Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển kinh tế xanh trong phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ góc nhìn quản trị địa phương

TCCS - Kinh tế xanh là sự kết hợp phát triển bền vững của ba yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội. Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, mô hình kinh tế xanh là cơ sở giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý, bảo vệ với phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản16/07/2025

Du thuyền quốc tế trên Vinh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực văn hóa

Trong lĩnh vực văn hóa, phát triển kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp phát triển bền vững của ba yếu tố: kinh tế (phát triển gắn với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững), môi trường - tài nguyên (bảo vệ môi trường văn hóa, bảo tồn, tái tạo, phục dựng tài nguyên và phát huy giá trị tài nguyên thông qua khai thác và tiêu dùng bền vững tài nguyên văn hóa) và xã hội (nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, giảm thiểu rủi ro của cộng đồng về văn hóa, xã hội trong bối cảnh giao thoa, toàn cầu hóa). Phát triển kinh tế xanh sẽ giúp nhà quản lý địa phương giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ở khía cạnh kinh tế, phát triển xanh hướng đến đến mô hình kinh tế vì sự phát triển con người với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, bảo tồn giá trị truyền thống và không gian sống cho người dân. Các ngành dịch vụ khai thác và sử dụng giá trị của văn hóa tại chỗ, như du lịch, khách sạn, giải trí sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Nguồn thu từ các ngành dịch vụ này sẽ được cân đối nhằm mục tiêu hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ việc khai thác nguồn lực và giá trị văn hóa truyền thống tại chỗ, hướng tới phát triển bền vững.

Ở khía cạnh môi trường và tài nguyên văn hóa, phát triển xanh nhằm bảo vệ môi trường văn hóa, tránh tác động tiêu cực của quá trình giao lưu, hội nhập, toàn cầu hóa văn hóa. Đó là quá trình bảo tồn, giữ gìn, tái tạo giá trị văn hóa truyền thống, song song với tiếp thu tinh hoa giá trị văn hóa của thế giới một cách chọn lọc để xây dựng và phát triển môi trường văn hóa địa phương tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, quản lý, cân bằng các mục tiêu bảo tồn và phát triển, gìn giữ và phát huy; sự hình thành lối sống xanh trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân.

Ở khía cạnh xã hội, phát triển xanh nhằm duy trì ổn định và bình đẳng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu rủi ro của cộng đồng về văn hóa, xã hội, môi trường trong bối cảnh giao thoa, toàn cầu hóa. Cơ sở của phát triển xanh là sự ổn định xã hội và gia tăng chất lượng sống trên nền tảng bảo đảm sự công bằng, bình đẳng và an toàn cho cộng đồng. 

Như vậy, phát triển xanh trong lĩnh vực văn hóa là sự phát triển nhằm hướng tới mục tiêu cân bằng cả ba trụ cột: bảo đảm tăng trưởng kinh tế xanh; xây dựng môi trường văn hóa - bảo tồn tài nguyên theo hướng bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng và phát triển. Để có thể thực hiện tốt mục tiêu trên phải có sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp... 

Công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa từ góc nhìn quản trị địa phương ở Việt Nam

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 40.000 di sản văn hóa vật thể (trong đó, có 6 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, 107 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.500 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh và gần 3.000.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 237 hiện vật và nhóm hiện vật xếp hạng bảo vật quốc gia(1)); 13 di sản văn hóa phi vật thể thế giới, 395 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh vào chương trình Ký ức thế giới(2). Hệ thống di sản văn hóa được phân bố ở nhiều địa phương và trở thành nguồn tài sản vô cùng quý giá để địa phương gìn giữ, bảo tồn và khai thác phát triển kinh tế.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững từ Trung ương đến địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả.

Thứ nhất, sự phát triển trong nhận thức lý luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa và công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được thể hiện cụ thể tại các nghị quyết Trung ương, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng(3). Ở cấp địa phương, cấp ủy, chính quyền ngày càng nhận thức rõ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần gắn chặt với sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Thứ hai, hệ thống quy định liên quan tới công tác bảo tồn, phục dựng tài nguyên đang dần được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động bảo tồn và khai thác di sản văn hóa. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)(4), các nghị định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, như Nghị định số 86/2005/NĐ-CP, ngày 8-7-2005, “Về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước”; Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, ngày 25-6-2014, của Chính phủ “quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể”; Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, ngày 28-10-2015, của Chính phủ, “Về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn”; Nghị định số 61/2016/NĐ-CP, ngày 1-7-2016, của Chính phủ “quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”; Nghị định số 109/2017/NĐ-CP, ngày 21-9-2017, của Chính phủ “quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam”; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, ngày 25-12-2018, của Chính phủ “quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”,... được ban hành kịp thời giúp công tác quản lý bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa có tính hệ thống và chặt chẽ hơn.

Thứ ba, nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được triển khai từ nhiều cấp, như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động này giúp nâng cao nhận thức và năng lực của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo tồn và phát triển các ngành khai thác giá trị di sản, như du lịch, dịch vụ.

Thứ tư, sự phát triển của các ngành dịch vụ, du lịch, giải trí, công nghiệp văn hóa đã giúp nhiều địa phương khai thác tốt giá trị của di sản, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, tu tạo di sản văn hóa. Nguồn thu từ du lịch giúp địa phương chủ động trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy di sản, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết phải giữ gìn di sản, truyền thống và môi trường văn hóa.

Thứ năm, công tác kiểm kê di tích, nghiên cứu, trùng tu để bảo đảm giữ đúng giá trị di sản đã được triển khai tốt hơn. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng công nghệ hiện đại trong phục dựng, bảo tồn và trình diễn di sản được thực hiện khá hiệu quả ở một số địa phương, như Huế, Hội An, Hà Nội..., hỗ trợ tích cực cho công tác bảo vệ, giữ gìn giá trị di sản, giúp tạo ra nhiều sản phẩm mới khai thác hiệu quả nhiều khía cạnh của di sản văn hóa, góp phần thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ giá trị của di sản văn hóa còn nhiều hạn chế: 

Hệ thống thể chế, quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa còn chồng chéo, một số khía cạnh chưa cụ thể dẫn đến khó khăn trong xử lý vấn đề phát sinh liên quan đến di sản. Cơ chế, chính sách quy định về trách nhiệm quản lý, quyền khai thác di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng khai thác di sản văn hóa thiếu tính bền vững.

Nhận thức của cộng đồng dân cư ở một số địa phương về bảo tồn, khai thác bền vững di sản văn hóa chưa thực sự sâu sắc và đầy đủ. Vẫn còn hiện tượng xâm phạm hành lang di tích, di sản, lợi dụng mê tín dị đoan, khởi tạo di tích, di sản giả để trục lợi...

Việc khai thác giá trị của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế ở một số nơi còn thiếu bền vững. Nguồn kinh phí cho việc khảo cổ, sưu tầm hiện vật, nghiên cứu, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích, di sản còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và địa phương, từ hoạt động tham quan, du lịch và viện trợ của một số tổ chức quốc tế. Mối quan hệ giữa quản lý, bảo vệ, gìn giữ văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế ở nhiều địa phương chưa được giải quyết hài hòa, di sản bị lạm dụng, khai thác, chưa được quan tâm tu tạo, bảo tồn, dẫn đến bị biến dạng, mất dần giá trị; nguồn lợi thu được từ khai thác di sản chưa được phân chia công bằng cho các bên liên quan, nhiều nơi chưa có sự ưu tiên cho phát triển bền vững sinh kế của người dân địa phương.

Cũng như nhiều quốc gia khác, sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa luôn tạo ra áp lực lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Vì vậy, việc áp dụng mô hình quản lý, phát triển xanh để bảo đảm di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả, bền vững là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Non nước Tràng An, tỉnh Ninh Binh_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Các giải pháp áp dụng mô hình kinh tế xanh trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa từ góc nhìn quản trị địa phương

Một là, xây dựng khung chính sách, tiêu chí, quy định về phục dựng, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa tại địa phương theo hướng bền vững.

Dựa trên đặc thù địa phương, xây dựng khung chính sách và quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa gắn với các tiêu chí phát triển bền vững, trong đó quan tâm đến cả ba yếu tố là kinh tế, môi trường và xã hội. Một số nội dung cần xây dựng bao gồm: 1- Thống kê và số hóa di sản văn hóa: bảo đảm đầy đủ và cập nhật các thông tin về số lượng, giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa và hiện trạng của di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể tại địa phương; 2- Xây dựng và áp dụng tiêu chí, quy trình phục dựng, bảo tồn dựa trên nghiên cứu đầy đủ về di sản để bảo đảm quá trình phục dựng, bảo tồn, không làm ảnh hưởng, biến đổi giá trị của di sản văn hóa; 3- Xây dựng và áp dụng quy định về chức năng, vai trò, trách nhiệm và quy trình phối hợp của cơ quan quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa; có chủ trương đẩy mạnh hợp tác công - tư trong quản lý và khai thác di sản văn hóa tại địa phương; 4- Xây dựng và áp dụng quy định về việc sử dụng công nghệ, phương pháp phục hồi, bảo quản di sản hiện đại trên cơ sở đánh giá hiệu quả phương án, học hỏi kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước; 5- Tiêu chí hóa quy định về việc khai thác, sử dụng di sản văn hóa trong hoạt động kinh doanh dựa trên tiêu chuẩn bền vững, sức chứa, tác động môi trường và đóng góp cho hoạt động tái đầu tư cho công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương; 6- Lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững vào chương trình, mục tiêu phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp sáng tạo; 7- Xây dựng bộ tiêu chí và tài liệu hướng dẫn về khai thác bền vững tài nguyên là di sản văn hóa địa phương trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh du lịch, kinh doanh giải trí phù hợp với đặc thù của địa phương.

Hai là, khuyến khích phát triển mô hình kinh doanh du lịch, kinh doanh dịch vụ giải trí khai thác giá trị di sản văn hóa địa phương theo hướng bền vững.

Các mô hình cần khuyến khích phát triển bao gồm: 1- Mô hình kinh doanh du lịch có trách nhiệm, kinh doanh dịch vụ “giải trí xanh”, tập trung vào trải nghiệm văn hóa, giới thiệu giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống thân thiện với môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa địa phương; 2- Mô hình kinh doanh du lịch, kinh doanh dịch vụ giải trí, tham quan di sản văn hóa do cộng đồng địa phương thực hiện hoặc mô hình kinh doanh có chính sách cụ thể về cơ hội việc làm, đóng góp an sinh xã hội, chia sẻ và cân bằng lợi ích cho cộng đồng địa phương; 3- Mô hình kinh doanh có chính sách, trách nhiệm đóng góp cụ thể hoặc bảo trợ cho hoạt động phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và giữ gìn môi trường văn hóa địa phương; 4- Mô hình kinh doanh ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tái chế, tuần hoàn nước, rác thải; mô hình kinh doanh sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện xanh để bảo vệ môi trường; sử dụng nguồn lực, nguyên liệu tại chỗ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương; 5- Tạo môi trường và chính sách thúc đẩy quản lý di sản văn hóa ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển mô hình kinh doanh bền vững; 6- Mô hình phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản, phát triển sản phẩm du lịch di sản văn hóa theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong khai thác di sản văn hóa.

Ba là, xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp về giá trị của di sản văn hóa, vai trò của phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Thúc đẩy “việc làm xanh”, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng xanh, đủ năng lực thực hiện tốt các mục tiêu bền vững trong phát triển kinh tế. Thực hiện đào tạo, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương và các thành phần liên quan về phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Huy động nguồn lực ở trong và ngoài nước để quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, lồng ghép chương trình giáo dục truyền thống địa phương, giới thiệu giá trị di sản vào hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan về hệ thống di sản văn hóa và giá trị của di sản văn hóa ở địa phương. Xây dựng chương trình, mở lớp tập huấn cho doanh nghiệp, người dân địa phương về đạo đức môi trường, quy tắc ứng xử văn minh, lồng ghép vào hoạt động xã hội về di sản văn hóa, công tác bảo tồn, phục dựng và khai thác giá trị của di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế bền vững.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác với địa phương và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước, tận dụng tối đa nguồn lực hướng tới mục tiêu phát triển xanh trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hợp tác nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho sự phát triển chung là một trong những vấn đề cốt lõi của quản trị xanh. Vấn đề hợp tác cần được đặt trong mối quan hệ tổng thể có tính kết nối, liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng trên cơ sở tận dụng tối đa tri thức, công nghệ, kinh nghiệm của chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để bảo đảm hệ thống di tích, di sản vật thể và phi vật thể được quy hoạch bài bản, khoa học theo đúng không gian, cảnh quan, gắn quản lý, bảo vệ với phát huy giá trị di sản văn hóa.

Năm là, hợp tác và triển khai thực hiện chiến lược quảng bá, tiếp thị du lịch có trách nhiệm nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp để thu hút đầu tư và tiêu dùng xanh.

Quảng bá, tiếp thị du lịch có trách nhiệm với môi trường và di sản văn hóa địa phương, xây tạo hình ảnh tích cực, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương và định hướng các bên liên quan trong việc khai thác giá trị văn hóa, phát triển tài nguyên du lịch./.

-------------------

(1), (2) Xem: Hoàng Đạo Cương: “Dấu ấn di sản văn hóa”; ngày 26-12-2-24; https://bvhttdl.gov.vn/dau-an-di-san-van-hoa-nam-2024-nhiem-vu-giai-phap-nam-2025-20241226140127504.htm#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20hi%E1%BB%87n%20c%C3%B3%20h%C6%A1n,danh%20v%C3%A0%2010%20di%20s%E1%BA%A3n
(3) “Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử văn hóa”
(4) Luật Di sản văn hóa năm 2024 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực vào ngày 1-7-2025

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/1107602/phat-trien-kinh-te-xanh-trong-phuc-dung%2C-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-tu-goc-nhin-quan-tri-dia-phuong.aspx


Chủ đề: kinh tế xanh

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm