Theo báo Tin tức Việt Nam, những ngày đầu tháng 7/2025 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, không khí xuất, nhập cảnh diễn ra nhộn nhịp từ 7 giờ đến 20 giờ hằng ngày. Mặc dù lưu lượng hành khách đông, song không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy; người dân xếp hàng đúng luồng, trật tự theo hướng dẫn của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Theo Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt hành khách thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh. Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã giải quyết thủ tục cho hơn 1,24 triệu lượt người, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu đạt trên 430.000 lượt người (tăng 5,8%), còn xuất, nhập cảnh bằng giấy thông hành đạt trên 810.000 lượt người (tăng 22,5%). Hành khách chủ yếu là công dân Trung Quốc và Việt Nam với mục đích thăm thân, du lịch, công tác.
Hành khách xếp hàng làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) theo quy định. Ảnh: TTXVN. |
Đặc biệt, từ tháng 4/2025, tuyến du lịch “hai ngày, một đêm” giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Bằng Tường (Trung Quốc) chính thức được mở theo giấy thông hành, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Chính quyền nhân dân thị Bằng Tường tổ chức. Tuyến du lịch này đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm, khám phá văn hóa vùng biên.
Thiếu tá Trịnh Văn Bác, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, quy trình kiểm soát được thực hiện đồng bộ, khép kín, đúng quy định. Theo đó, khi khách từ nội địa ra biên giới, tại barie số 2, lực lượng Biên phòng sẽ kiểm tra sơ bộ ban đầu về giấy tờ, phương tiện vận chuyển và hướng dẫn di chuyển đến khu vực làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Sau khi thực hiện xong các thủ tục cần thiết, hành khách di chuyển tới barie số 1 (khu vực mốc 1116) để xuất cảnh sang Trung Quốc; tại đây lực lượng Biên phòng sẽ kiểm tra lại giấy tờ và đây là quy trình kiểm soát cuối cùng, đảm bảo không có sai sót... “Chúng tôi luôn chủ động bố trí lực lượng hợp lý tại từng vị trí, điều tiết lưu lượng khách phù hợp để không xảy ra ùn tắc, bảo đảm an ninh trật tự khu vực cửa khẩu”, Thiếu tá Trịnh Văn Bác cho biết.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc hình thành “vành đai du lịch biên giới Việt - Trung” đang dần đi vào hiện thực. Điều này không chỉ cần sự hợp tác ở cấp địa phương mà còn đòi hỏi chính sách mở cửa linh hoạt từ hai Chính phủ, trong đó bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, phối hợp kiểm tra kiểm soát cửa khẩu; phát triển tuyến đường sắt, xe khách du lịch liên vận và đặc biệt là các chương trình du lịch song phương có sự tham gia của doanh nghiệp hai nước.
Không dừng lại ở con số khách du lịch, những chương trình như Hành trình biên cương tráng lệ còn là dịp để làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác giữa hai dân tộc. Khi du lịch được đặt trong mối quan hệ văn hóa, lịch sử, kinh tế và lòng tin chính trị, nó không chỉ là ngành dịch vụ mà còn là nhịp cầu nhân văn bền vững giữa hai quốc gia láng giềng.
Với nền tảng lịch sử gắn bó, hệ thống giao thông kết nối chặt chẽ, và tiềm năng du lịch biên giới phong phú, hành lang du lịch Việt - Trung đang từng bước được khơi thông.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/soi-dong-giao-thuong-du-lich-bien-gioi-qua-cua-khau-quoc-te-huu-nghi-214762.html
Bình luận (0)