Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh - Sức lan tỏa trong thực hiện quy định nêu gương của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay

TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự tận tụy, dâng hiến trọn vẹn cho đất nước, cho nhân dân. Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người là hiện thân mẫu mực về tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân. Phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản vô giá Người để lại cho dân tộc ta, soi rọi, dẫn dắt, thúc đẩy hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, có sức lan tỏa lớn trong việc thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản21/07/2025

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với người dân khi đến kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp tại xã Phúc Thịnh, thành phố Hà Nội_Nguồn: tienphong.vn

Phong cách Hồ Chí Minh - phong cách nêu gương

Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng, hiện thân mẫu mực để cán bộ, đảng viên và mọi người dân noi theo. Như một lẽ tự nhiên, phong cách Hồ Chí Minh thấm nhuần trong tư duy và hành động, là nét văn hóa điển hình trong lãnh đạo và quản lý, trong giao tiếp và ứng xử của Người, là sự mẫu mực trong cách ứng xử, nêu gương sáng, trọn đời hy sinh, hết lòng vì nước, vì dân. Phong cách nêu gương Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trên các nét chính sau:

Nêu gương về sự kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin như “cẩm nang thần kỳ”(1), là “mặt trời chói lọi”(2) soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Đảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp với điều kiện cụ thể, đặc thù của nước ta. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Kiên định con đường mà Người đã chọn, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành sợi chỉ đỏ, cái “bất biến” xuyên suốt đường lối của Đảng và cách mạng Việt Nam trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

Nêu gương về phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn

Người đứng đầu trước hết phải có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong làm việc, trong lãnh đạo luôn yêu cầu cán bộ lãnh đạo đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; có mục đích rõ ràng, chương trình kế hoạch đặt ra phải sát hợp; kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng kịp thời, thiết thực, có trọng điểm, nắm điển hình, cụ thể và toàn diện. Phải thực hiện tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn kịp thời, làm đến nơi đến chốn; thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn. “Sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”(3).

Tôn trọng nhân dân như một lẽ tự nhiên trong ý thức và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sống trong nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở và cuối đời lại trở về với nhân dân. Sức thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải dựa trên quyền lực, mà ở phong cách của mình. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Người không bao giờ đặt mình cao hơn người khác để được tâng bốc, suy tôn. Người có phong cách ứng xử hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân, yêu thương, quý mến, trân trọng con người, khoan dung, độ lượng, nâng con người lên... tất cả điều đó, góp phần làm nên hình ảnh người lãnh đạo vừa tôn nghiêm, vừa thật gần gũi, giản dị, mà đầy sức lôi cuốn, cảm hóa diệu kỳ. Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, còn chuyên quyền, độc đoán là rất xa lạ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn trân trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ, cấp bậc.

Trong 10 năm (1955 - 1965), mặc dù tuổi cao, công việc bận rộn, nhưng với phong cách lãnh đạo sâu sát, thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm trên 700 địa điểm ở khắp các địa phương, nông trường, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp... Người cho rằng: “Cán bộ đi về hợp tác xã không phải chỉ vào nhà chủ nhiệm để có chỗ ở sạch sẽ và có cơm nước đàng hoàng mà phải đi vào nhân dân”(4), phê bình thói “quan trên về làng”, Người yêu cầu: “Phải làm sao cho cán bộ mỗi khi về làng, nhân dân niềm nở vỗ vai, mời “anh” uống nước mới tốt. Nếu cán bộ về mà dân trải chiếu hoa, bắt gà làm cơm là không được. Bao giờ dân coi cán bộ là người của dân, đối với cán bộ không còn “lạy cụ ạ” thì dân mới dám nói, mới dám phê bình”(5).

Nêu gương về thực hành đoàn kết, quy tụ nhân tài

Người đứng đầu phải thực hành được bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công. Người là hạt nhân, linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công trong kháng chiến, kiến quốc, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; đoàn kết trong Đảng, các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình, đoàn kết cả dân tộc; đoàn kết với nhân dân thế giới “bốn phương vô sản đều là anh em”, “vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”... Người là biểu tượng kiệt xuất của con người có khả năng đoàn kết, tập hợp các nguồn lực bằng chính tấm gương về trí tuệ và đạo đức, phong cách của bản thân, trở thành ngọn cờ tập hợp và dẫn dắt các lực lượng tin và đi theo, dám nghĩ, dám làm, dám cương quyết hành động, dám hy sinh vì lợi ích chung.

Đoàn kết là yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Trên hành trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo, huấn luyện nhiều học trò xuất sắc, nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, Nhà nước; quy tụ, đoàn kết thanh niên trí thức yêu nước, kiên trung, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Đảng, cho cách mạng; trọng dụng nhân sĩ, trí thức uy tín cao và đức độ; hay trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tài năng, trí tuệ, cảm phục trước uy tín và tấm lòng của Người, tự nguyện bỏ lại vinh hoa, phú quý về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc(6)...

Nêu gương về tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng

Lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu hết sức quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, tác động lớn đến quần chúng. Khi người đứng đầu yếu kém về nhân cách, tác phong làm việc chậm trễ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây nguy cơ làm thay đổi bản chất của Đảng, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng”(7), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thực hiện việc nói gắn kết với thực hành nêu gương. Sức cảm hóa, giáo dục của Người thể hiện ở việc Người suốt đời nêu gương tốt đẹp, nói đi đôi với làm, tư tưởng và nhân cách đều vẹn toàn thống nhất. Thực hành nêu gương ở Người có sức thuyết phục hơn mọi lời nói, thể hiện trong cách ăn, mặc, ở, lối sống giản dị cần kiệm liêm chính,... Khi đến thăm ngôi nhà sàn ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế chứng kiến cảnh đơn sơ mà xúc động nghẹn ngào, không tin đó là nơi sống và làm việc của một nguyên thủ quốc gia. Lúc sắp đi xa, Người yêu cầu: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(8). “Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”(9), Người vẫn luôn nghĩ đến điều tích cực cho cuộc sống, cho thế hệ tương lai khi nhắc nhở đến trồng cây để: “Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp(10).

Nêu gương về tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong từng lời nói, hành động hằng ngày, thể hiện ở bổn phận mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên, trách nhiệm trước nhân dân, trước tập thể, người xung quanh mình và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp của nhân dân, của đất nước. Đó cũng là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên chân chính: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”(11).

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực về tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật. Trong thực tiễn lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhận lỗi, xúc động rơi nước mắt khi báo cáo trước Quốc hội về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Hội nghị xét sai và sửa sai cấp tốc, không được cầu toàn. Trên cơ sở thi hành kỷ luật nghiêm minh mà bảo vệ Đảng”(12), Người tự phê bình đã “quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”(13). Theo Người, sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh của cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ, nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề, phức tạp, lâu dài, phải đấu tranh với các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, về phương diện tổ chức, Đảng phải được xây dựng một cách tập trung, thống nhất, đồng thời cán bộ, đảng viên phải giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật thì mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.

Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu từng viết:

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn(14)

Ý nghĩa của việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay

Người đứng đầu có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ quan, tổ chức, thực hiện trách nhiệm nêu gương, là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới noi theo.

Trong các Quy định của Đảng về nêu gương, cán bộ, đảng viên đều phải có trách nhiệm nêu gương từ trên xuống “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, mà trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Với vị trí, vai trò quan trọng, đòi hỏi người đứng đầu đáp ứng yêu cầu cao về phong cách lãnh đạo khoa học, thiết thực, hiệu quả, nêu gương sáng trên nhiều phương diện. “Cán bộ cấp chiến lược gồm lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, công tác ở Trung ương và địa phương. Nhiệm vụ của cán bộ cấp chiến lược là quyết định và giải quyết những vần đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, dân tộc. Yêu cầu đối với cán bộ cấp chiến lược là có tư duy, tầm nhìn chiến lược, “nhìn xa, trông rộng”, nắm bắt được xu thế của thời đại; có bản lĩnh chính trị, lý tưởng, đạo đức cách mạng trong sáng, có khát vọng đưa đất nước phát triển; có tri thức lý luận, có kinh nghiệm, năng lực, am hiểu sâu rộng, được tôi luyện trong thực tiễn và có thành tựu trong công tác, vận dụng sáng tạo và xử lý tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và đất nước; có khả năng truyền cảm hứng, lôi cuốn, tập hợp lực lượng; biết cách dùng người; có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng”(15).

Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính _Ảnh: TTXVN

Nêu gương của người đứng đầu là cách thức để giá trị đạo đức và tài năng của người đứng đầu được lan tỏa, dẫn dắt, truyền cảm hứng thúc đẩy mọi hành động của cấp dưới và người dân. Trong thực tiễn, nêu gương của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị là mệnh lệnh không lời để thuyết phục cấp dưới noi theo. Người đứng đầu thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương thì mới giữ được kỷ cương, kỷ luật của tổ chức, cơ quan, đơn vị; cấp dưới không thể tự tung, tự tác, làm bừa, làm ẩu. Ngược lại, lời nói của người đứng đầu sẽ là vô ích nếu bản thân không nêu gương, nói một đằng, làm một nẻo, nói mà không thực hiện.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, uy tín và sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn mạnh hơn trước; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao. Có được thành tựu đó, nhờ sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu các cấp. Song, chúng ta cũng nhìn rõ, nguy cơ, thách thức vẫn còn hiện hữu, rất nghiêm trọng là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước.

Quan điểm định hướng hàng đầu có tính nguyên tắc được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”(16), tiếp tục thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””, đồng thời yêu cầu cần quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan điểm trên thể hiện rõ quyết tâm của Đảng về sự cần thiết học tập, làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh(17), nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện phong cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(18), xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, Đảng ta nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(19).

Ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, nhằm nhận diện, đánh giá cán bộ, đảng viên trên ba phương diện: Ý thức vì lợi ích chung và đoàn kết, sự nhất quán giữa phát ngôn với hành động và trách nhiệm, lối sống cá nhân gương mẫu. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một quy định riêng về chuẩn mực đạo đức cách mạng, trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phù hợp với bối cảnh mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương sẽ giúp cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu khẳng định vai trò, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu sẽ tạo ra sức mạnh đoàn kết, quy tụ, tin tưởng vào sự lãnh đạo, đường lối đổi mới của Đảng. Nêu gương thực sự thiết thực, hiệu quả thì sức lan tỏa sẽ rất lớn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị./.

------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 588, 387
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 238
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 526
(6) Các nhà lãnh đạo ưu tú, nhân sĩ, trí thức, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Thanh Nghị, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Vũ Đình Hòe, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lương Định Của...
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 223
(8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 623, 613
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 248
(12) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 6, tr. 262
(13) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 7, tr. 96
(14) Bài thơ “Bác ơi”, in trong Tố Hữu: Một trăm bài thơ, Nxb. Văn học, 2010, tr. 257
(15) Xem: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 11-12
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 33
(17) Nhiều quy định về nêu gương đã được ban hành, như Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
(18), (19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 183 - 184, 187

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/1109503/phong-cach-neu-guong-ho-chi-minh---suc-lan-toa-trong-thuc-hien-quy-dinh-neu-guong-cua-nguoi-dung-dau-to-chuc%2C-co-quan%2C-don-vi-hien-nay.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm