thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2023–2025 gồm: làng người Tày ở Bản Cáu xã Lục Hồn, làng người Sán Chỉ ở Lục Ngù xã Bình Liêu; làng người Dao Thanh Y ở Pò Hèn, xã Hải Sơn và làng người Sán Dìu ở Vòng Tre, Đặc khu Vân Đồn.
Mỗi làng là một không gian văn hóa đặc sắc với bản sắc riêng cần một cách tiếp cận mới để vừa gìn giữ bản sắc, vừa mở ra hướng phát triển bền vững. Để làm được điều này, tỉnh chọn hướng khơi dậy và đưa văn hóa trở lại đời sống. Những gì từng là ký ức, giờ được đánh thức bằng hành động cụ thể như kiểm kê, phục dựng, truyền dạy, trình diễn và đặc biệt là gắn chặt với hoạt động du lịch cộng đồng. Những làn điệu hát Then, đàn Tính của người Tày, Hát Soọng Cô của người Sán Dìu, Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y hay Hát Sóong Cọ của người Sán Chỉ… và cả tập quán, nghi lễ, ngôn ngữ, ẩm thực, nghề thủ công, trang phục truyền thống đều được bảo tồn theo hướng sống động, không tách khỏi đời sống thường nhật của người dân.
Cụ thể như tại Bản Cáu, xã Lục Hồn, người Tày nơi đây đã chỉnh trang nhà cửa thành điểm tham quan cho du khách có nhu cầu tìm hiểu về đời sống văn hóa, kiến trúc nhà ở truyền thống của người Tày. Các hộ gia đình người Tày ở thôn Bản Cáu duy trì thực hiện các phong tục truyền thống, tập quán tốt đẹp trong các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, ngày 5/5 âm lịch, ngày 14/7 âm lịch, nghi lễ Mừng cơm mới...Câu lạc bộ hát Then không chỉ biểu diễn, mà còn là nơi dạy đàn Tính cho lớp trẻ. Xã Lục Hồn còn vận động các hộ gia đình trong thôn thực hiện duy trì tiếng nói truyền thống, thực hiện trao truyền, truyền dạy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là duy trì tiếng nói trong giao tiếp. Cuốn “Học tiếng Tày Bình Liêu” đang được hoàn thiện, cho thấy nỗ lực khôi phục tiếng mẹ đẻ vốn là linh hồn của văn hóa dân tộc nơi đây.
Tại làng người Sán Chỉ ở Lục Ngù, xã Bình Liêu, nhà cổ của người Sán Chỉ được giữ gìn như chứng tích sống động của một nền văn hóa. Trang phục dân tộc được khuyến khích mặc trong sinh hoạt thường ngày, lao động sản xuất, các cơ sở may quần áo truyền thống của người Sán Chỉ được duy trì... Hội Soóng Cọ được tổ chức thường kỳ, gắn với các hoạt động du lịch đã tạo dấu ấn riêng cho du lịch cộng đồng nơi đây.
Không kém phần sinh động là hoạt động gìn giữ và phát huy văn hóa Sán Dìu ở Vòng Tre thuộc Đặc khu Vân Đồn. Câu lạc bộ Soọng Cô được duy trì đều đặn, thu hút đông đảo thanh niên, học sinh tham gia. Múa Hành Quang, Lễ cấp sắc, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống như khau nhục, bánh chưng gù… được phục dựng và đưa vào các dịp lễ hội. Đáng chú ý, tại Uỷ ban nhân dân xã, cán bộ, công chức người dân tộc Sán Dìu duy trì mặc trang phục dân tộc Sán Dìu vào thứ hai đầu tuần để chào cờ và làm việc. Chính sự tham gia rộng rãi của người dân, của đội ngũ cán bộ, công chức đã tạo nên sức sống lan tỏa cho mô hình.
Còn ở nơi địa đầu Tổ quốc, Khu di tích lịch sử Pò Hèn, xã Hải Sơn đã hoàn thiện xếp hạng cấp Quốc gia. Hơn 150.000 lượt khách du lịch về đây trong năm 2024 để tham quan di tích, khám phá văn hóa Dao Thanh Y, chiêm ngưỡng trang phục truyền thống, nghe hát đối, tham gia lễ cấp sắc, lễ hội xuống đồng là minh chứng rõ nét nhất cho thành công của những nỗ lực bảo tồn văn hóa của địa phương và sức hút của loại hình du lịch cộng đồng… Nỗ lực biên soạn sách dạy tiếng Dao, tổ chức lớp học tại trung tâm cộng đồng và tuyên truyền vận động mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt, lễ hội đã tạo nên bước chuyển rõ rệt trong việc gìn giữ bản sắc. Địa phương cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng, khánh thành và đưa vào hoạt động chợ phiên Pò Hèn hoạt động 2 lần/tháng vào tuần đầu và tuần thứ 3 của tháng và vào các dịp lễ Tết.
Những nỗ lực bảo tồn ấy không đứng riêng lẻ, mà gắn chặt với phát triển kinh tế qua con đường du lịch cộng đồng. Việc đầu tư quy hoạch và phát triển làng văn hóa du lịch tại Bản Cáu, xã Lục Hồn và Lục Ngù, xã Bình Liêu; Làng Văn hóa – Du lịch dân tộc Sán Dìu tại Đặc Khu Vân Đồn; làng du lịch cộng đồng tại xã Hải Sơn đã thu được nhiều trái ngọt. Những địa điểm này đã đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan trong 6 tháng đầu năm 2025.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm cũng đã được triển khai như: trồng nho Mẫu Đơn, mận tam hoa, hồi ghép tại xã Lục Hồn, Hoành Mô; trồng cam ở Đặc khu Vân Đồn, chè ở xã Đường Hoa, vườn hoa Cao Sơn xã Hoành Mô... Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 405 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, 100% sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhiều hợp tác xã tiên phong kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng, trở thành điểm đến hấp dẫn như: HTX Nông dược xanh, HTX hoa Bình Liêu, HTX cam Vạn Yên; du lịch Làng quê Yên Đức; du lịch trải nghiệm gốm sứ; khu nuôi cấy ngọc trai..
Các địa phương cũng tích cực khôi phục và phát triển nghề các làng nghề truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm giàu sản phẩm du lịch và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đến du khách.Nguồn: https://baoquangninh.vn/quang-ninh-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-ban-sac-van-hoa-dan-toc-thieu-so-gan-voi-phat-trien-du-lich-c-3367103.html
Bình luận (0)