.jpg)
Ông Huỳnh Cảnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, từ ngày 1/7/2025, châu Âu yêu cầu việc cấp chứng thư phải do cơ quan nhà nước cấp, thay vì doanh nghiệp tự kiểm định hay thông qua các bên thứ ba. Đây chính là nút thắt cản trở thủ tục xuất ngoại của thanh long GlobalGAP Lâm đồng nói riêng và một số loại nông sản khác như đậu bắp, ớt của Việt Nam. Do đó, hàng trăm tấn thanh long của nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu tại Lâm Đồng phải tồn đọng trong kho. Thực tế này khiến nhà vườn có nguy cơ nguy cơ thua lỗ nặngnếu không được giải quyết thủ tục kịp thời.

Thực tế ấy đang diễn ra tại trang trại thanh long GlobalGAP của anh Trần Quốc Thắng, xã Hàm Thuận Nam, tỉnh Lâm Đồng. Đó là với 36 ha thanh long GlobalGAP đang thời kỳ thu hoạch. Thông thường, sản lượng sau thu hoạch sẽ được tiêu thụ đều đặn sang thị trường châu Âu thông qua doanh nghiệp xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng bất ngờtừ ngày 1/7, vớikhoảng 50 tấn thanh long đã thu hoạch, nhưng doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lại không thực hiện giao dịch. Buộc lòng, anh phải bảo quản số lượng lớn này trong kho, song thời gian bảo quản thanh long chỉ khoảng 15 ngày, nếu không sẽ hư hỏng và mất trắng. Tình hình càng thêm khó khăn khi trang trại của anh Thắng còn khoảng 30 tấn thanh long dự kiến thu hoạch trong thời gian tới. Đặc biệt, thanh long xuất khẩu sang châu Âu yêu cầu trọng lượng nhỏ (khoảng 10 quả/3 kg), nên rất khó bán cho các thị trường khác, càng khiến việc tiêu thụ nội địa trở nên khó khăn hơn. Cùng chung khó khăn với anh Thắng, trang trại thanh long Sơn Trà cùng địa bàn cũng đang tồn 30 tấn thanh long từ đầu tháng 7/2025 để xuất đi châu Âu nhưng đến nay vẫn còn tồn kho, chưa kể hàng chục tấn thanh long chuẩn bị cho thu hoạch những ngày tới.

Hiệp hội Thanh long Bình Thuậncho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 26.000 ha thanh long, trong đó trên 453 ha thanh long GlobalGAP. Đáng nói, thanh longGlobalGAP xuất khẩu sang châu có giá rất cao, từ 18.000 (ruột trắng) đến 28.000 đồng/kg (ruột đỏ). Thời gian trước đây, các doanh nghiệp chỉ cần kiểm tra hàng hóa không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là có thể được cấp chứng thư để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.Xuất phát từ bất cập này, đến thời điểm này, sau hơn nửa tháng ứ đọng nông sản sau thu hoạch, các nhà vườn, doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn, nguy cơ thua lỗ cả tỷ đồng.
Trước thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận kiến nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tìm ra nguyên nhân cụ thể của yêu cầu mới từ châu Âu. Qua đó, có giải pháp cấp bách để thiết lập quy trình cấp chứng thư bởi nhà nước.
Hiện nay, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, đậu bắp, ớt qua thị trường châu Âu và việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu đúng quy định, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành quy định hồ sơ, thủ tục, cấp giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu nước nhập khẩu (Giấy chứng nhận theo yêu cầu của EU) để cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ có căn cứ pháp lý thực hiện. Trong thời gian chờ Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành quy định thành phần hồ sơ và hướng dẫn chi tiết cho việc cấp giấy chứng nhận theo mẫu yêu cầu của nước nhập khẩu, Sở An toàn thực phẩm sẽ thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vậy xuất khẩu theo quy định. Về phía nhà vườn, doanh nghiệp rất mong được các cấp liên quan sớm gỡ nút thắt “thủ tục xuất ngoại” cho thanh long đi châu Âu để tránh thiệt hại về kinh tế và thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung và thanh long Lâm Đồng nói riêng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/som-go-nut-that-thu-tuc-xuat-ngoai-cho-thanh-long-di-chau-au-382608.html
Bình luận (0)