Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar

Mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã tham dự Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa. Chia sẻ với Báo và Phát thanh, Truyền hình Khánh Hòa, ông cho biết:

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa16/07/2025

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội.

- Bản thân tôi rất vinh dự khi được tham dự buổi lễ vinh danh các di tích, di sản nổi tiếng của Khánh Hòa. Trong đó, di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar là một biểu tượng thiêng liêng đã tồn tại hơn 12 thế kỷ qua, là minh chứng sống động cho một nền văn hóa truyền thống rực rỡ. Tháp Bà Pô Nagar là di tích kiến trúc tôn giáo độc đáo và còn là nơi kết nối cộng đồng, lưu giữ những tập tục, nghi lễ, giá trị văn hóa dân gian đặc sắc. Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar được tổ chức hằng năm thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân, khách thập phương.

- Theo ông, việc di tích Tháp Bà Pô Nagar được nâng tầm thành di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích? Và tỉnh Khánh Hòa cần làm gì để khai thác được giá trị của di tích một cách hiệu quả trong thời gian tới?

- Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Tháp Bà Pô Nagar là di tích quốc gia đặc biệt vừa là một vinh dự lớn, vừa là sự ghi nhận xứng đáng đối với những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và tâm linh của di tích. Niềm tự hào này không chỉ của người dân Khánh Hòa mà còn của toàn thể nhân dân trong cả nước. Đối với những người luôn trân quý di sản của cha ông để lại, chúng ta vui mừng khi di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar nhận được sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân địa phương, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, để có thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn việc phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar một cách bền vững, gắn với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường và đời sống văn hóa của nhân dân. Từ đó, phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar theo hướng văn minh, an toàn và tôn trọng sự đa dạng của bản sắc văn hóa trong cộng đồng, để di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar mãi là ngọn lửa thiêng soi sáng truyền thống và cầu nối tâm linh, điểm đến văn hóa đặc sắc của mỗi người Việt Nam, cũng như bạn bè thế giới.

Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.
Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội sẽ luôn đồng hành với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các địa phương; chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách về văn hóa phù hợp với đặc thù văn hóa nghệ thuật đất nước trong bối cảnh mới nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa quốc gia. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát để thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, các chương trình bảo tồn để những giá trị di sản không chỉ được gìn giữ, bảo tồn mà còn trở thành nguồn lực tinh thần, vật chất quý giá phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.

- Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng và có giá trị to lớn đối với đời sống nhân dân. Vậy, theo ông địa phương cần phải làm gì để vừa bảo tồn, vừa phát huy tốt các giá trị của hệ thống di tích, di sản văn hóa trên địa bàn?

- Tỉnh Khánh Hòa hiện có dư địa rất lớn, nguồn tài nguyên dồi dào về văn hóa, trong đó bao gồm đầy đủ các di tích, di sản văn hóa về văn hóa biển, văn hóa miền núi, văn hóa đồng bằng. Chính vì thế, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để bảo tồn, phát huy, khai thác và biến thành kinh tế du lịch, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực đóng góp vào sự tăng trưởng chung của địa phương. Muốn làm được vậy, trước hết tỉnh cần đẩy mạnh để tạo ra những thương hiệu văn hóa mang tính đặc trưng riêng có. Chẳng hạn, sau khi di tích Tháp Bà Pô Nagar được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh cần tiếp tục có những đề xuất để vinh danh những giá trị tinh thần có liên quan đến di tích nhằm góp phần để thế giới biết nhiều hơn về di sản văn hóa tồn tại trên vùng đất này. Song song đó, tỉnh cũng cần tạo ra các dịch vụ, sản phẩm văn hóa đi kèm, nhất là hình thành được thói quen làm du lịch từ cộng đồng, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, mỗi người dân là một người làm du lịch. Để làm sao du khách khi tìm hiểu thông tin về Khánh Hòa không chỉ là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, mà nơi đây còn hấp dẫn du khách ở góc độ là một vùng đất với bề dày văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc.

- Xin cảm ơn ông!

GIANG ĐÌNH (Thực hiện)

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/phat-trien-du-lich-van-hoa-tam-linh-gan-voi-di-tich-quoc-gia-dac-biet-thap-ba-po-nagar-d485cfb/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm