Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Ba mươi năm nhìn lại

TCCS - Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua chặng đường 30 năm phát triển với nhiều dấu ấn kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 11-7-1995. Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện và tiếp tục nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023. Dấu mốc này thể hiện nỗ lực vượt qua quá khứ của hai nước, là minh chứng về mong muốn kiến tạo hòa bình, hợp tác, cùng hướng tới tương lai trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản11/07/2025

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 12-11-2024_Ảnh: TTXVN

“Hình mẫu” trong quan hệ quốc tế

Trong quan hệ giữa các quốc gia, quá trình hàn gắn sau xung đột luôn là chặng đường dài, đòi hỏi nỗ lực kiên trì và thiện chí chính trị từ cả hai phía. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được xem là minh chứng tiêu biểu cho quá trình vượt qua quá khứ, thu hẹp khác biệt, hướng tới tương lai. Trên cơ sở những bước đi chiến lược, thiện chí hợp tác, tôn trọng và bình đẳng, hai nước đã từng bước vượt qua trở lực lịch sử, xây dựng quan hệ đối tác ngày càng thực chất, hiệu quả. Đánh giá về mối quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, đây là quá trình hiếm có và là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Ba mươi năm qua, hai bên đã cùng chung tay tạo nên một điểm nhấn lịch sử về một hình mẫu trong quan hệ quốc tế, ví như một bức tranh đẹp được dệt nên bởi sự đóng góp, công lao của nhiều người, cả những nhà lãnh đạo tiêu biểu và cả những người âm thầm mà chưa được biết hết mặt, thuộc hết tên. Nếu ví mỗi hành động dù nhỏ bé như một sợi chỉ khi được đan kết lại, gắn kết nhau sẽ dệt nên bức tranh tương lai, dệt nên những điều phi thường(1).

Trên thực tế, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã hình thành từ hơn hai thế kỷ trước, dù bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý. Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, các tàu buôn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để thiết lập quan hệ thương mại. Đáng chú ý, tháng 7-1787, Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson, khi còn là Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, từng liên hệ với triều Nguyễn để xin giống lúa thơm xứ Nam Kỳ về trồng tại quê hương. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã hỗ trợ các phi công Mỹ gặp nạn, thể hiện rõ tinh thần nhân đạo và thiện chí hợp tác quốc tế của cách mạng Việt Nam ngay từ những ngày đầu.

Sau khi giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện và thông điệp tới các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Tuy nhiên, do bối cảnh quốc tế phức tạp và những tính toán chiến lược trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã lựa chọn can thiệp và tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài tại Việt Nam. Cuộc chiến tranh đã gây không ít tổn thất cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Với tinh thần hòa hiếu, lòng vị tha và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, cùng với nỗ lực kiên trì từ cả hai phía, Việt Nam và Hoa Kỳ từng bước nối lại đối thoại, tập trung vào vấn đề nhân đạo, nhất là công tác tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây là những bước đi thiết thực, góp phần đặt nền móng xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Năm 1986, chính sách đổi mới được khởi xướng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Ngày 11-7-1995, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đánh dấu bước ngoặt lịch sử và mở ra chương mới trong quan hệ song phương, hướng tới hợp tác, hòa bình và phát triển.

Từ thời điểm đó, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng được củng cố và phát triển, từng bước được nâng tầm theo hướng thực chất, ổn định và lâu dài. Năm 2000, hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ, tạo nền tảng pháp lý quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Cũng trong năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton là vị nguyên thủ Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam sau chiến tranh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Hoa Kỳ, mở ra giai đoạn phát triển mới trong trao đổi đoàn cấp cao và thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Tháng 7-2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, tạo khuôn khổ hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ đến giáo dục - đào tạo và quốc phòng - an ninh. Tháng 9-2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện này là bước phát triển quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự nỗ lực bền bỉ của cả hai nước, phù hợp với mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm vóc cao hơn, bền vững hơn, mở ra triển vọng hợp tác lâu dài, ổn định, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đây không chỉ là biểu hiện của sự coi trọng lẫn nhau, mà còn khẳng định vai trò, vị thế quốc tế ngày càng nâng cao của Việt Nam. Đồng thời, quyết định xác lập khuôn khổ quan hệ mới thể hiện rõ cam kết của Hoa Kỳ trong việc đồng hành cùng Việt Nam vì lợi ích chung.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ_Ảnh: TTXVN

Động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua

Nhìn lại chặng đường ba thập niên qua, chúng ta khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, ổn định và thực chất. Kết quả bật của tiến trình này bắt nguồn từ sự cộng hưởng của nhiều động lực quan trọng, cả khách quan và chủ quan, từ chuyển biến của bối cảnh quốc tế đến sự đồng thuận chiến lược và quyết tâm chính trị của hai nước.

Một là, bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh lạnh tạo điều kiện thuận lợi để hai nước định hình lại quan hệ. Trong trật tự thế giới đang chuyển dịch, khi hợp tác kinh tế và ổn định trở thành ưu tiên chung, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhận thức rõ lợi ích chiến lược của việc thúc đẩy quan hệ song phương. Nhận thức chung đó tạo nền tảng để hai bên vượt qua rào cản lịch sử, tăng cường đối thoại, tiếp xúc và hướng tới những mục tiêu dài hạn vì lợi ích của hai dân tộc.

Hai là, nỗ lực của hai bên trong xử lý hậu quả chiến tranh. Việt Nam và Hoa Kỳ đều thể hiện thiện chí trong hàn gắn vết thương chiến tranh, củng cố lòng tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Các chương trình hợp tác song phương về khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom, mìn còn sót lại và tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh (MIA) mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là biểu tượng cho sự chuyển biến trong quan hệ hai nước, từ đối đầu sang đối tác, từ quá khứ đau thương đến tương lai hợp tác.

Ba là, sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Việt Nam trong 40 năm qua là động lực thúc đẩy quan hệ song phương tiến xa hơn. Từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất và thương mại năng động trong khu vực, với tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng khoảng 20 lần, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thuộc danh sách 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, trong đó 12 nước đối tác chiến lược toàn diện, 9 nước đối tác chiến lược và 14 nước đối tác toàn diện. Những thành tựu quan trọng đạt được đã góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh tổng hợp quốc gia của Việt Nam; tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ, trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Bốn là, vai trò của lãnh đạo cấp cao và các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ổn định, thực chất và bền vững. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ song phương, thể hiện tầm cao mới của lòng tin, tầm nhìn và cam kết giữa hai nước; đáp ứng đúng xu thế phát triển khách quan và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phản ánh rõ quyết tâm chính trị và sự đồng thuận cao của lãnh đạo hai nước, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các khuôn khổ hợp tác mới và cơ chế triển khai cụ thể đang từng bước được xác lập, mở rộng. Định hướng chiến lược này đã củng cố niềm tin, tạo động lực thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương và nhân dân hai nước tăng cường kết nối, mở rộng giao lưu, làm sâu sắc thêm nền tảng xã hội cho quan hệ song phương trong giai đoạn phát triển mới.

Năm là, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã kiên trì xây dựng nền tảng hợp tác kinh tế - thương mại từ giai đoạn còn nhiều trở ngại đến thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện. Trước khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, một số doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiếp cận thị trường Việt Nam, mặc dù hệ thống pháp lý thời điểm trước đang trong quá trình hoàn thiện. Từ năm 1993, nhiều doanh nghiệp Mỹ bắt đầu mở văn phòng đại diện tại Thủ đô Hà Nội. Cũng trong thời gian này, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đóng vai trò cầu nối quan trọng, thiết lập các kênh đối thoại, vận động chính sách và thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại trong bối cảnh còn không ít rào cản.

Những nỗ lực kể trên đã tạo động lực tích cực, thúc đẩy quá trình dỡ bỏ cấm vận và từng bước xây dựng lòng tin giữa hai nước. Các đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đại diện như Hội đồng Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã tác động đáng kể đến quá trình hoạch định chính sách của chính quyền Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trong đó, quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại vào tháng 2-1994 là bước ngoặt then chốt, tạo tiền đề cho việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7-1995.

Có thể khẳng định, lợi ích chiến lược và tầm nhìn dài hạn của khu vực tư nhân đã trở thành một trong những yếu tố xúc tác quan trọng góp phần thu hẹp khoảng cách chính sách và thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau. Sau dấu mốc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc cụ thể hóa các cam kết, thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000 là minh chứng tiêu biểu cho sự phối hợp hiệu quả giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp hai nước, mở ra một giai đoạn phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tiếp tục tạo xung lực mạnh mẽ cho tăng trưởng thương mại hai chiều, đưa kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm.

Nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với nguồn vốn, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản trị hiện đại, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng bước tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, thể hiện khả năng thích ứng với những tiêu chuẩn cao và năng lực cạnh tranh ngày càng được nâng lên. Sự năng động và gắn kết của cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ tạo nhiều việc làm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn góp phần gắn kết lợi ích kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc, bền vững, trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Sáu là, giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng được củng cố và phát triển theo chiều sâu. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp xã hội của Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình nhân đạo, như rà phá bom mìn, chăm sóc nạn nhân chiến tranh, cải thiện điều kiện sống tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Đội ngũ trí thức, chuyên gia và doanh nhân người Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục đóng góp tích cực thông qua các sáng kiến kết nối giáo dục, văn hóa và đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia. Những hoạt động này không chỉ góp phần làm sâu sắc sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, đồng thời củng cố nền tảng xã hội và tăng cường sự đồng thuận trong dư luận xã hội về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để quan hệ song phương tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả, lâu dài.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại đối ứng giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 22-5-2025_Ảnh: TTXVN

Giá trị cốt lõi của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Những đóng góp quan trọng, thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng giá trị nhân văn sâu sắc mà hai bên cùng chia sẻ. Sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của quan hệ hai nước trong suốt ba thập niên qua phản ánh những giá trị phổ quát, như hòa bình, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, khát vọng phát triển. Những giá trị chung đó đã tạo nền tảng tinh thần vững chắc giúp hai nước vượt qua khác biệt, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai với tinh thần xây dựng và đối tác.

Thứ nhất, giá trị của sự đồng cảm và lương tri. Mặc dù phải gánh chịu nhiều mất mát to lớn do chiến tranh gây ra, song nhân dân Việt Nam vẫn thể hiện tinh thần bao dung, sẵn sàng mở lòng, thấu hiểu và chia sẻ với những đau thương từ cả hai phía. Tại Hoa Kỳ, nhiều cựu chiến binh và gia đình từng có người thân tham gia chiến tranh, dù mang trong mình những ký ức không vui nhưng đã quay trở lại Việt Nam với thiện chí, tham gia các hoạt động nhân đạo và đóng góp cho các chương trình phát triển. Từ sự đồng cảm và tình người ấy, như cố Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain từng nhấn mạnh, hai bên đã “xây những nhịp cầu, thay vì dựng lên những bức tường”, góp phần hình thành nền tảng tinh thần cho một mối quan hệ hướng tới tương lai, vượt lên quá khứ.

Thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ khát vọng về một nền hòa bình lâu dài, bền vững. Cả hai dân tộc đều đã từng trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, với nhiều hy sinh, mất mát, nên càng thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình. Từ những trải nghiệm lịch sử, khát vọng được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đã trở thành điểm tương đồng trong nhận thức và hành động của hai quốc gia. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ chính là kết tinh sinh động của khát vọng chung. Phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã khẳng định, quan hệ giữa hai nước là “minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tinh thần con người… và là bằng chứng rằng, ngay cả từ những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, vẫn có một con đường tiến về phía trước”. Tinh thần yêu chuộng hòa bình và thiện chí hợp tác đã giúp hai nước vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam và Hoa Kỳ đang cùng nhau đóng góp tích cực cho mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Thứ ba, lòng can đảm và ý chí quyết tâm là giá trị nổi bật, góp phần định hình quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh hai nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách với tầm nhìn chiến lược của hai nước đã chủ động thúc đẩy đối thoại, vượt qua rào cản tâm lý và chính trị từng bước tìm kiếm điểm tương đồng vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước. Từ những quyết định đầy trách nhiệm, hai nước đã đặt nền móng vững chắc cho tiến trình bình thường hóa quan hệ, mở ra chặng đường hợp tác mới, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả.

Thứ tư, cam kết cùng phát triển vì lợi ích chung là giá trị then chốt, bảo đảm cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển bền vững và ổn định. Ngay từ thời điểm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai nước đã xác lập nguyên tắc nền tảng trong quan hệ song phương là tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Đây không chỉ là định hướng chiến lược, mà còn là cơ sở để xây dựng lòng tin chính trị, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tinh thần hợp tác cùng phát triển đã được thể hiện nhất quán qua các dấu mốc quan trọng, từ việc ký kết BTA (năm 2000) đến thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013) và nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (năm 2023). Những bước tiến này khẳng định rõ mục tiêu hợp tác lâu dài, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Đối với Việt Nam, quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ mang lại nguồn lực thiết thực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc gia. Đối với Hoa Kỳ, một Việt Nam độc lập, tự cường, phát triển thịnh vượng và tích cực tham gia cộng đồng quốc tế là yếu tố quan trọng góp phần củng cố hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở nguyên tắc cùng có lợi, hai nước không ngừng củng cố lòng tin và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực thiết thực. Cam kết cùng thúc đẩy lợi ích chung không chỉ tạo động lực phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp trong xử lý vấn đề khu vực và toàn cầu, phù hợp với trách nhiệm quốc tế ngày càng gia tăng của hai nước.

Bước sang giai đoạn mới, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục được kỳ vọng phát triển toàn diện và sâu rộng hơn. Trên nền tảng vững chắc được vun đắp trong ba thập niên qua, hai nước có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu... Với sự đồng thuận chiến lược và cam kết vì lợi ích chung, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn phát triển sâu sắc hơn, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.

Trong hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đang trở thành lĩnh vực đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực sản xuất và tinh thần khởi nghiệp, góp phần nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hoa Kỳ sở hữu thế mạnh về công nghệ, tài chính và năng lực quản trị hiện đại, là đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hai nước đang đứng trước nhiều thuận lợi để thúc đẩy liên kết cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số và thiết lập các chuỗi cung ứng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Trong lĩnh vực năng lượng sạch và ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ thông qua mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, khẳng định quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả, phù hợp với xu thế toàn cầu và lợi ích lâu dài của cả hai nước.

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thượng tôn pháp luật tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống ngày càng diễn biến phức tạp, hai nước tiếp tục tăng cường đối thoại, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương phù hợp, như Cơ chế Hợp tác Mê Công - Hoa Kỳ (MUSP), quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

Thực tiễn trong ba thập niên qua cho thấy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được hóa giải thông qua đối thoại, thiện chí và tầm nhìn chiến lược. Yếu tố then chốt là tiếp tục củng cố lòng tin, duy trì sự tôn trọng lẫn nhau và nhất quán theo đuổi mục tiêu hợp tác lâu dài, cùng có lợi. Những giá trị đã được hun đúc từ lịch sử quan hệ hai nước, cùng khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, chính là nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong thời gian tới. Không chỉ dừng lại ở cấp nhà nước, sự phát triển bền vững của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cần được thúc đẩy bởi sự đồng hành thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Chương trình hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp sự hiểu biết, tăng cường giao lưu và nuôi dưỡng tinh thần tôn trọng lẫn nhau trong thế hệ trẻ hai nước. Đây được xem là nền tảng xã hội bền vững, góp phần bảo đảm cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ổn định, lâu dài và toàn diện. Mặt khác, những nỗ lực này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững và vươn tầm trong kỷ nguyên mới.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, chặng đường 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã chứng minh rõ nét, lựa chọn phương thức hòa giải và hợp tác là lựa chọn đúng đắn, mang tính chiến lược, góp phần thu hẹp khác biệt lịch sử, mở ra “chân trời mới” cho quan hệ song phương của hai nước. Với quyết tâm chính trị, thiện chí hợp tác và cam kết lâu dài từ cả hai phía, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình cấu trúc hợp tác và phát triển quốc tế trong thời đại chuyển đổi sâu sắc hiện nay./.

--------------------------

(1) Xem: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định, thực chất”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 23-9-2024, https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tiep-tuc-dua-quan-he-viet-nam-hoa-ky-ngay-cang-phat-trien-on-dinh-thuc-chat-102240923114241803.htm

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1103602/quan-he-viet-nam---hoa-ky--ba-muoi-nam-nhin-lai.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm