Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nền tảng số cho chính quyền vận hành đồng bộ

Ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền hai cấp chính thức đi vào vận hành. Đây không chỉ là một cuộc cách mạng về tái cấu trúc bộ máy, mà còn là động lực để quá trình chuyển đổi số cấp xã, phường diễn ra nhanh chóng và thực chất hơn.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân27/07/2025

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình sau khi vận hành chính quyền hai cấp.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình sau khi vận hành chính quyền hai cấp.

Trong vận hành chính quyền hai cấp, công nghệ số được coi là nền tảng cho quá trình chuyển đổi, bảo đảm bộ máy tinh gọn vẫn hoạt động hiệu quả. Để không gián đoạn dịch vụ khi chuyển từ chính quyền ba cấp sang vận hành mô hình chính quyền hai cấp, bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến thông suốt cho người dân, các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt và nhiều cách làm mới.

Khởi đầu tích cực

Ngay khi chính quyền mới đi vào vận hành ngày 1/7, tỉnh Ninh Bình đã tắt toàn bộ hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử cũ của 3 tỉnh và chuyển sang hệ thống dùng chung mới. Bước đầu vận hành chính quyền hai cấp của các địa phương đã có những hiệu quả tích cực, đặc biệt là đối với người dân. Các thủ tục hành chính có thể được hoàn tất ngay tại nơi cư trú, thay vì phải quay về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú như trước đây. Có được sự khởi đầu thuận lợi này là do trước đó, tỉnh Ninh Bình đã vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp, được coi là cuộc tổng duyệt với tình huống thật, quy trình thật và con người thật.

Quá trình vận hành thử giúp cho địa phương có thời gian rà soát toàn bộ quy trình, hệ thống. Bên cạnh đó, các đơn vị công nghệ chủ lực như VNPT tỉnh Ninh Bình không chỉ trực tiếp xây dựng và vận hành hạ tầng số cho mô hình mới của tỉnh, mà đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ kỹ thuật tại cơ sở. “Chúng tôi bố trí hai cán bộ thường trực tại mỗi xã, phường; đồng thời thành lập nhóm Zalo hỗ trợ kỹ thuật 24/7 để xử lý mọi vướng mắc phát sinh tại hiện trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh, nâng cấp các hệ thống, phần mềm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ phát sinh trong mô hình chính quyền hai cấp”, đại diện VNPT tỉnh Ninh Bình cho biết.

Tại Thái Nguyên, việc thiết lập, điều chỉnh hệ thống phần mềm và dữ liệu để phù hợp với tổ chức bộ máy sau sáp nhập được đánh giá là phức tạp hơn vì toàn bộ giải pháp triển khai mới hoàn toàn. Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh khẳng định về mặt kỹ thuật, đường truyền tại địa phương đã được bảo đảm 100%. “Các nhà mạng đã chủ động nâng gấp đôi băng thông. Toàn bộ các xã, phường đều có đường truyền tối thiểu 100 Mbps. Chúng tôi cũng đã tách hệ thống mạng ở Trung tâm Hành chính công để một phần phục vụ người dân, một phần riêng cho cán bộ truy cập cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia”.

Việc vận hành thông suốt trên môi trường số cũng giúp người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn sau thay đổi địa giới hành chính. Người dân tại các địa phương bước đầu ghi nhận sự thuận tiện hơn trong một số dịch vụ hành chính công. Việc gửi, nhận văn bản điện tử, cập nhật và xử lý hồ sơ trực tuyến được thực hiện nhanh chóng hơn. Một số người cho biết việc tra cứu và phản ánh qua hệ thống phần mềm giúp họ giảm thời gian đi lại, nhất là với những thủ tục đơn giản.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Trong thời gian đầu vận hành mô hình mới, một số địa phương vẫn gặp khó khăn. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình, nhiều cán bộ phản ánh việc nghẽn mạng, lỗi phần mềm và hiển thị không đầy đủ thông tin trên hệ thống mới. Thực tế là nhiều lúc trường dữ liệu bị lệch hoặc không hiển thị nên cán bộ không biết xử lý hồ sơ cho người dân thế nào. Thậm chí, kể cả những cán bộ hành chính công cấp tỉnh, được đào tạo bài bản hơn nhưng vẫn không tránh khỏi sự lúng túng khi sử dụng phần mềm, hệ thống mới.

Một số thủ tục hành chính trước đây thuộc cấp huyện nay chuyển về xã nhưng cấp xã chưa hề tiếp cận. Vì vậy, địa phương vẫn cần thời gian để cập nhật quy trình, cấu hình mới lên môi trường số và hướng dẫn cán bộ.

Ông Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình

Thêm nữa, nhiều cán bộ chưa được cấp chữ ký số để giải quyết thủ tục dịch vụ công cho người dân khiến hồ sơ mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Ông Ngô Mạnh Tài, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trung Thành (tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ mong muốn được bố trí một cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin để có thể trực tiếp xử lý những tình huống phát sinh tại địa phương, bởi hiện nay, cán bộ ở đây chỉ được đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cơ bản.

Việc liên thông dữ liệu giữa hệ thống phần mềm cấp tỉnh và các hệ thống của bộ, ngành, Trung ương như Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống dân cư, Hệ thống hộ tịch… hay phân cấp, phân quyền trên hệ thống vẫn là một thách thức lớn.

Dù mục tiêu là xây dựng chính quyền hai cấp để giảm bớt đầu mối trung gian nhưng thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể về phân quyền, phân cấp một số thủ tục hành chính. Ông Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình cho biết, một số thủ tục hành chính trước đây thuộc cấp huyện nay chuyển về xã nhưng cấp xã chưa hề tiếp cận. Vì vậy, địa phương vẫn cần thời gian để cập nhật quy trình, cấu hình mới lên môi trường số và hướng dẫn cán bộ.

Thiếu trang thiết bị đồng bộ cũng là một trở ngại trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến. Dù cơ sở vật chất ở một số phường, xã của tỉnh Thái Nguyên đáp ứng cơ bản, nhưng nhiều đơn vị khác vẫn thiếu; 100% máy tính của công chức chưa có bản quyền theo Kế hoạch số 02-KH/TW và nhiều thiết bị đã cũ, không còn phù hợp với yêu cầu vận hành trên môi trường số.

Tại phường Nam Hoa Lư, trang thiết bị để bảo đảm thực hiện yêu cầu nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế, khiến công tác số hóa hồ sơ chưa được thông suốt. Thêm vào đó, việc người dân chưa quen với các dịch vụ số cũng là một rào cản. Trao đổi với chúng tôi, còn không ít người dân vẫn có tâm lý e ngại khi nộp hồ sơ trực tuyến do sử dụng chưa thành thạo điện thoại thông minh, nhất là người cao tuổi...

Để mô hình chính quyền hai cấp thật sự hiệu quả, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong thời gian tới như: bảo đảm kết nối truyền dẫn ổn định của các địa phương với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư; tái cấu trúc các phần mới và đưa lên nền tảng “Bình dân học vụ số” để tập huấn trực tiếp cho cán bộ, công chức; triển khai đánh giá lại nhu cầu sử dụng thiết bị như USB token và chữ ký số, đồng thời công bố địa điểm thủ tục hành chính mới để người dân dễ tiếp cận.

Nguồn: https://nhandan.vn/nen-tang-so-cho-chinh-quyen-van-hanh-dong-bo-post896746.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm