Thư viện tỉnh hiện đang sử dụng các phần mềm quản lý thư viện AZLIB và zLIS, cùng với đó là các trang thông tin điện tử, hệ thống máy chủ ảo Hyper-V, hệ thống giám sát mạng NtopNG, hệ thống Adguard chặn các truy cập độc hại… Hệ thống máy tính dùng cho bạn đọc tra cứu tài nguyên thông tin, truy cập internet công cộng hoạt động tốt. Tiếp tục thực hiện quy trình số hóa tài liệu, cập nhật các bản xem trước cho tài liệu số, hằng năm, Thư viện tỉnh thực hiện số hóa trên 300 tên sách; tạo các bộ sưu tập số về văn hóa Chăm, văn hóa Raglai; ứng dụng tạo mã QR cho các bộ sưu tập nhằm phục vụ trưng bày lưu động cũng như chia sẻ tài liệu số thuận tiện cho bạn đọc. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh cũng đổi mới công tác giới thiệu sách, báo, tài liệu qua việc sử dụng các ứng dụng Canva, Vbee để tạo nên các slide, video clip phục vụ sự kiện trên trang web của đơn vị. Thư viện tỉnh có 2 viên chức chuyên trách và 2 viên chức kiêm nhiệm thực hiện công tác chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Hầu hết viên chức của đơn vị đều sử dụng thành thạo các phần mềm công vụ, phần mềm chuyên dùng và thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc hằng ngày.
Người dân được hướng dẫn sử dụng ứng dụng ngân hàng số tại một sự kiện công nghệ diễn ra trên địa bàn tỉnh. |
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, thời gian qua, sở đã tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh đến toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức của ngành như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành E-Office; hệ thống mail công vụ; phần mềm nhắc việc; hệ thống thông tin báo cáo tỉnh; phần mềm hành chính công trực tuyến… Cùng với đó là các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Phần mềm quản lý phương tiện quảng cáo ngoài trời; ngân hàng tên đường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu bài chòi; phần mềm số hóa bản đồ di tích trên địa bàn tỉnh… Hiện có 100% phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở triển khai sử dụng hệ thống E-Office để gửi - nhận văn bản dưới dạng điện tử, có áp dụng chữ ký số. Qua đó, góp phần xây dựng mô hình cơ quan “không giấy tờ”; 100% công chức, viên chức được cấp tài khoản truy cập sử dụng hệ thống E-Office có tích hợp bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công việc (KPI). Đến nay, có 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện số hóa theo quy định…
Điểm qua một số kết quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành văn hóa - một trong những ngành có nhiều điểm đặc thù tưởng chừng như rất khó lượng hóa bằng các phần mềm máy móc, vậy nhưng, với nỗ lực, quyết tâm chung của toàn ngành, công tác chuyển đổi số đã mang đến những tín hiệu tích cực. Điều này càng thực sự sôi nổi ngay sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Quốc Hoàn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm huy động nguồn lực xã hội, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác phổ cập kỹ năng số, kiến thức và kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Mục tiêu của UBND tỉnh đặt ra đối với thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, trong năm 2025, có 85% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng số, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để học tập, nghiên cứu; 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng được các thiết bị thông minh; 85% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng sử dụng các thiết bị thông minh… Đến năm 2026, các chỉ số trên đều phải đạt được tỷ lệ 100%. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyển đổi số; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phổ cập kỹ năng số; tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số; lồng ghép phong trào “Bình dân học vụ số” với các đề án, chương trình đã và đang triển khai… “Theo sự phân công nhiệm vụ của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của bản kế hoạch. Trong đó, sở sẽ phối hợp với các hội, hiệp hội công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số triển khai việc hỗ trợ hạ tầng số và nguồn lực về con người, tài chính; tham gia phát triển đa dạng các nền tảng số phục vụ chính quyền, người dân; xây dựng các khóa học trực tuyến, trực tiếp cho các nhóm đối tượng phù hợp; hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân sử dụng các dịch vụ, công nghệ số”- ông Phạm Quốc Hoàn cho biết.
GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-so/202507/tang-cuong-pho-cap-su-dung-ung-dung-so-dich-vu-so-e1e5906/
Bình luận (0)