Cá voi Bryde đớp mồi giữa bầy chim ở vùng biển Nhơn Lý (tỉnh Gia Lai) trong ánh bình minh ngày 5-7. Ảnh: Phạm Quốc Hưng |
Nhiếp ảnh gia Phạm Quốc Hưng, 24 tuổi, giáo viên dạy Toán ở tỉnh Khánh Hòa, là một trong những tay máy tìm đến biển Nhơn Lý đầu tháng 7-2025 với mục đích chụp được loạt ảnh cá voi săn mồi bằng máy ảnh kỹ thuật số có ống kính tiêu cự dài (70-300mm) cùng thiết bị flycam. Anh nói: “Tôi rất may mắn khi lần đầu chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ không thể nào quên về “gã khổng lồ đại dương” ngay trên vùng biển quê hương Việt Nam”.
Cảnh tượng choáng ngợp
Anh Quốc Hưng cho biết, chuyến săn ảnh cá voi Bryde di chuyển theo mùa để tìm kiếm thức ăn gần bờ lần đầu tiên trong “sự nghiệp cầm máy” của anh diễn ra khá suôn sẻ khi ngày lên thuyền ra biển chụp có thời tiết rất tốt, ánh bình minh đẹp, gió dịu nhẹ nên biển không có sóng lớn.
Từ phía mặt biển không quá xa so với đất liền, một “ông cá voi” khổng lồ dài hơn 10m bất ngờ trồi lên trên sóng nước, há khuôn miệng rất to (gọi là hiện tượng dựng) hút các đàn cá liệt nhỏ rồi nhẹ nhàng lặn xuống. Những vệt sóng lớn tung bọt trắng xóa tương phản với làn nước biển xanh thẫm lẫn nền trời cam lúc hừng đông tuyệt đẹp.
Đàn chim nhạn bay sà thấp theo sát luồng cá voi di chuyển tạo nên cảnh tượng thiên nhiên giao thoa cực hiếm thấy giữa các loài động vật vốn dĩ rất khác biệt “chim bay trên trời, cá lội dưới nước”. Những yếu tố đắt giá đòi hỏi người chụp ảnh phải vận dụng mọi kỹ năng để bắt được các “khoảnh khắc vàng” trên biển.
Cá voi Bryde liên tiếp xuất hiện gần bờ tại vùng biển Việt Nam từ năm 2022 đến nay được cho là tín hiệu tích cực cho môi trường biển quốc gia được cải thiện. Ảnh do Quốc Hưng chụp ngày 5-7 |
Anh Quốc Hưng thốt lên: “Tôi thật sự choáng ngợp khi lần đầu chứng kiến tận mắt và trực tiếp cá voi ở gần như vậy, cảnh tượng mà trước giờ chỉ xem trên tivi hay qua hình ảnh. Buổi sáng hôm đó cá voi nổi lên đớp mồi rất nhiều lần, nên tôi chụp được cũng khá nhiều. Đây là một kỷ niệm đặc biệt trong hành trình nhiếp ảnh của tôi”.
Nghề chơi cũng lắm công phu. Anh Quốc Hưng cho hay, các tay máy phải di chuyển bằng thuyền thúng hoặc thuyền cá của ngư dân luôn chông chênh trên sóng nước, hoặc rung lắc dữ dội nếu gặp hôm gió lớn.
“Điều này khá là mạo hiểm cho cả người chụp lẫn thiết bị khi đứng trên thuyền săn ảnh cá voi. Vì vậy, rất nhiều ảnh bị out nét (mất nét, mờ nét) hoặc bố cục không chuẩn là chuyện bình thường. Chưa kể thiết bị bị ướt, rơi xuống biển. Nhiều tay máy cùng đam mê như tôi đã có ít nhiều thiệt hại trong chuyến săn ảnh cá voi vừa rồi” - anh Quốc Hưng nói.
Anh Phạm Quốc Hưng đi chụp ảnh phong cảnh chuyên sâu từ năm 2017 và đoạt các giải thưởng nhiếp ảnh, như: Giải 3 Nation Sony World Photography 2019, Huy chương đồng Ảnh Nghệ thuật Việt Nam 2022, Huy chương đồng Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2024…
Kinh nghiệm chụp flycam/drone
Anh Quốc Hưng cho rằng, săn ảnh cá voi Bryde trên vùng biển Việt Nam cần sử dụng máy ảnh chụp có độ phân giải cao để những file ảnh gốc bị nghiêng (do thuyền rung lắc) hoặc chủ thể cá voi ở xa không gần thuyền và ống kính không zoom (bắt cận cảnh) tới được thì vẫn có thể xử lý hậu kỳ bằng cách crop (thay đổi, thu gọn bố cục ảnh) lại theo nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, người chụp nên dùng ống kính được trang bị tính năng chống rung có ký hiệu IS (Image Stabilization) của Canon, VR (Vibration Reduction) của Nikon hay OSS (Optical Steady Shot) của Sony để giảm tỷ lệ ảnh bị nhòe.
Về flycam/drone, anh Quốc Hưng dùng Mavic 4 Pro cho chất lượng ảnh tốt và có các ống kính (cam tele) 70mm, 168mm giúp việc lựa chọn góc chụp nhiều hơn “hoặc nếu không ở gần chỗ cá voi nổi lên thì ta vẫn có thể chụp từ xa trên không”.
Theo anh Quốc Hưng, ưu điểm lớn nhất của flycam là có được góc không ảnh mới lạ, tính cơ động cao mỗi khi chụp tại các địa hình khó. Thử thách nhất là việc cất cánh/hạ cánh flycam từ trên thuyền (luôn chông chênh xê dịch chứ không vững vàng như mặt đất) đều tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người và thiết bị nếu thiếu kinh nghiệm.
Quốc Hưng dùng flycam chụp cá voi trên biển. |
Với kinh nghiệm chụp flycam từ năm 2018 đến nay, anh Quốc Hưng chia sẻ: “Việc bay flycam để chụp cá voi không hề dễ dàng vì cá voi sẽ nổi ngẫu nhiên “chưa biết đâu mà lần” khiến việc quan sát và xác định kịp phương hướng ở giữa biển mênh mông là cả vấn đề. Rồi cá trồi lên ngụp xuống chỉ khoảng chưa tới một phút sẽ lặn mất, có khi flycam kịp bay tới thì đã hết cơ hội chụp. Do đó, người chụp cần sự nhanh nhẹn trong quan sát để có thể chụp được khoảnh khắc diễn ra rất hạn hẹp thời gian như thế”.
“Điều tôi thấy thú vị nhất trong mỗi chuyến đi săn ảnh không chỉ là những khoảnh khắc lúc bấm máy, mà còn là những kiến thức về văn hóa từng địa phương để biết rằng đất nước mình thật đẹp và còn rất nhiều điều để mọi du khách trong và ngoài nước có thể khám phá” - anh Quốc Hưng, tay máy vừa nhận Giải 3 Cuộc thi ảnh Đất nước ngàn hoa 2025 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, cho hay.
Long Khánh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/san-anh-ca-voi-san-moi-giua-bien-troi-viet-nam-0f51d5b/
Bình luận (0)