Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tái bản cuốn sách “Kinh tế Việt Nam-Thăng trầm và đột phá” của hai tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng.
Theo thông tin từ nhà xuất bản, cuốn sách ra mắt lần đầu vào năm 2009, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn căng thẳng nhất và được đông đảo đối tượng độc giả đón nhận.
Lần xuất bản thứ ba này không chỉ khẳng định giá trị lâu bền của tác phẩm, mà còn để bạn đọc hôm nay tiếp cận một khối lượng tri thức phong phú về kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ với bối cảnh kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong hơn 20 năm đầu từ khi tiến hành đổi mới.
“Kinh tế Việt Nam-Thăng trầm và đột phá” gồm 13 chương, được chia thành ba phần. Trong phần “Thăng trầm,” các tác giả đưa người đọc ngược dòng lịch sử để soi chiếu những giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động, từ nền kinh tế thuộc địa sang nền kinh tế độc lập, từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, từ một quốc gia kinh tế kém phát triển đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao.
Đến phần “Đột phá,” cuốn sách giúp bạn đọc thấy rõ sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy kinh tế ở Việt Nam, từ thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đến đổi mới thể chế ngân hàng và sự phát triển hệ thống thị trường tài chính (vàng, ngoại tệ, chứng khoán), thị trường bất động sản.
Chiều sâu của cuốn sách thể hiện ở phần “Vấn đề và hiện tượng” khi các tác giả đặt ra những câu hỏi mang tính lý luận nhưng cũng có tính thực tiễn cao: Làm sao để hạn chế bong bóng tài sản? Chính phủ nên can thiệp ở mức nào trong thị trường tài chính? Sức mạnh của thị trường có thể song hành với vai trò quản lý nhà nước đến đâu? Những hiện tượng như “hành vi bầy đàn” trong thị trường vàng, tình trạng dollar hóa nền kinh tế hay rủi ro tín dụng ngân hàng… được lý giải không chỉ bằng số liệu mà còn qua phân tích các mô hình kinh tế và so sánh quốc tế.
Một điểm nổi bật của công trình này là việc đặt tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ với những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Các biến động của thị trường tài chính quốc tế, xu thế toàn cầu hóa, dòng vốn ngoại, giá vàng, tỷ giá USD Mỹ, thị trường bất động sản và đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính 2008, được các tác giả phân tích kỹ lưỡng trong mối liên hệ hữu cơ với nền kinh tế Việt Nam.

Nhờ vậy mà bạn đọc hiểu được rõ hơn những yếu tố ngoại sinh có tác động lớn đến kinh tế trong nước như thế nào, đồng thời nhận diện rõ hơn vai trò của điều hành vĩ mô, sự can thiệp của Chính phủ như thông qua chính sách tiền tệ, và năng lực của thị trường trong đối phó với khủng hoảng.
Với khoảng 500 trang nội dung chính, cuốn sách là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm dữ liệu và phân tích thực tiễn. Các tác giả không đơn thuần tái hiện lịch sử kinh tế mà còn phản biện lại những quan điểm, phương thức phát triển kinh tế chưa hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thúc đẩy các yếu tố nội lực để đưa Việt Nam hội nhập hiệu quả hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Cuốn sách là một trong số ít công trình kết hợp được tư duy phản biện khoa học với tinh thần xây dựng và trách nhiệm, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc từ cán bộ hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế đến sinh viên, doanh nhân và những người quan tâm đến vận mệnh phát triển đất nước.
Đặc biệt, hệ thống tra cứu ở cuối sách, cùng các bảng biểu, số liệu và hình ảnh minh họa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham khảo và nghiên cứu chuyên sâu./.
Tác giả Phạm Minh Chính hiện là Thủ tướng Chính phủ. Ông viết cuốn sách này khi còn là Thứ trưởng Bộ Công an.
Tiến sỹ Vương Quân Hoàng hiện nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành tại Đại học Phenikaa (Hà Nội) và Giáo sư nghiên cứu của Korea University (Seoul, Hàn Quốc). Thành viên Hội đồng khoa học Kinh tế NAFOSTED, 2019-2024. Ở thời điểm năm 2009, ông là nghiên cứu viên của Centre Emile Bernheim, thuộc Université Libre de Bruxelles (Bruxelles, Vương Quốc Bỉ).
Sau khi xuất bản, cuốn sách được lưu trữ ở nhiều thư viện lớn trên thế giới như Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Quốc gia Anh Quốc, Thư viện Quốc gia Australia, Đại học Havard, Đại học Cornel, Đại học Michigan…
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tai-ban-sach-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-goc-nhin-sau-sac-ve-kinh-te-viet-nam-post1048993.vnp
Bình luận (0)