơi phù hợp nhất với giống khóm Queen có hương thơm đậm, ngọt thanh, ít xơ, vỏ mỏng, rất được thị trường ưa chuộng. Cây khóm trở thành cứu cánh kinh tế, là bệ phóng, giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo có cuộc sống ổn định, khá giả. Thương hiệu khóm Tân Phước dần được định hình, mang theo câu chuyện về sự cần cù và bền bỉ của người dân nơi đây.

Thách thức mới trên hành trình cũ

Thế nhưng, việc gắn bó lâu dài với cây khóm của nông dân không còn dễ dàng như trước. Mặc dù cây khóm đã mang lại cuộc sống ấm no, nhưng những thách thức mới đang dần hiện hữu, đòi hỏi người nông dân và chính quyền phải có những giải pháp kịp thời và hiệu quả.

Theo ông Hồ Văn Huy, cây khóm đang đối mặt với nguy cơ thoái hóa giống và sâu bệnh ngày càng phức tạp “Do canh tác liên tục nhiều năm, giống khóm bị thoái hóa, năng suất giảm. Khoảng 2 - 3 năm là nông dân phải cải tạo lại đất trồng, chứ không thể canh tác liên tục như trước được. Theo đó, chi phí trồng mới lại khá cao từ cây giống, phân bón đến nhân công trong khi giá bán thiếu ổn định, nên không phải nông dân nào cũng đủ vốn để tái đầu tư. Đặc biệt, tình trạng thiếu lao động ở vùng nông thôn cũng là rào cản lớn trong việc duy trì sản xuất lâu dài. Đây là những trăn trở thường trực của bà con, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.

Ông Ngô Văn Biềng ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Phước 3 - nông dân gắn bó gần 30 năm với cây khóm, chia sẻ: “Cây khóm đã giúp tôi và nhiều hộ ở đây có cuộc sống ổn định. Điều mong mỏi lớn nhất của nhiều nông dân ở đây là có thị trường tiêu thụ ổn định. Nếu có hợp tác xã đủ mạnh, liên kết với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thì nông dân an tâm sản xuất hơn. Chúng tôi rất mong có doanh nghiệp đủ năng lực đứng ra tổ chức sản xuất lớn, tạo đầu ra ổn định để bà con gia tăng giá trị cho trái khóm, không chỉ bán trái tươi mà còn đa dạng hóa sản phẩm”.


Thu hoạch khóm ở vùng chuyên canh khóm Tân Phước 3 (Ảnh: Duy Hải)

Cần có chuỗi liên kết bền vững

Theo UBND xã Tân Phước 3, hiện toàn xã có hơn 8.000ha, trong đó 6.487 ha là đất nông nghiệp và riêng khóm chiếm tới 2.833ha. Giống khóm chủ yếu là Queen, năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha, giá bán dao động 7.500 - 8.000 đồng/kg. Phần lớn sản lượng khóm vẫn tiêu thụ qua kênh truyền thống như: thương lái và tại các chợ đầu mối. Hiện các hợp tác xã, doanh nghiệp có liên kết tiêu thụ khóm cho nông dân nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng khóm của vùng. Vì vậy, vào mùa thu hoạch rộ vẫn còn xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, một nỗi lo thường trực của bà con nông dân. Việc thiếu vắng chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ khiến trái khóm Tân Phước chưa phát huy hết giá trị, tiềm năng.

Điểm sáng đáng ghi nhận tại địa phương là việc bước đầu nông dân khai thác tiềm năng chế biến từ khóm để gia tăng giá trị. Đây là một hướng đi mới, mở ra “cánh cửa” cho sự phát triển bền vững hơn. Chị Phạm Thị Bích Ngọc - đại diện Cơ sở Sản xuất Kẹo khóm Tân Phước (ấp Mỹ Lợi, xã Tân Phước 3), một trong những người tiên phong khởi nghiệp từ loại đặc sản của quê hương cho biết: “Lúc đầu, tôi chỉ thử làm kẹo khóm từ khóm loại 2, loại 3 lúc thu hoạch rộ, do khóm nhiều quá, bán rẻ cũng tiếc. Không ngờ kẹo làm ra được hàng xóm ủng hộ nên tôi mạnh dạn sản xuất chuyên nghiệp hơn để bán ra thị trường”.


Kẹo khóm của Cơ sở Sản xuất Kẹo khóm Tân Phước được thị trường yêu thích bởi hương vị đặc trưng

Từ sản phẩm thủ công đơn giản, đến nay, cơ sở của chị Bích Ngọc đã phát triển nhiều dòng sản phẩm mới như: kẹo khóm gừng, kẹo khóm muối ớt và đang có dự định phát triển thêm một số dòng bánh ngọt có nhân bánh được chế biến từ mứt khóm đặc sản quê nhà. Nhờ hương vị đậm đà đặc trưng của khóm Tân Phước, các sản phẩm kẹo của cơ sở nhanh chóng được ưa chuộng và đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Kẹo khóm hiện tiêu thụ rộng khắp trong nước, góp phần quảng bá hình ảnh ngành hàng khóm và đặc biệt là giải quyết đầu ra cho khóm loại thấp, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại khi được mùa.

Chính quyền xã Tân Phước 3 đã và đang định hướng phát triển cây khóm theo hướng bài bản và bền vững hơn. Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Tân Phước 3 cho biết, cây khóm ở Tân Phước có nhiều lợi thế để phát triển như: đất đai phù hợp, khí hậu ôn hòa, nông dân có nhiều kinh nghiệm canh tác và diện tích sản xuất lớn tạo ra sản lượng ổn định là những nền tảng quan trọng để nông sản của địa phương được kết nối với các thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, nhìn lại chuỗi ngành hàng khóm của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Để phát huy hết tiềm năng của cây khóm, trong thời gian tới, địa phương định hướng đẩy mạnh phát triển ngành hàng khóm theo hướng an toàn, hữu cơ, phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.


Giống khóm Queen thơm đậm, ngọt thanh, ít xơ, vỏ mỏng của vùng đất Tân Phước 3 được thị trường ưa chuộng

Song song đó, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn đầu tư mạnh vào các khâu như: phát triển nguồn cây giống sạch bệnh, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất khóm giảm giá thành và xây dựng chuỗi liên kết nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà khoa học. Đây là mô hình “4 nhà” đã được chứng minh hiệu quả trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác và nay cần được áp dụng mạnh mẽ cho cây khóm Tân Phước. Ngoài ra, địa phương cũng khuyến khích nông dân chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng, tạo ra những sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn từ trái khóm; phát triển mã số vùng trồng, yếu tố bắt buộc nếu muốn xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn và khó tính...

Để sản phẩm khóm Tân Phước chinh phục thị trường quốc tế, ngoài sự cần mẫn và kinh nghiệm của người nông dân, rất cần một chiến lược bài bản và đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Trong đó, hợp tác xã - với vai trò kết nối nông dân và doanh nghiệp, nâng cao sức mạnh tập thể và đảm bảo quyền lợi cho nông dân cần được củng cố và phát huy, đưa khóm Tân Phước vươn mình trên hành trình mới.

Mỹ Lý

Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/khom-tan-phuoc-can-chuyen-minh-tren-hanh-trinh-moi-133204.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm