Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để OCOP không ngừng nghỉ

- Những năm qua, việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính, ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện giải pháp nhằm đảm bảo chương trình OCOP không bị gián đoạn.

Báo Lạng SơnBáo Lạng Sơn28/07/2025



Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (đứng giữa) kiểm tra nhà máy chế biến dầu sở Xứ Lạng (OCOP 3 sao)  của Công ty TNHH MTV Oceanline

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (đứng giữa) kiểm tra nhà máy chế biến dầu sở Xứ Lạng (OCOP 3 sao) của Công ty TNHH MTV Oceanline


Theo quy định trước đây, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 3 cấp gồm: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Trong đó, tại cấp huyện sẽ tiến hành đánh giá, phân hạng và ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao; các sản phẩm có điểm đạt từ 70 đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) sẽ được trình lên UBND tỉnh để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP; các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm sẽ được trình lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (từ 1/7/2025), việc thực hiện chương trình OCOP cũng bị ảnh hưởng do không còn đơn vị hành chính cấp huyện. Ngày 6/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại sản phẩm chương trình OCOP (Quyết định 1489). Trong đó, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 2 cấp: cấp tỉnh và cấp trung ương.

Để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình, bám sát quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai các công việc cụ thể. Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Hiện nay, thực hiện Quyết định số 1489 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, chuyển thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện (cũ) lên cấp tỉnh, giữa tháng 7/2025, sở đã xây dựng dự thảo quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP và đã trình UBND tỉnh để xem xét, phê duyệt. Đồng thời, sở tiếp tục hướng dẫn UBND các xã, phường rà soát lại các hồ sơ sản phẩm OCOP, chuyển cấp tỉnh để thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Từ đó, không để gián đoạn việc thực hiện chương trình, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, phòng chuyên môn phụ trách chương trình OCOP đã chủ động triển khai các nhiệm vụ. Theo ông Phạm Tuyến, Trưởng phòng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường, dựa trên kế hoạch đăng ký phát triển sản phẩm OCOP và hỗ trợ sản phẩm OCOP từ đầu năm 2025, phòng đã rà soát, tìm, liên hệ các đơn vị tư vấn đang làm việc với các chủ thể để thống nhất các nội dung, hỗ trợ như: tem nhãn, bao bì…. để triển khai các chương trình hỗ trợ OCOP trong năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, đơn vị sẽ hỗ trợ tem, nhãn, bao bì cho khoảng 20 sản phẩm OCOP. 

Cùng với đó, ngày 12/7/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 2550/SNNMT-CLCB về việc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm và chương trình OCOP trên địa bàn các xã, phường, trong đó, đã bố trí công chức phụ trách theo dõi, triển khai thực hiện chương trình OCOP để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình.

Tại các xã sau sáp nhập, chương trình OCOP cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Ông Hoàng Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Khê cho biết: Hiện nay, xã đã phân công cán bộ phụ trách chương trình OCOP, thực hiện thống kê, rà soát lại các sản phẩm và hồ sơ sản phẩm. Đồng thời, dự kiến lựa chọn sản phẩm trám đen, hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ trình cấp tỉnh xem xét để đánh giá, phân hạng.

Theo số liệu của ngành chuyên môn, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh có 30 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP (vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra), nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 159 sản phẩm (sản phẩm còn thời hạn theo quy định). Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, việc có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn góp phần quan trọng trong thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Với sự chủ động, linh hoạt của các cấp, ngành, chương trình OCOP được thực hiện xuyên suốt, không bị gián đoạn trong bối cảnh sáp nhập. Qua đó, giúp các các xã có thêm điều kiện hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.


Nguồn: https://baolangson.vn/ocop-khong-trung-nhip-5053991.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm