Chị Lê Thị Kiều Nga cùng các sản phẩm thân thiện với môi trường của Art House.
Khởi đầu từ ý tưởng xanh
Nhận thấy lượng giấy bỏ đi trong lớp học mỹ thuật quá lớn, nhiều tờ chỉ sử dụng một mặt, chị Lê Thị Kiều Nga, người sáng lập nhóm Art House Cần Thơ, số 41, đường Cách mạng Tháng 8, phường Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã bắt đầu nảy ra ý tưởng làm giấy từ vỏ bắp, một loại phụ phẩm nông nghiệp rất dễ tìm thấy tại ÐBSCL lại có chứa nhiều cellulose (là thành phần chính và quan trọng nhất trong sản xuất giấy). Nghĩ là làm, chị Nga đã cùng 15 thành viên trong nhóm và các bạn học viên thử nghiệm và cho ra sản phẩm thành công.
Chị Lê Thị Kiều Nga chia sẻ: “Ðầu tiên, mình trộn hỗn hợp giấy vụn hoặc giấy đã qua sử dụng với vỏ bắp đã xay nhuyễn vào với một ít keo. Sau đó lắc trên một bảng lụa, đem phơi khô là đã có được giấy làm từ vỏ bắp. Nếu muốn có hình ảnh đẹp, nhiều màu sắc thì chúng ta có thể hái hoa trong vườn hoặc sử dụng màu để nhuộm trực tiếp phiên bản giấy mà mình mong muốn. Giấy từ vỏ bắp giúp bảo vệ môi trường, xoay vòng các đồ dùng trong lớp”.
Theo chị Nga, cách làm giấy từ vỏ bắp không khó mà lại thân thiện với môi trường. Sản phẩm làm ra được chị và các bạn học viên ứng dụng in tranh dân gian Ðông Hồ, vẽ tranh màu nước dành cho trẻ em hay thực hiện kỹ thuật thủy ấn tạo hình từ màu trực tiếp trên mặt nước. Không chỉ dừng lại ở việc làm giấy, chị Nga còn tận dụng vỏ bắp để làm hoa trang trí trên các túi xách hay làm thẻ đánh dấu sách (bookmark).
Ðưa chúng tôi tham quan không gian làm việc của mình, chị Nga phấn khởi kể: “Ngoài làm giấy từ vỏ bắp, hoa từ vỏ bắp, nhóm còn mở rộng sáng tạo với các vật liệu tự nhiên khác như cỏ bàng, lục bình để tạo nên những sản phẩm thủ công độc đáo, góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng theo đuổi lối sống xanh và thích sản phẩm có thể tái chế”.
Nhóm hiện có 2 địa điểm trưng bày và bán sản phẩm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ và Nhà cổ Bình Thủy. Tùy độ tinh xảo và nét độc đáo, các sản phẩm thủ công của Art House có giá dao động từ 85.000-120.000 đồng/sản phẩm.
Chị Trần Thị Hương, ở phường Tân An, TP Cần Thơ, đang chọn túi xách làm từ lục bình, trang trí hoa bằng vỏ bắp để làm quà tặng, cho biết: “Tôi được bạn bè giới thiệu đến Art House điểm trưng bày tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ để tìm mua sản phẩm thủ công làm quà. Tôi rất ấn tượng và thích các sản phẩm thủ công của nhóm vì tính thẩm mỹ và sự sáng tạo. Hơn nữa sản phẩm làm từ nguyên liệu xanh, có ý nghĩa bảo vệ môi trường”.
Vươn ra thế giới
Công ty Cổ phần Ecoka, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Ðông, TP Cần Thơ, là một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường từ các nguyên liệu thiên nhiên sẵn có ở miền Tây như lục bình, cói, mây, tre… cho các khách hàng quốc tế. Công ty có khuôn viên khoảng 6.500m2 bao gồm nhà xưởng, văn phòng, nhà sấy, phòng trưng bày, nhà kho và khu vực đóng gói với khoảng 600 công nhân lành nghề trên 20 năm kinh nghiệm và được đào tạo bài bản về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm xanh.
Ông Hà Anh Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Ecoka, cho biết, hiện tại công ty có khoảng 300 mẫu mã sản phẩm từ lục bình thuộc 5 chủng loại sản phẩm gồm: sản phẩm trang trí nhà cửa, đồ dùng nhà bếp, nhà cho thú cưng (chó, mèo), đồ nội thất và các mặt hàng thời trang (túi lục bình, giỏ xách cho nữ…) đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Trường, qua các sản phẩm của mình, Ecoka mong muốn mang đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe và môi trường, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm nhựa, đưa hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam xâm nhập thị trường quốc tế.
Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Ecoka được sản xuất từ 100% các nguyên liệu thiên nhiên.
Từ đầu năm 2025 đến nay, các sản phẩm của đơn vị đang được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Shopee với tài khoản Ecoka Craft Decor & Fashion và Tiktok với tài khoản ecokajsc. Giá cả các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh tiêu thụ trong nước, sản phẩm của công ty được khách hàng quốc tế ưa chuộng và đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Tây Ban Nha, Anh... Ðây là những quốc gia mà người tiêu dùng rất ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Trường còn kết nối với các đơn vị khác để xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng làm từ mây, tre, cỏ bàng, cói… nhằm tăng giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Mỗi tháng đơn vị cho ra thị trường từ 5.000 đến 30.000 sản phẩm, tùy kích thước, mẫu mã. Doanh thu mang về khoảng 100.000 USD/tháng.
Từ những nguyên liệu bình dị của vùng đất phù sa, bằng sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, nhiều người trẻ và doanh nghiệp ÐBSCL đã viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về kinh tế tuần hoàn từ tài nguyên bản địa.
Bài, ảnh: MỘNG TOÀN
Nguồn: https://baocantho.com.vn/sang-tao-voi-san-pham-xanh-than-thien-moi-truong-a188502.html
Bình luận (0)