Bắt đầu từ những thân quen
Nhanh nhạy với xu hướng làm việc và công nghệ mới, một bộ phận bạn trẻ bắt đầu công việc sáng tạo nội dung từ những câu chuyện mộc mạc, như: cơm nhà ngày giỗ, đi lễ Kỳ yên, làng nghề đặc sản…
Bạn trẻ Huỳnh Xuân Huỳnh tìm về dòng gốm Lái Thiêu truyền thống Nam bộ xưa
Hơn 3 năm xây dựng kênh truyền thông cá nhân nhưng bắt đầu nhận tiền hoa hồng quảng cáo khoảng nửa năm gần đây, Đỗ Tình (sinh năm 1993, quê An Giang) chia sẻ: “Tôi có công việc nhân viên kinh doanh, nhưng vẫn thích xây kênh và kể chuyện nhà, chuyện quê mình. Bởi có những điều mình thấy thân quen, nhưng đó là bản sắc riêng của quê, nếu mình không kể và chia sẻ với mọi người, khi thế hệ ông bà, cha mẹ mình qua đi, những điều tốt đẹp ấy cũng dễ mai một…”.
Cũng bắt đầu hành trình trưởng thành bằng điều thân thuộc nơi quê nhà, với gần 5 năm sản phẩm mì ngô (bắp) không biến đổi gen có mặt trên thị trường, thì cũng là chừng ấy thời gian chị em Hoàng Phượng (29 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã Vietnam Napro, tỉnh Lạng Sơn) bền bỉ làm việc và giữ gìn giống ngô bản địa. Cây ngô là tài sản gắn bó với gia đình, nuôi chị em Phượng ăn học - trở thành nguồn nguyên liệu chính để bắt đầu giấc mơ xuất khẩu nông sản Việt của cô gái trẻ. “Giống ngô này được nhà tôi trồng hơn 20 năm rồi, và đây là giống ngô bản địa, không biến đổi gen. Chúng tôi đã nghiên cứu, sản xuất ra mì ngô không có gluten - dạng thực phẩm đang được nhiều người ưa chuộng”, Phượng cho biết.
Sản phẩm ổn định, thị trường đón nhận, từ hợp tác xã phát triển giống ngô bản địa, Hồng Phượng bắt đầu gây dựng quỹ “Tô mì yêu thương”, bởi giá trị bền vững luôn cần một hành trình song song trao đi và nhận lại. Quỹ được trích từ lợi nhuận của Vietnam Napro với hoạt động chính là trồng cây để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan cho địa phương và trao tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó.
Cơ hội từ đô thị hóa
Ngược dòng với những lựa chọn quen thuộc của thế hệ trẻ hiện nay, Huỳnh Xuân Huỳnh (sinh năm 1998, Giám đốc Công ty TNHH Nắng Ceramics, TPHCM) dù sinh ra và lớn lên ở An Giang, nhưng vẫn nặng lòng tìm về dòng gốm Lái Thiêu mộc mạc, gắn bó bao đời với người dân Nam bộ. Xuân Huỳnh chia sẻ: “Ở thành phố, tôi thấy nhiều người, nhất là các bạn trẻ hay sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, hoặc chén sứ, chén kiểu bóng bẩy nhưng không mấy an toàn cho sức khỏe người dùng. Tôi nhớ đến tuổi thơ, gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở quê tôi, thường sử dụng chén, dĩa từ gốm Lái Thiêu - quê tôi quen gọi là đồ sành, không sắc sảo nhưng rất bền và an toàn. Thế là tôi mày mò tìm đến các lò chén ở Lái Thiêu, mua cho mình những vật dụng đã quen thuộc và bắt đầu kết nối các cô chú làng nghề”.
Làng nghề xưa cũng mai một dần trong nhịp sống đô thị hóa, nhưng với người trẻ thử thách cũng chính là cơ hội với những cách thức bắt đầu mới. Liên lạc và thuyết phục các lò chén với những đơn hàng nhỏ, Xuân Huỳnh tiếp cận khách hàng qua việc giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, các hội chợ dành cho người trẻ. Dòng gốm xưa trở lại trong một diện mạo mới, một phương thức truyền thông bắt kịp các xu hướng mới mẻ, trẻ trung, tệp khách hàng cũng dần lớn hơn…
“Nếu nói tốc độ đô thị hóa nhanh, làm mai một nhiều lò chén thì cũng không sai, các nghệ nhân lâu đời còn theo nghề cũng không nhiều. Nhưng cũng chính trong cái nhanh của tốc độ đô thị hóa đó, các lò chén còn lại cần tiếp cận nhiều hơn với thị trường bên ngoài, và họ cũng bắt đầu thay đổi để phù hợp. Và khi hiểu chất lượng và giá trị của sản phẩm mình làm ra hơn hẳn các loại chén sứ giá rẻ, kém chất lượng từ bên ngoài, mọi người càng tự tin để vực dậy sản phẩm truyền thống, như một di sản từ quê nhà bao đời nay”, Xuân Huỳnh bày tỏ.
Ngoài những sản phẩm gốm Lái Thiêu truyền thống, hiện tại Xuân Huỳnh cũng kết hợp tổ chức các chuyến tham quan và trải nghiệm làng nghề Nam bộ cho du khách. “Nếu mình không làm, không kể và không để khách trải nghiệm thì làm sao người ta biết quê mình cũng có những làng nghề chất lượng, những sản phẩm đã được cải tiến với các hoa văn, kiểu dáng mới mẻ và nhất là dùng bền và an toàn cho sức khỏe như thế nào…”, Xuân Huỳnh chia sẻ.
HỒNG DƯƠNG
Nguồn:https://www.sggp.org.vn/truong-thanh-cung-di-san-que-nha-post803909.html
Bình luận (0)