Thức ăn sẵn bày bán tràn lan, thiếu kiểm soát
Trong những năm gần đây, thói quen sử dụng thức ăn chế biến sẵn tại chợ ngày càng phổ biến, nhất là với người lao động có ít thời gian nấu nướng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn các hàng quán bán thực phẩm chế biến sẵn tại chợ dân sinh không bảo đảm điều kiện vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Ghi nhận tại chợ cóc thôn Ông Hảo, xã Nguyễn Văn Linh, nhiều hàng quán bày bán thịt sống, giò chả, vịt quay, dưa cà muối… trực tiếp trên bàn, không có mái che hay tủ bảo quản. Khu đồ chín và thực phẩm tươi sống đan xen, nước thải lênh láng, ruồi nhặng bu đầy. Một số người bán đeo khẩu trang nhưng không sử dụng găng tay khi chế biến, còn dụng cụ chế biến thì thô sơ, thiếu vệ sinh. Rác thải và nước thải chưa được thu gom xử lý triệt để, càng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm.
Không ít người tiêu dùng vẫn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm. Chị Trần Thị Thanh Nga, công nhân ở xã Nguyễn Văn Linh chia sẻ: Tan ca là tôi ra chợ mua đồ ăn cho tiện. Nhiều hôm mệt, tôi mua luôn đồ chế biến sẵn về ăn, cũng không rõ nguồn gốc như thế nào, nhưng quen rồi thì cứ mua.
Theo thống kê, tỉnh Hưng Yên hiện nay có khoảng 320 chợ, trong đó, chủ yếu là chợ nhỏ, chợ tạm, chưa đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP. Một số chợ lớn đã được phân khu thực phẩm rõ ràng, nhưng nhiều chợ khác vẫn chưa được đầu tư đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP...
Cần siết chặt kiểm tra và nâng cao ý thức cộng đồng
Thực tế cho thấy, phần lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ không có chứng nhận ATTP, không đăng ký kinh doanh và cũng chưa qua tập huấn về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn duy trì tâm lý “ăn quen thì không sao”, lựa chọn thực phẩm chủ yếu dựa vào cảm quan, bỏ qua yếu tố nguồn gốc, điều kiện bảo quản, hạn sử dụng…
Chị Nguyễn Thị Thủy, phường Phố Hiến chia sẻ: Nhà tôi ở gần chợ nên vẫn mua thức ăn hằng ngày ở đó. Đồ ăn sẵn thì tiện, lại rẻ, biết là không sạch bằng siêu thị nhưng ăn quen rồi nên vẫn dùng.
Đáng lo ngại hơn, vào những ngày nắng nóng cao điểm, thức ăn không được bảo quản đúng cách rất dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm cấp tính. Trong khi người bán chưa ý thức được trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, thì người tiêu dùng lại dễ dãi, bỏ qua các cảnh báo về sử dụng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý tại cơ sở còn mỏng, công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP chưa được thực hiện thường xuyên và thiếu các chế tài xử lý mạnh tay.
Để cải thiện tình trạng mất an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía. Trước hết, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người bán và người mua về tác hại của thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP, yêu cầu các tiểu thương ký cam kết không kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Các địa phương cần sớm triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm với hạ tầng đồng bộ, phân khu rõ ràng, có khu sơ chế riêng biệt, nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, nước thải hợp lý. Đồng thời, khuyến khích người dân ưu tiên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát, hạn chế sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh dù tiện lợi.
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng bắt đầu từ mỗi bữa ăn hằng ngày. Muốn làm được điều đó, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, trước hết người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức, nâng cao cảnh giác và nói “không” với thực phẩm không an toàn.
Nguồn: https://baohungyen.vn/noi-lo-mat-an-toan-thuc-pham-tu-cac-cho-dan-sinh-3182413.html
Bình luận (0)