Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Giạt ” và “Dạt ”

(Baothanhhoa.vn) - Trong một bài viết trên mạng xã hội, tác giả nọ viết “Mưa sầm sầm. Lá bắt đầu giạt vào sân...”. Câu này mô tả cơn mưa lớn đổ xuống đường phố, nước nhanh chóng dềnh lên, khiến lá khô trôi giạt vào sân nhà.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa18/07/2025

“Giạt ” và “Dạt ”

Một độc giả bình luận, thắc mắc: “Dạt vào” hay “giạt vào”? Người viết trả lời là “Lưỡng khả” (nghĩa là viết “giạt vào” hay “dạt vào” đều đúng).

Tuy nhiên, nhiều độc giả khác không chấp nhận.

Vậy, “giạt vào” và “dạt vào”, cách viết nào đúng chính tả? Hay cả hai đều đúng?

Chúng ta thử giở từ điển xem “giạt” và “dạt” được dùng như thế nào.

- Đại Nam quấc âm từ điển (Huình Tịnh Paulus Của) giảng “giạt” là “bị sóng gió đưa ra, hoặc tấp vào”, và liệt kê “giạt vào bờ” = “tấp vào bờ”; “giạt ra” = “đưa ra, bỏ ra, để riêng ra”; “bạt giạt” = “trôi tấp, hoặc đưa vào chỗ nào”...

Với từ “dạt”, từ điển này giảng là “dan ra, để nới ra, không cho dụm giụm lại” và liệt kê: “dạt ra” = “bỏ ra, nới ra”; “dạt củi” = “kéo củi ra để cho xa nhau; bớt củi, bớt lửa”.

Như vậy, theo cách giảng của Huình Tịnh Paulus Của, thì khi diễn tả về sự trôi giạt, thì phải viết là “giạt”; còn nói về sự “đưa ra, bỏ ra, để riêng ra” hay “dan ra, để nới ra, không cho dụm giụm lại”, thì viết “giạt” hay “dạt” đều được. Theo đây, viết “Lá bắt đầu giạt vào sân...” là hoàn toàn đúng.

Một số cuốn từ điển xuất bản muộn hơn:

- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng “giạt” là: “Bị sóng gió xô đẩy đi”, và lấy ví dụ “Trời mưa giạt cả ao bèo. Thuyền bị sóng đánh giạt vào bờ. Văn-liệu: Hoa trôi, bèo giạt đã đành (Kiều)”. Với từ “dạt” từ điển này giảng là “thưa, giãn”, và lấy ví dụ “Vải dạt, sợi dạt.”.

- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng “giạt” là “Tạt, lạc, trôi vất - vưởng, không phương - hướng”, và lấy ví dụ “Thuyền giạt, bèo giạt hoa trôi”. Với “dạt” (động từ), từ điển này giảng là “Tải ra, banh rời ra, không để chồng - đống”, và lấy ví dụ “Dạt củi, dạt đống cát”; còn “dạt” (tính từ) có nghĩa là “Thưa, lơi, không dày, không săn: Vải dạt, sợi dạt”.

Một số cuốn từ điển khác như Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập), Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị), có cách giảng tương tự.

Như vậy, từ điển của Hội Khai trí Tiến Đức và Trần Văn Đức cùng một số tác giả khác, phân biệt rõ: “giạt” là dùng cho sự trôi giạt, bị xô đẩy đi một cách vô định; còn “dạt” gắn với trường hợp làm cho vật gì đó thưa ra, tách ra, hoặc bị thưa ra, cách xa nhau, không còn săn, khít nữa. Theo đây, viết “Lá bắt đầu giạt vào sân...” không sai chính tả.

Một số cuốn từ điển xuất bản muộn hơn nữa:

- Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), chỉ ghi nhận “giạt” và giảng là “Bị xô vào một bên <> Vải giạt; Bèo giạt”.

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, bản Vietlex), mục “giạt”, hướng dẫn xem “dạt”. Mục “dạt” giảng hai nghĩa: - “bị xô đẩy về một phía, một nơi nào đó”, và lấy ví dụ “bèo dạt mây trôi ~ “Bọn trẻ con chạy dạt ra hai bên, làm nước bắn tung toé.” (Đoàn Giỏi)”; -“dãn thưa ra [thường nói về sợi của hàng dệt]”, ví dụ “mặt vải đã bị dạt”.

- Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) chỉ thu thập “dạt”, không thu thập “giạt”, và giảng “dạt” (động từ) là “Bị xô đẩy về một phía, một nơi nào: Bè dạt vào bờ <> bèo dạt mây trôi”; giảng “dạt” (tính từ) là “Dãn thưa ra: tấm áo mặc lâu ngày, vải dạt hết”.

Như vậy, trong tiếng Việt vốn có sự phân biệt giữa “giạt” (trôi giạt), và “dạt” (bị dạt ra, thưa ra). Về sau (đặc biệt là hiện nay) người ta có xu hướng giản tiện hơn, không phân biệt “giạt” với “dạt” nữa, mà quy về một cách viết chung là “dạt”. Tuy nhiên, sự tinh tế trong cách viết phân biệt “giạt” trong “Bèo giạt mây trôi”, “Tiếc thay cái chậu nước trong/ Để cho bèo tấm, bèo ong giạt vào (Ca dao), với “dạt” trong “vải bị dạt”, vẫn là lựa chọn của nhiều người. Và như vậy, xét về sự biến đổi của từ ngữ, thì viết “trôi giạt” hay “trôi dạt” đều đúng.

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/giat-va-dat-255246.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm