Sầu riêng - cây tiền tỉ - chỉ giữ được phong độ với sầu riêng hữu cơ như của chuyên gia Huỳnh Quới.
Bức tranh sẫm màu
Cách làm nghịch vụ để tránh đụng hàng dội chợ không còn hiệu nghiệm nữa. Nhãn, vải, sầu riêng, ổi, chôm chôm… không đụng hàng mùa thuận cũng sẽ đụng hàng nghịch vụ. Nhiều loại trái cây tách dòng tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu, theo Cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,302 tỉ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng thị trường Trung Quốc, dù thu được 1,11 tỉ USD, chiếm 48,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam, nhưng giảm tới 35,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tháng 5-2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm tới 39,7% so với cùng thời gian này năm ngoái. Tháng 6-2025, tình hình khá hơn khi mùa vải thiều chín rộ.
Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan là 5 thị trường xuất khẩu hàng rau quả trọng điểm của Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2025, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 207,8 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2024. Sắp tới đây, trái cây từ Mỹ vào Việt Nam với thuế suất 0%. Trái cây tươi và chế biến từ Việt Nam sang Mỹ (thuế cơ bản: 5-10%) sẽ chịu thuế bổ sung: +10%. Tổng mức sẽ từ 15%-20%. Áp dụng cho trái cây như xoài, thanh long, vải, chôm chôm, nước trái cây đóng hộp...
Chưa thể nói trước điều gì, nhưng nhiều nhà buôn nói rằng, táo, mận, anh đào, lê… trên thị trường hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ là hàng thật chứ không phải hàng giả như trước nữa. Các thương nhân có vai trò quan trọng trong chuyện này.
Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Ðỏ, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu có nhiều kinh nghiệm đưa trái vải Việt Nam sang thị trường Nhật, Mỹ, Australia hay như Chánh Thu group, Vina T&T từng kêu gọi hãy đi cùng nhau, hãy kết nối từng mảnh vườn nhỏ với nhau vận hành theo chuỗi cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với các tham tán thương mại và thương nhân nhập hàng…
Bài học lọt tầm ngắm các nhà buôn toàn cầu
Vải xuất khẩu là bài học “xương máu” về nghệ thuật thu hút tầm ngắm của các nhà buôn toàn cầu. Tuy chưa thật hài lòng nhưng các phân tích gia của Research and Markets cho rằng thị trường toàn cầu chú ý nhiều hơn tới hình ảnh và tác động từ những vùng chuyên canh tập trung, chuẩn chất và cách kết nối với bên ngoài của Việt Nam.
Ðáng chú ý, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu vải lớn nhất thế giới đã mua ít nhất 80-90% sản lượng vải từ Việt Nam, theo các nhà phân tích. Có nhiều dự báo khác nhau, theo Research and Markets, phân tích quy mô thị phần, xu hướng tăng trưởng giá trị trên thị trường vải sẽ tăng vọt từ 6,73 tỉ USD năm 2023 lên 8,79 tỉ USD vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 5,5% trong giai đoạn này. Trong khi đó, Vantage Market Research dự báo mức tăng trưởng thị trường vải thiều toàn cầu từ 10,3 tỉ USD vào năm 2021 sẽ lên 13,46 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 3,4% từ năm 2022 đến năm 2028.
Sản lượng vải của Việt Nam năm 2025 trên 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024. Các doanh nghiệp Việt Nam đang củng cố vị thế thứ hai trên thị trường vải thiều toàn cầu.
Litchi chinensis thuộc họ Sapindaceae là một loại trái cây cao cấp có chỗ đứng trên thị trường quốc tế và chiếm được trái tim của người tiêu dùng từ nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc tự hào khi nói rằng vải thiều được biết đến cách đây 2.000 năm. Tương truyền, từ đời nhà Ðường, Dương Quý Phi - người được hoàng đế Huyền Tông nhà Ðường sủng ái - rất thích ăn vải tới mức Huyền Tông bắt dân Hoan Châu cống nạp để Dương Quý Phi thưởng thức. Tới khi cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, tuy bị dập tắt, nhưng “nạn cống nạp vải” mới chấm dứt.
Lịch sử, tới đoạn này cho thấy phương Nam từng tồn tại loại vải thơm ngon hơn rất nhiều so vải của nhà Ðường.
Ngày nay, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Madagascar và Việt Nam là những quốc gia cung cấp vải. Nếu Việt Nam phát triển các nông trại, vùng trồng có thể truy xuất nguồn gốc thì Trung Quốc, Úc tập trung tạo giống mới, đặc biệt là vải không hạt. GreenAgrove (Malaysia) bán vải thiều tươi không hạt từ Trung Quốc; Vườn ươm Tropical Planet (Úc) đã cung cấp cây giống vải thiều không hạt và Ross Creek Tropicals (Úc) quảng cáo loại vải có tên là Sue Lin San có vị dứa, theo EastFruit. Nhiều nơi không chỉ bán trái vải tươi, vải khô, đóng hộp mà còn khai thác mật ong từ lúc vải trổ bông.
Cách tạo dấu ấn với các nhà buôn hết sức quan trọng. Ngành sản xuất nông sản tươi của Úc đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm khuyến khích trẻ em ăn nhiều trái cây và rau quả hơn, hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia (The Wiggles). Sáng kiến này được giới thiệu tại Brisbane tại Hort Connections, có sự tham dự của hơn 4.000 người trồng trọt và các bên liên quan.
Sản phẩm chế biến từ trái cây được giới thiệu tại Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2024.
Hiệp hội Sản phẩm Tươi sống Quốc tế Úc và New Zealand (IFPA ANZ) tổ chức sự kiện này, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong ngành, công bố kết quả nghiên cứu - cho thấy hai phần ba phụ huynh Úc cho con cái họ tiêu thụ lượng trái cây và rau quả ít hơn một nửa so mức khuyến cáo ở 7 quốc gia do IFPA ANZ nghiên cứu.
Chiến dịch này đã nhanh chóng thu hút các đối tác tài trợ bao gồm AUSVEG, Hort Innovation, Perfection Fresh, Flavorite, Mitolo Family Farms và các nhà sản xuất chuối Premier Fresh và MacKays Marketing. IFPA ANZ đại diện cho ngành công nghiệp trị giá 24 tỉ USD và hoạt động nhằm kết nối các bên liên quan trên toàn bộ chuỗi giá trị hoa và sản phẩm tươi sống tại cả Úc và New Zealand.
Nam Phi cũng tổ chức những ngày hội cà chua tại Johannesburg, thu hút cả Stéphane Layani, Tổng Giám đốc điều hành của Chợ Rungis tại Paris.
Tại Bắc Giang, thay vì chỉ có “ta với ta” múa lân mừng lô hàng xuất khẩu, Dragonberry Produce đã triển khai chương trình xuất khẩu vải thiều được chứng nhận hợp tác, tạo cột mốc thời gian cam kết lâu dài trong việc tăng cường quan hệ nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ thông qua chuỗi cung ứng bền vững và có thể mở rộng. Dragonberry đặt mục tiêu kích hoạt tăng trưởng đáng kể diện tích và sản lượng vải thiều ngon lành của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Nghịch lý nơi chúng ta đang sống
Từ 15 năm trước, Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (CAQMN) đã chọn ra những loại trái cây có sức cạnh tranh để thúc đẩy vùng trồng hướng tới xuất khẩu. Năm 2011, mơ ước của PGS.TS Nguyễn Minh Châu, đương nhiệm Viện trưởng Viện CAQMN là 500-600 triệu USD trong khoảng 5-6 năm sau đó.
Nghị quyết 120 (NQ-120) ra đời vào tháng 11-2017 định hướng nông nghiệp ÐBSCL là thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo. Năm 2024, Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ước tính sản lượng các loại cây ăn trái chủ lực của ÐBSCL (xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, mít…) khoảng 5,7 triệu tấn, tăng 429.700 tấn so sản lượng năm 2023.
Cũng như lúa, được tiếng là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, một trong những trung tâm xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng mùa vụ - gặt hái không tạo dấu ấn gì thu hút chú ý thương nhân toàn cầu. Thậm chí, một nghiên cứu mới được công bố: ÐBSCL đang đứng trước thách thức không chỉ về an ninh lương thực mà cả an ninh dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng.
ÐBSCL có tỷ lệ thừa cân, béo phì trên 10,2%, đứng thứ hai cả nước. Mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao hơn mức trung bình toàn quốc, nhưng lượng rau quả chỉ khoảng 203 gram rau và 115 gram trái cây mỗi người mỗi ngày, thấp hơn khuyến nghị của WHO (400 gram trái cây/ngày).
Lúa gạo dồi dào, nhưng tỷ lệ béo phì và tiểu đường có xu hướng gia tăng nhanh. Ðáng chú ý, tỷ lệ béo phì ở thanh niên ÐBSCL tăng nhanh nhất so với các vùng khác trên toàn quốc, đi kèm với tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường cao hơn. PGS.TS Ðào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo ở vùng ÐBSCL: Nghiên cứu, phát triển và kinh doanh” do Trường Ðại học Cần Thơ phối hợp với Viện Quản lý Nước Thế giới (IWMI) tổ chức từ ngày 25-26/6/2025.
Mô hình kinh doanh toàn diện
Bà Viviane Filippi, đại diện Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), thẳng thắn nói: “Dù có những thành tựu như mô hình “1 phải - 5 giảm”, SRP, hay đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, việc mở rộng quy mô vẫn gặp khó khăn. Thách thức lớn nhất hiện nay là việc mở rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái ra diện rộng do nhận thức và tư duy chuyển đổi của nông dân chưa đồng đều, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ, và sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị còn hạn chế (chỉ 40% diện tích lúa được thu mua trực tiếp) công với các lỗ hổng về giám sát, đánh giá, ứng dụng công nghệ và liên kết chuỗi giá trị”.
Ứng dụng Farmore được coi là thí điểm đầy hứa hẹn, hướng tới người dùng và thúc đẩy tương tác giữa các tác nhân. Mặc dù 74% nông dân sẵn sàng áp dụng các ứng dụng kỹ thuật số, nhưng tỷ lệ chấp nhận thực tế chỉ là 4%, TS Ðặng Kiều Nhân, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ÐBSCL, cho biết.
Có 3 thách thức lớn của ngành lúa gạo ÐBSCL: 1. Biến đổi khí hậu, thoái hóa đất và thu nhập nông dân thấp; 2. Phát thải khí mê-tan cao, lạm dụng phân bón hóa học, cùng hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn đang đe dọa sản xuất; 3. Quy mô trang trại nhỏ (dưới 1ha) và chuỗi cung ứng phân mảnh càng làm giảm khả năng cạnh tranh và kiểm soát chất lượng.
Canh tác nông nghiệp sinh thái, chứng nhận bền vững, ứng dụng công nghệ. Ðặc biệt, sử dụng công cụ số như ứng dụng di động, GIS, cảm biến để hỗ trợ nông dân ra quyết định theo thời gian thực. AI và giám sát vệ tinh sẽ cho phép theo dõi phát thải CH4 và canh tác từ xa với chi phí thấp, đồng thời tạo ra tín chỉ carbon có thể bán được. Kết nối nông hộ nhỏ với chuỗi cung ứng công bằng để đảm bảo lợi nhuận và gạo an toàn cho người tiêu dùng. Xây dựng liên minh toàn diện giữa Chính phủ, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân để cùng hợp tác xây dựng chính sách và thúc đẩy đổi mới - bà Viviane Filippi nhấn mạnh: “Trước tiên cần xem xét việc xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng, làm sao cho người mua thấy được giá trị sản phẩm mà họ mua thật xứng đáng như vậy. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng thông tin, nâng cao năng lực cho nông dân cùng với việc phát triển các mô hình hợp tác đáp ứng nhu cầu đầu tư và chính sách hỗ trợ… sẽ là những bước đi căn cơ cho sự chuyển đổi này.
Cuối cùng, một tầm nhìn toàn diện về chuyển đổi ở ÐBSCL phải bao gồm các giải pháp bền vững: cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái kỹ thuật số, hệ thống kinh doanh toàn diện và các công cụ thông minh, mô hình vốn thông minh.
Nhận định ấy có ý nghĩa cả cho ngành rau quả. Hiện nay, nhiều thương nhân di chuyển về Tây Nguyên, nơi có những vườn trồng quy mô, dễ truy xuất nguồn gốc để mua trái tươi hoặc nguyên liệu chế biến đúng chuẩn.
Chánh Thu Group, nhà xuất khẩu trái cây ó tiếng ở Bến Tre, cũng đã xây dựng nhà máy chế biến ở Tây Nguyên khiến cho những vùng trồng quy mô lớn này - không chỉ tăng số đông doanh nhân - doanh nghiệp tên tuổi lớn, dày dặn kinh nghiệm mà còn chứng minh sức sống mạnh mẽ, nguồn lực đủ lớn thúc đẩy dòng chảy trái cây tươi, chế biến sâu để xuất khẩu.
Làm theo lối cũ là tự làm khó mình!
Bài, ảnh: CHÂU LAN
Nguồn: https://baocantho.com.vn/nguon-loi-lon-dang-chao-dao-a188337.html
Bình luận (0)